Hội nhậpGiáo dục phát triển

Những sáng kiến “thầy dạy – trò khen”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bằng cách lồng những đoạn phim ngắn phục vụ nội dung bài học, tiết dạy của cô giáo Ngọc Tâm luôn tạo được hứng thú cho học sinh

Mỗi giáo viên (GV) có cách riêng để tạo dấu ấn trong học trò về bài giảng của mình, khiến các em không chỉ nhớ kiến thức lâu mà còn thêm hào hứng, thêm yêu môn học…

Đổi lại, công sức mà những người cầm phấn bỏ ra trong mỗi sáng kiến kinh nghiệm để làm mới bài giảng là không sao kể hết.
“Hãy dạy theo cách của bạn”
Tiết văn học của cô giáo Trần Thị Ngọc Tâm (Trường THCS Lương Định Của, Q.2, TP.HCM) khá lạ, lớp học biến thành sân khấu kịch và học trò được vào vai các nhân vật của vở kịch. Truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh có lẽ không còn xa lạ với học sinh (HS), nhưng làm sao để các em thích và “cảm” được tác phẩm không phải dễ. Lần đầu tiên thử nghiệm thủ pháp sân khấu hóa cho việc dạy học bằng văn bản, cả cô và trò đều thích thú. Ở cách tiếp cận này, học trò được giao hẳn vai, tự tìm hiểu và tìm cách thể hiện nhân vật. Nhờ vậy, kiến thức, nội dung bài học đi vào lòng các em một cách tự nhiên, khiến các em nhớ lâu hơn. Nhưng với học trò, cái chính là được vui, được thể hiện khả năng… diễn xuất. Khi nhận nhân vật, các nhóm HS nhiệt tình tìm trang phục, đạo cụ, rồi tập cách đi đứng, thể hiện sắc mặt, cách nói diễn cảm, sáng chế lời thoại phù hợp cho nhân vật. Khán giả đều là bè bạn, có khi cổ vũ nhiệt tình nhưng cũng lắm lúc “chấm điểm” nghiêm khắc. Giờ học khép lại bằng nét mặt hớn hở của học trò: “Lần sau mình học tiếp như vậy nữa nha cô”!
Với cô giáo trẻ Ngọc Tâm, chỉ cần học trò thấy hào hứng, nhớ và hiểu được nội dung bài học là tiết dạy đã thành công. Tuy nhiên không phải giờ học nào cũng có thể áp dụng phương pháp này, nó chỉ dành cho những văn bản có cốt truyện. Còn những thể loại văn học khác, bản thân cô cũng tự mày mò tìm cách truyền đạt sinh động, tạo cho HS niềm hứng khởi. Giờ toán của thầy giáo Nguyễn Trần Khánh Bảo (Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM) cũng “ồn ào” không kém bởi HS được chia nhóm và tranh luận. Theo thầy Bảo, cho HS hoạt động nhóm trong giờ học không còn mới nhưng phương pháp này thiết thực và đem lại hiệu quả cao. Với cách học này, HS được tham gia những nhóm nhỏ có phân công nhiệm vụ cụ thể (thuyết trình, viết bảng, phản biện, đưa ý kiến đánh giá…), công đoạn nào cũng đòi hỏi ở các em sự chuẩn bị kỹ càng. “Ban đầu, HS chưa quen với cách thức làm việc nhóm nên khá mất thời gian. Dần dần, HS lại thích thú bởi ở cách học này các em có điều kiện để tự do thể hiện sáng tạo, được thi đua giữa các nhóm. Chính nhờ quá trình tương tác trong hoạt động nhóm giúp HS nâng cao khả năng nắm bắt kiến thức, nhớ bài sâu” – thầy Bảo nhấn mạnh. Chẳng hạn, với những bài về hình học không gian, nhóm HS sẽ làm mô hình trước ở nhà. Trong quá trình tìm hiểu để hoàn thành mô hình, HS đã nắm được phần nào kiến thức của bài học, đồng thời sáng tạo những cách thể hiện mới lạ cho kiến thức đó. Cũng không tránh được trường hợp các em hiểu sai, hiểu chưa tới vấn đề và khi đó vai trò định hướng của GV, sự hỗ trợ của “đồng đội” là hết sức quan trọng. “Thay đổi dễ nhận thấy nhất ở HS sau những giờ học như thế này là sự tự tin, sự thành thạo trong các kỹ năng thuyết trình, quản lý thời gian, làm việc nhóm”… – thầy Bảo nhận định.
Vì HS thân yêu!
Thông thường, những sáng kiến kinh nghiệm dù lớn hay nhỏ đều trải qua một quá trình từ khi GV “chạm” vào thực tế giảng dạy, hình thành ý tưởng, nuôi dưỡng phát triển, “phác thảo” ý tưởng rồi đi vào thử nghiệm. Sau một hoặc nhiều lần thử nghiệm, GV sẽ đúc kết ra được những kinh nghiệm làm… vốn riêng. Cô giáo Ngọc Tâm chia sẻ, để có tiết dạy sinh động chỉ trong 45 phút thì công chuẩn bị có khi phải mất cả tuần. Lúc “phác thảo” trước nội dung bài dạy, GV đã phải hình dung trước những tình huống có thể xảy ra và hướng xử lý khi giao quyền chủ động “cầm lái” cho các nhóm học sinh. Đối với những dạng văn hơi khô cứng như thuyết minh, nghị luận, việc “mềm hóa” bài giảng được thông qua các cách thức như tổ chức trò chơi, đặt tình huống giả định cho học trò xử lý, chiếu clip ngắn cho HS xem… Theo đó, sự chuẩn bị, tra cứu, thu thập tư liệu phục vụ bài giảng cũng trải qua nhiều công đoạn.
Năm học mới này, thầy Bảo dự định thực hiện sáng kiến từng ấp ủ bấy lâu nay là lồng ghép nội dung hướng nghiệp cho HS của lớp vào tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Theo thầy Bảo, dù hiện nay thông tin tư vấn nghề nghiệp rầm rộ đến với HS nhưng không phải em nào cũng xác định đúng hướng đi của mình, thậm chí có nhiều em còn mơ hồ với việc chọn lựa nghề nghiệp. Bên cạnh việc tự bản thân tìm hiểu, cung cấp thông tin liên quan đến ngành nghề cho HS, thầy giáo Bảo sẽ còn vận động lực lượng phụ huynh lần lượt đến trực tiếp giới thiệu, trang bị thêm kiến thức cho con em mình về những ngành nghề họ đang theo đuổi. Thầy Bảo tin rằng đây sẽ là vốn kiến thức “sống”, gần gũi, thiết thực và bổ ích giúp các em định hướng nghề nghiệp. Còn với người đưa đò như thầy, khi một HS lựa chọn đúng nghề nghiệp, định hướng đúng con đường mình đi thì dù thành công ít hay nhiều cũng đều khiến thầy hạnh phúc. Không chỉ riêng thầy mà có lẽ với các GV, mỗi sáng kiến kinh nghiệm hay cách dạy mới lạ, bao giờ cũng hướng đến lợi ích của học trò trước tiên. Cô giáo Lê Thị Ngọc Phượng (Trường Mầm non Thạnh Mỹ Lợi, Q.8, TP.HCM), người từng được biết đến với sáng kiến kinh nghiệm “Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non” bày tỏ, nếu một GV chỉ chuyên tâm vào việc giảng dạy mà bỏ qua những sáng kiến kinh nghiệm thì cho dù có làm tốt nhiệm vụ chăm sóc trẻ cũng khó nâng cao được tay nghề. Bởi chính nhờ tích lũy những kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, bản thân GV sẽ ngày càng hiểu rõ nhu cầu, cách thức để phát triển trẻ toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Từ đó, tạo được những giờ học thu hút trẻ, giúp các bé thoải mái tiếp thu, phát triển tốt khả năng giao tiếp… Đổi lại, GV cũng cảm thấy vui khi những nỗ lực của họ mang lại ý nghĩa. Ngay cả thầy Bảo, cô Ngọc Tâm và với nhiều người làm công việc gõ đầu trẻ, sáng kiến kinh nghiệm được xem như “đơn đặt hàng” của HS dành cho họ trong hoạt động giảng dạy, nâng cao hiệu quả truyền đạt kiến thức. Và ngày lại ngày, các thầy cô lại nỗ lực miệt mài để chuỗi những “đơn đặt hàng” dành cho mình càng thêm nhiều, thêm phong phú…
Bài, ảnh: Mê Tâm

Tại liên hoan “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” TP.HCM cách đây vài tháng, Thành đoàn TP.HCM đã chọn tuyên dương 121 gương GV trẻ tiêu biểu. Trong số đó có cô giáo Trần Thị Ngọc Tâm, Lê Thị Ngọc Phượng, thầy giáo Nguyễn Trần Khánh Bảo và những nhà giáo trẻ đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được ghi nhận và được học trò hưởng ứng.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)