Nếu uống quá nhiều rượu vào đêm hôm trước, chắc chắn, bạn sẽ đau đầu, mệt mỏi vào sáng hôm sau và nghĩ đến việc giải rượu ngay lập tức.
Theo Prevention, Tiến sĩ Aaron Michelfelder, giáo sư y học tại Trung tâm Y khoa Đại học Loyola (Mỹ), cho biết rất nhiều người áp dụng các biện pháp giải rượu sai lầm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của họ.
Sai lầm: "Lấy độc trị độc"
Uống rượu vào buổi sáng hôm sau chỉ gây thiệt hại nhiều hơn đến gan và não bộ, khiến cơn đau đầu tồi tệ hơn.
Sự thật: Nhiều người cho rằng uống 1-2 chén rượu vào buổi sáng hôm sau có thể giúp bạn giảm cơn nôn nao sau khi uống say vào tối hôm trước. Tuy nhiên, theo tiến sĩ George Koob, Giám đốc Viện Quốc gia Mỹ về lạm dụng rượu và nghiện rượu, điều này có thể giảm một số triệu chứng khó chịu lúc đầu, nhưng sau đó tình trạng nôn nao sẽ trở nên tồi tệ hơn.
"Rượu có thể làm cho bạn cảm thấy bình tĩnh và thoải mái hơn. Nhưng sau đó, cảm giác bình tĩnh sẽ biến thành lo lắng. Uống rượu vào buổi sáng hôm sau chỉ gây thiệt hại nhiều hơn đến gan và não bộ, khiến cơn đau đầu tồi tệ hơn".
Sai lầm: Uống 2 viên thuốc giảm đau trước khi đi ngủ có thể giúp giải rượu
Sự thật: Cơ thể đốt cháy rất nhiều nước để xử lý rượu, vì vậy bạn có thể phải chịu tình trạng mất nước, đau đầu vào ban đêm. Do đó, nhiều người nghĩ rằng uống thuốc giảm đau và nhiều nước có thể là biện pháp hữu ích, vì rượu làm sưng gan và não, thuốc giảm đau sẽ giúp chống viêm.
Tuy nhiên, tiến sĩ Koob không cho rằng các loại thuốc này có thể ngăn chặn các triệu chứng nôn nao. Thậm chí, chúng còn gây thiệt hại nghiêm trọng đến gan – bộ phận đã quá tải do lượng rượu bạn nạp vào cơ thể trước đó.
Sai lầm: Ăn bánh mì trước khi uống để hấp thụ rượu
Sự thật: Ăn bánh mì hoặc bất cứ thứ gì đó trước khi uống rượu chỉ có thể hiệu quả khi bạn uống 3-4 ly. Nó sẽ trở nên vô dụng nếu bạn uống quá nhiều.
Lót dạ với bánh mì hoặc thực phẩm nào đó chỉ có tác dụng khi bạn uống 3-4 ly rượu.
Sai lầm: Đi ngủ có thể giảm nôn nao
Sự thật: Tiến sĩ Michelfelder cho biết rượu đào thải khỏi cơ thể theo 2 cách: thông qua nước tiểu và hơi thở. Vì vậy, nếu bạn muốn giải rượu nhanh hơn, bạn nên đi bộ hoặc chạy bộ. Điều này có thể khiến bạn thở nhanh, máu chuyển động nhanh. Đồng thời, bạn nên uống nhiều nước để kích thích cơ thể tiểu tiện thường xuyên.
Sai lầm: Bữa sáng lớn là phương thuốc chữa nôn nao tốt nhất
Sự thật: Khi dạ dày đang nôn nao, việc tiêu thụ một bữa sáng lớn với xúc xích, trứng, khoai tây chiên có thể làm quá tải dạ dày, không có hiệu quả giải rượu. Thay vào đó, bạn có thể chọn các món ăn dễ tiêu hóa để nhanh chóng tăng lượng đường trong máu như bánh quy, bánh mì.
Sai lầm: Uống một cốc cà phê đen để phục hồi cơ thể
Cà phê không có tác dụng thúc đẩy quá trình phục hồi cơ thể sau khi uống rượu.
Sự thật: Cà phê có thể làm cơn buồn nôn do rượu tồi tệ hơn vì nó có tính axit. Caffeine chỉ khiến bạn cảm thấy tỉnh táo và tập trung, chứ không có tác dụng thúc đẩy quá trình phục hồi cơ thể sau khi uống rượu.
Sai lầm: Uống bia trước khi uống rượu sẽ giúp bạn không bị say
Sự thật: Điều này hoàn toàn là sai lầm. Theo tiến sĩ Koob, nếu bạn uống quá nhiều, đặc biệt là uống nhanh, thứ tự tiêu thụ các loại chất cồn không còn quan trọng. Điều quan trọng là uống chậm và ít. "Rượu được hấp thụ vào máu nhanh chóng rồi chuyển tới não bộ, cơn buồn nôn sẽ tới nhanh hơn", tiến sĩ Koob cho biết.
Sai lầm: cứ say rượu là uống nước chanh đá
Cồn trong dạ dày gặp thêm axit sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, lâu có thể gây loét dạ dày.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thói quen uống rượu xong uống nước chanh rất phổ biến, không chỉ cánh mày râu mà ngay cả chị em phụ nữ cũng tin thế.
Theo bác sĩ Nguyên, rất nhiều người phải nhập viện sau khi uống rượu say lại làm thêm cốc nước chanh. Nước chanh không có tác dụng giải rượu mà nó là axit. Khi đó, nước chanh dễ làm tổn thương dạ dày bởi các quý ông uống rượu ít khi ăn cơm hay các chất tinh bột. Cồn trong dạ dày gặp thêm axit sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, lâu có thể gây loét dạ dày.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)