Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Những sân đấu ước mơ

Tạp Chí Giáo Dục

Một nhà báo người Nam Phi nhân cơ hội World Cup diễn ra ở quê nhà đã gây quỹ quyên góp được hàng trăm ngàn USD để tổ chức những giải bóng đá cho trẻ em nghèo, giúp các em tránh tệ nạn xã hội.
Tại thị trấn bụi bặm Orange Farm, phía nam thành phố lớn nhất Nam Phi Johannesburg, hàng trăm đứa trẻ hồn nhiên chơi bóng trong không khí World Cup vui tươi đang cận kề. Cầu thủ dự giải này hầu hết là trẻ em đến từ những vùng quê nghèo tại Nam Phi. Chúng được vui chơi, cười đùa, được mặc đồ mới và lần đầu tiên được đi giày đá bóng.

Các cầu thủ nhí quần thảo ở giải đấu Orange Farm tại thành phố Johannesburg

Giải đấu được Dreamfields (những sân đấu ước mơ) tổ chức  – dự án do John Perlman, một phát thanh viên nổi tiếng người Nam Phi – thực hiện. Perlman, 50 tuổi, nghĩ về dự án này từ World Cup 2006 diễn ra ở Đức. Perlman đã dùng sự nổi tiếng của mình và các mối quan hệ có được để tận dụng “những cơn gió ấm áp” từ World Cup, thuyết phục các tập đoàn lớn của Nam Phi cùng các công ty nhỏ góp tiền cho Dreamfields tổ chức giải đấu cho trẻ em nghèo.
Với đội ngũ nhân viên chỉ sáu người, Dreamfields hi vọng quyên góp được 20 triệu rand (2,65 triệu USD) cho tới hết World Cup này. Cho tới nay, quỹ Dreamfields đã cung cấp đồ tập luyện đá bóng cho 16.000 trẻ em ở 1.200 trường hầu hết tại các vùng nông thôn nghèo. Tổ chức cũng giúp xây 12 sân chơi bóng và tổ chức được 96 giải đấu. Giải đấu Orange Farm được Tập đoàn FirstRand tài trợ, trong đó hơn 100 nhân viên của tập đoàn này đã tham gia giúp cung cấp nước, đồ uống, giải thưởng… cho 25 đội bóng nam và nữ.
Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cũng có chương trình Football for Hope (Bóng đá nuôi dưỡng hi vọng) nhưng chương trình này chủ yếu dành dạy các bài học sống ở nhiều nước. Trong khi đó, dự án của Perlman không chỉ cung cấp đồ dùng chơi bóng cho trẻ em nghèo, mà còn gắn kết các dự án khác đối phó với tội phạm, ma túy và xây dựng cầu nối để xua tan căng thẳng giữa các làng nghèo miền quê. Perlman nói với Hãng tin Reuters: “Chúng tôi bắt đầu dự án trên cơ sở chơi thể thao là một quyền căn bản”.
Thủ môn Katleho Selepe,12 tuổi – một trong những cầu thủ nhí dự giải đấu ở Orange Farm – cho biết: “Chúng em được chơi và học cách phối hợp theo nhóm. Nó giúp chúng em không ra đường và tránh được những điều xấu”. Đồng đội của Selepe, tiền đạo Tshidiso Mathshwisa, 11 tuổi, nói lần đầu tiên em được xỏ giày. “Giày rất vừa và em rất vui vì sau này muốn trở thành cầu thủ bóng đá. Em sẽ đá tốt hơn nhiều nhờ những cơ hội thế này”.
Mduduzi Ephraim, HLV của một đội bóng nữ, tâm sự: “Dreamfields giúp các đứa trẻ thực hiện giấc mơ của mình và hoạt động thể thao. Điều đó giúp chúng tránh được lối sống đường phố”.
Perlman cho rằng ý nghĩa của World Cup không chỉ là ở những sân vận động, hệ thống giao thông hay tiền bán vé. “Điều quan trọng hơn là để mọi người cảm thấy họ là một phần của giải đấu và được tham gia. Nếu được vậy thì Dreamfields đã có đóng góp quan trọng” – ông nói.
THANH TUẤN (theo tuoitre)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)