Không chỉ nỗ lực trong việc tổ chức cho học sinh, sinh viên xem kịch sử Việt, các trường THPT, ĐH hiện nay còn thành lập ra những CLB sân khấu để biểu diễn thường xuyên. Đây quả là những tín hiệu vui cho sự phát triển của những sàn diễn trong học đường…
Trích đoạn “Thái hậu Dương Vân Nga” biểu diễn tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ
Sàn diễn chủ động tìm khán giả học sinh – sinh viên
Chiều 27-5, chương trình Sân khấu học đường do CLB Sân khấu Lạc Long Quân (trực thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang) đã diễn ra tại Trường THCS Lữ Gia (quận 11, TP.HCM). Trước đó, chương trình này cũng đã biểu diễn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 3 và Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) được các em học sinh và giáo viên đón nhận nồng nhiệt.
Vở kịch “Thái hậu Dương Vân Nga” được kể bằng ngôn ngữ sân khấu, giúp các em học sinh tiếp thu tốt hơn, qua đó hiểu hơn về sử Việt. Chương trình rất bổ ích, thiết thực hỗ trợ cho giáo viên trong việc giảng dạy môn lịch sử.
Đạo diễn Thanh Hiệp – Chủ nhiệm CLB Sân khấu Lạc Long Quân cho biết: “Các diễn viên trẻ vừa hoàn thành khóa học nâng cao ở Sân khấu Kịch Hồng Vân là những diễn viên nòng cốt của chương trình này. Chương trình hướng đến mục tiêu đồng hành với nhà trường trong việc dạy sử Việt, qua đó nêu cao tinh thần ái quốc và tạo nguồn khán giả yêu sân khấu kịch nói từ trong nhà trường. CLB Sân khấu Lạc Long Quân cùng với Nhà hát Trần Hữu Trang hiện đang khẩn trương dàn dựng các vở “Thánh Gióng”, “Dũng tướng Nguyễn Địa Lô”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Hào khí trời Nam”… để biểu diễn phục vụ học sinh trong dịp hè 2022…”.
Cảnh trong vở ca kịch “Bóng ma nhà họ Đinh”
Mới đây, vở ca kịch “Bóng ma nhà họ Đinh” do giảng viên Nguyễn Lê Thanh Hải hướng dẫn và đạo diễn cho tập thể sinh viên khóa 19 Khoa Âm nhạc – Điện ảnh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành biểu diễn đã thu hút đông đảo sinh viên đến ủng hộ.
Nội dung của vở là một câu chuyện hư cấu, từ những lời đồn dân gian được lưu truyền và kể lại. Qua đó, câu chuyện đã được xây dựng thông qua loại hình nghệ thuật sân khấu ca nhạc kịch xuyên suốt với đầy đủ những cung bậc vui buồn, lo lắng, sợ hãi. Vở diễn lấy bối cảnh ở miền Tây thời Pháp thuộc (1940-1950). Vở diễn để lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Các bạn sinh viên đã thể hiện vai diễn một cách tự nhiên, chân thật, đặc biệt là những tình huống thắt mở của vở kịch gây nhiều bất ngờ cho người xem…
NSND Bạch Tuyết cho biết: “Hiệu ứng tích cực của chương trình sân khấu học đường là tín hiệu vui trong việc tạo nên thế hệ khán giả mới cho nghệ thuật truyền thống trong tương lai. Học sinh – sinh viên hiện nay lớn lên trong một không gian phức hợp, chỉ cần dùng điện thoại thông minh là có thể tìm kiếm tất cả những gì mình muốn biết. Nhưng để hiểu sâu thì phải có những sàn diễn ngoại khóa như thế này để nhấn mạnh trọng tâm mà nghệ sĩ muốn trao gửi đến các em. Sứ mệnh của chúng tôi là tiếp tục làm theo lời tiền nhân, không để các loại hình sân khấu truyền thống bị mai một”. |
Song song với kịch nói, sân khấu học đường cũng đang “nóng” lên với nhiều chương trình biểu diễn về cải lương, đờn ca tài tử. Theo nhạc sĩ Huỳnh Khải, đưa sân khấu truyền thống vào học đường là giúp các em học sinh hiểu rõ hơn vì sao bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện nhân loại, sự hình thành của bộ môn được xem là viên ngọc quý của nghệ thuật dân tộc, đó là cải lương. Sự độc đáo của hai bộ môn này sẽ bất biến theo thời gian khi có sự tiếp sức gìn giữ, nâng niu của thế hệ khán giả trẻ.
CLB Sân khấu X-Drama nuôi dưỡng niềm đam mê
Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nói chung và Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật nói riêng những năm gần đây đã có những học phần tạo nên sự cuốn hút, say mê đối với các bạn sinh viên, đặc biệt là những học phần gắn liền với hoạt động thực tiễn cho sinh viên sau khi ra trường. Để hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên, một số CLB đã được thành lập dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Mới đây, CLB Sân khấu X-Drama của trường đã chính thức ra mắt với sự cố vấn của thạc sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn.
Bạn Hoàng Phước sinh viên lớp Tổ chức sự kiện Văn hóa, Thể thao, Du lịch – Chủ nhiệm CLB cho biết: “Với một môi trường hoạt động năng động, tuy còn rất trẻ nhưng mỗi thành viên khi đến với CLB đều nung nấu trong mình niềm say mê diễn xuất và ngọn lửa đam mê luôn muốn được cháy hết mình trên sân khấu. Đây là một gia đình, nơi mỗi trái tim mang trong mình ngọn lửa nhỏ, cùng nhau gom góp để thắp sáng lên ước mơ cùng X-Drama”.
Tiết mục biểu diễn kịch lịch sử của các bạn sinh viên CLB X-Drama
Để động viên các em sinh viên có niềm đam mê sân khấu, nghệ sĩ Bảo Trí chia sẻ: “Nếu thật sự mình làm nghề một cách chân thành, một cách tử tế và đàng hoàng, thì cuộc đời mình sẽ không bao giờ… giàu được đâu. Nhưng vì niềm đam mê, chúng ta có thể vượt qua tất cả, và cái nghề này tôi xin khẳng định với các bạn nó sẽ nuôi các bạn một cách đàng hoàng nếu các bạn làm đúng và đam mê”.
Để bắt đầu cho những hoạt động của CLB các bạn, đạo diễn Hoàng Duẩn sẽ dạy online bằng những bài tập đơn nguyên của nghệ thuật diễn xuất. Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết: “CLB được tôi và các trợ lý giảng dạy miễn phí, bởi sinh viên không có tiền để đóng học phí trong giai đoạn khó khăn này. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM ngày càng có nhiều CLB hoạt động ý nghĩa và chuyên nghiệp. Vở kịch lịch sử “Câu hò đất mẹ” biểu diễn tại trường vừa qua đã đoạt huy chương vàng trong “Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2022” có một phần đóng góp của các bạn trong CLB này. Điều đó chứng tỏ các em có năng khiếu, có đủ điều kiện để phát triển tài năng của mình…”.
Hoàng Thuận
Bình luận (0)