Những vụ án giết người mang tính chất man rợ gần đây khiến dư luận không khỏi hoang mang. Điều đáng nói hơn, những kẻ sát nhân máu lạnh ấy đều đang ở ngưỡng cửa tuổi 18 hoặc chỉ vừa bước qua tuổi 18 một vài ngày.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tình tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: T.L |
Thủ đoạn tàn độc
Vừa qua, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tình (SN 2000, An Giang) về tội “giết người”. Theo nội dung cáo trạng, Tình được vợ chồng anh Mai Văn Chinh nhận vào làm và ở cùng gia đình anh tại xưởng sản xuất gia đình. Tuy nhiên, vì Tình thường xuyên lười biếng, không chịu tăng ca, nhậu nhẹt về khuya nên bị vợ anh Chinh la mắng.
Khoảng 2 giờ chiều 12-2-2018 (tức 27 Tết), vợ chồng anh Chinh tổ chức tất niên và sau đó, Tình đề nghị được tạm ứng 5 triệu đồng nhưng vợ anh Chinh không đồng ý nên Tình bỏ đi. Hai ngày sau đó, Tình làm rớt viên bi lên sàn gỗ gây tiếng động, vợ anh Chinh tỉnh dậy và la mắng Tình, ngay lập tức, bị cáo dùng dao đâm chết người vợ, rồi dùng dao đâm anh Chinh nhiều nhát khiến anh Chinh cũng tử vong. Chưa dừng lại, bị cáo tiếp tục sát hại 3 người con của anh Chinh.
Trước tòa, khuôn mặt của bị cáo Nguyễn Hữu Tình bình thản đến ngỡ ngàng. Khi được HĐXX hỏi Tình đã đâm các nạn nhân bao nhiêu nhát, Tình lạnh lùng trả lời: “Rất nhiều. Nhiều lắm. Không nhớ”. Suốt phiên xử, thái độ bình tĩnh, thỉnh thoảng, nụ cười khó hiểu của Tình lại khiến những ai có mặt trong phiên tòa cũng phải nhìn theo. Sau phiên tòa xôn xao dư luận ấy, mong muốn xin được hiến tạng để được thanh thản của kẻ sát nhân lại một lần nữa dậy sóng.
Có thể thấy, ở rất nhiều vụ án, kẻ thực hiện hành vi phạm tội đều chưa thành niên, hoặc mới thành niên (đủ 18 tuổi). Với nguyên nhân do hận tình hoặc mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình làm việc, sinh hoạt với nhau nên các đối tượng này đã đánh mất chính mình. Điều này phản ánh khả năng nhận thức pháp luật và kiểm soát hành vi, kiềm chế của đối tượng trẻ tuổi rất kém. |
Cách đây không lâu, Phạm Văn Quý – thanh niên 18 tuổi sát hại rồi vứt xác bạn gái trên núi ở Nghệ An cũng làm chấn động nhiều người. Sự việc đau lòng khiến những ai từng gặp Quý ngạc nhiên vô cùng bởi nam thanh niên này từ trước đến nay chưa hề gây ra sự việc hay có tiền án, tiền sự gì.
Còn rất nhiều vụ án giết người mà đối tượng gây án chỉ đang ở ngưỡng cửa tuổi 18 hoặc chỉ vừa qua tuổi 18 được vài ngày. Những ăn năn, hối hận chẳng còn kịp khi tuổi thanh xuân phía trước là những ngày ở sau song sắt nhà tù hay đau lòng hơn là án tử hình khép lại một cuộc đời.
“Mong manh” tuổi 18
Có thể thấy, ở rất nhiều vụ án, kẻ thực hiện hành vi phạm tội đều chưa thành niên, hoặc mới thành niên (đủ 18 tuổi). Với nguyên nhân do hận tình hoặc mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình làm việc, sinh hoạt với nhau nên các đối tượng này đã đánh mất chính mình. Điều này phản ánh khả năng nhận thức pháp luật và kiểm soát hành vi, kiềm chế của đối tượng trẻ tuổi rất kém.
Chúng tôi đã từng tham dự những phiên tòa mà đối tượng giết người còn cả một thanh xuân phía trước. Có nhiều bị cáo khuôn mặt non nớt, không giấu được vẻ sợ sệt khi bước vào phòng xử án. Họ gằm mặt, hai tay run rẩy, vầng trán đẫm mồ hôi. Có người mẹ muốn tiến sát lại gần con hơn nhưng có lẽ do cảm xúc quá lớn, bà đã nghẹn lại rồi gọi tên con trong vô vọng. Có những người cha không giấu được cảm xúc của mình, quay xuống ghế ngồi, dựa vào người thân và òa khóc nức nở. Phiên tòa khép lại, không ai cảm thấy vui khi một bên thì mất mạng và một bên thì phải đi tù hoặc nhận án tử hình trong khi tuổi đời còn quá trẻ.
Còn nhớ tại phiên tòa xét xử Vũ Đức Tài – kẻ đâm chết 2 thanh niên ở ngã tư Hàng Xanh, mẹ Tài gục ngã trước sân của tòa án. Tài nhận án tử hình cho tội giết người. Tại thời điểm gây án, Tài cũng chỉ vừa bước qua tuổi 18 được vài ngày.
Qua song sắt chiếc xe dẫn giải, những tội phạm gương mặt còn non trẻ, chưa dính bụi đời nhiều đã đưa mắt nhìn thấy rõ những cái vẫy tay, những giọt nước mắt tiếc thương của gia đình và bạn bè. Giá như họ bình tĩnh hơn trong việc giải quyết những mâu thuẫn quá đỗi bình thường, thì có lẽ người đến dự phiên xử như thế đã không nhói lòng khi chứng kiến cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Những người thân yêu của họ không phải lầm lũi bước khỏi sân tòa án trong nỗi đau tột cùng.
Thục Quyên
Bình luận (0)