Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những sáng tạo… tiết kiệm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tính, Tiên, Lâm (từ trái qua) và chiếc xe đạp có đèn xi-nhan sử dụng pin năng lượng mặt trời

Tập trung vào chủ đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” vì môi trường, sản phẩm “Mô hình đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời” (Trường THCS Hưng Phú A) và sản phẩm “Đèn báo hiệu trên xe đạp” (Trường THCS Đặng Trần Côn) đều xuất phát từ những ý tưởng rất nhân văn!

Xe đạp cũng có… đèn xi-nhan
Đó là sản phẩm của nhóm ba HS Trường THCS Đặng Trần Côn. Không chỉ có đèn xi-nhan, sản phẩm mang tên “Đèn báo hiệu trên xe đạp” của nhóm còn có cả bộ đèn đỏ báo giảm tốc độ, bộ đèn pha và bộ còi xe không khác gì những tính năng của một chiếc xe gắn máy. “Đối với chúng em, xe đạp là một phương tiện di chuyển vô cùng gần gũi. Tuy nhiên, khi chạy xe đạp trên đường có rất nhiều nguy hiểm rình rập. Ví dụ, khi muốn qua đường, chúng em chỉ chạy xe bằng một tay, tay còn lại phải vẫy vẫy xin đường. Do đó người chạy rất dễ mất tay lái. Hoặc khi chúng em muốn thắng gấp, xe đằng sau có thể không biết nên rất dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy, chúng em đã nghĩ ra ý tưởng gắn đèn tín hiệu cho xe đạp có tính năng giống như một chiếc xe gắn máy”, em Mai Thị Tiên – thành viên trong nhóm – đã lý giải rất thuyết phục như thế trước Ban giám khảo về lý do xe đạp cũng cần có… đèn xi-nhan.
Thật ra, sản phẩm này đã được bốn cô cậu học trò mang tên Tiên, Tính, Lâm, Thiện thực hiện từ tháng 3 năm 2011 và đã đoạt giải nhì cuộc thi “Khoa học và đời sống” do quận Tân Phú tổ chức. Ý tưởng này đến với nhóm rất tình cờ khi chứng kiến một người bạn trong lớp bị va quẹt khi đi xe đạp băng qua đường. Từ đó, bốn bạn trong tổ đã nảy sinh ý tưởng “sao không thiết kế một bộ đèn xi-nhan cho chiếc xe đạp?”. Từ ý tưởng đó, các em góp tiền (được 600 ngàn đồng) để mua một tấm pin năng lượng mặt trời cộng với đèn, còi, dây dẫn điện… để biến chiếc xe đạp mà các em sử dụng hàng ngày trở nên an toàn hơn thành hiện thực. Em Trần Hoàng Lâm, thành viên của nhóm, chia sẻ: “Chúng em mong muốn sản phẩm này sẽ được nhân rộng ra thị trường để có nhiều bạn HS được sử dụng chiếc xe đạp an toàn khi chạy trên đường”.
Trong khi đó, sản phẩm của hai em Hiếu Nghĩa – Kim Cương (Trường THCS Hưng Phú A) chỉ mới dừng lại ở mô hình, nhưng ý tưởng sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng đèn tín hiệu giao thông là một ý tưởng táo bạo. “Mô hình của chúng em dùng pin mặt trời tạo ra các dòng điện giúp các thiết bị giao thông như đèn đường hay tín hiệu điều khiển hoạt động liên tục, không còn tình trạng thiếu hụt điện năng. Ban ngày hệ thống đèn giao thông sẽ sử dụng ánh sáng mặt trời, ban đêm sử dụng điện tích trữ từ bình ắc quy”, Kim Cương cho biết vậy. Hiếu Nghĩa cho biết thêm, nếu được “hiện thực hóa” mô hình này, bạn sẽ chọn trung tâm thành phố là nơi thử nghiệm đầu tiên, vì “nếu mất điện, đèn giao thông bị tắt thì trung tâm thành phố là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất”. Trước câu hỏi khá “sốc” từ Ban giám khảo: “Nếu ứng dụng mô hình này vào thực tế, chi phí ban đầu sẽ rất tốn kém”, Kim Cương – đại diện nhóm – đã trả lời rất thông minh: “Sử dụng pin năng lượng mặt trời tuy ban đầu rất tốn kém, nhưng về lâu dài sẽ vừa tiết kiệm điện vừa hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường. Mà môi trường thì không thể mua được bằng tiền”.
Những học trò mê công nghệ

Hiếu Nghĩa – Kim Cương và sản phẩm đạt giải khuyến khích
Bên cạnh thành tích học tập đáng nể, liên tục đạt danh hiệu HS giỏi suốt các năm học, cả sáu cô cậu học trò này đều có niềm yêu thích đặc biệt với công nghệ. Riêng Hữu Nghĩa, HS lớp chuyên Trường THCS Hưng Phú A, đã từng đạt giải nhì cuộc thi Công nghệ cấp thành phố.
Nhìn sản phẩm “Mô hình đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời” của Hữu Nghĩa – Kim Cương, ít ai biết được để mang sản phẩm hoàn chỉnh đi thi, các em đã mất hơn hai tháng nghiên cứu, lắp ráp. “Tụi em thường tận dụng 20 phút ra chơi, để thực hiện, rồi nhờ sự giúp đỡ của thầy cô và huy động cả các bạn trong lớp nữa”, Kim Cương cho biết. Nhờ sự lao động bền bỉ như vậy nên khi mang sản phẩm tham dự cuộc thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng lần I năm 2011”, “Mô hình đèn tín hiệu giao thông sử dụng năng lượng mặt trời” đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp quận và giải B cuộc thi “Tuổi trẻ và khoa học” cấp thành phố.
Thật khó có thể tin được chỉ từ chiếc xe đạp cũ mượn của cô giáo, cái đèn honda hư, hay những đồ chơi trong nhà… được các em “hóa phép” cho chúng biến thành những sản phẩm công nghệ phục vụ vì lợi ích con người. Tất cả đều xuất phát từ những ý nghĩ cao đẹp: vì một cuộc sống tiết kiệm năng lượng và an toàn cho mọi HS.
Có thể nói, các em là đại diện đáng tự hào cho tất cả HS yêu thích khoa học – công nghệ trên địa bàn TP.HCM.
Bài, ảnh: Minh Ly

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)