1. Một buổi tối, vừa xong công việc, tôi thấy tin nhắn của một sinh viên trên Messenger (Facebook): “Thầy ơi, em mới đi diễn về, liền báo tin với thầy đây!”. Rồi em à ơi một hồi với câu chuyện được mời đi diễn một vai trong phim ngắn. Em nhận vai vì thấy câu chuyện nhân văn, có ý nghĩa, hơn nữa cũng muốn trải nghiệm. Tối đó, buổi diễn đầu tiên, em phải diễn cảnh cô gái bị bố dượng cưỡng bức; em bảo là không có “lộ” gì nhưng sợ quá, về đến nhà vẫn còn run. Rồi em tự trách mình sao lại nhận vai đó, lỡ gia đình xem thấy thì nghĩ sao về em… Tôi phải động viên em rất nhiều, rằng có thể có rủi ro, nhưng đó là công việc, không phải em hư hỏng, nên mọi người sẽ hiểu và chia sẻ với em. Cuối buổi nói chuyện, em bảo: Nhờ thầy động viên mà em đã tự tin hơn.
Theo tác giả, ngoài kiến thức, tấm lòng của người thầy cũng rất quan trọng với người học (ảnh minh họa)
Trong khi đó, một sinh viên khác “khẩn thiết” đề nghị tôi cho lời khuyên. Em vừa tốt nghiệp cao đẳng, gia đình kêu về quê (ở Tây Nguyên) để làm việc cho gần nhà. Nhưng em lại muốn học liên thông, em lên phương án thế này, em sẽ thi liên thông trong kỳ thi gần nhất, nếu đậu, em sẽ đi làm công nhân ở một chỗ quen, ban đêm đi học, sau 3 năm, nếu tìm được việc phù hợp ở thành phố thì tốt, không thì về quê cũng yên tâm với bằng cấp. Em sợ về quê xa sẽ khó đi học lại, có khi cha mẹ bắt lập gia đình thì lại càng khó về thành phố học hơn! Tôi hỏi phương án của em có khả thi không, gia đình có phiền không…, em bảo phương án của mình là thực tế, em sẵn sàng chịu cực trong mấy năm; nếu được tôi ủng hộ, em sẽ có động lực và lý do thuyết phục gia đình. Tôi động viên em nếu được nên tiếp tục học, trong thời gian đi học, nên tìm những việc làm thêm phù hợp với chuyên môn để rèn thêm tay nghề…
Tôi thỉnh thoảng vẫn nhận được những tâm sự, những lời đề nghị cho ý kiến về một việc gì đó, có khi là chuyện bài vở, có khi là vấn đề nghiệp vụ, có khi là về gia đình, về cuộc sống… Tôi dạy về truyền thông, có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã đi làm báo, làm truyền thông…, hay có những tình huống khác với bài học đã mạnh dạn hỏi tôi. Bằng kinh nghiệm và trách nhiệm, tôi đều chia sẻ tận tình theo hiểu biết của mình. Một số trường hợp khác, tôi gợi mở cách nghĩ, cách tiếp cận vấn đề để từ đó các em chủ động lựa chọn và quyết định cách ứng xử.
Tôi thấy mừng không phải vì tôi được các em tín nhiệm, quý mến mà vì thấy những bạn trẻ tuổi đôi mươi có nhiều nhiệt huyết nhưng ít kinh nghiệm sống, vốn kiến thức còn hạn chế, biết lắng nghe, biết tìm lời khuyên, chứ không vội vàng quyết định. Từ kinh nghiệm bản thân cho thấy, đôi khi nếu được một lời khuyên tốt đúng lúc có thể có ý nghĩa bằng nhiều năm tự mày mò, tìm kiếm.
2. Tôi là một giảng viên “tay ngang”, mỗi năm chỉ nhận thỉnh giảng vài lớp ở một vài trường đại học và cao đẳng. Tôi tự xác định mình đứng lớp cũng là đi học, học nhiều thứ, học nhiều người, trong đó có chính sinh viên của mình. Tôi cũng hiểu mình chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa phải là người giảng hay, nên tôi cố gắng lấy nhiệt tình, cẩn trọng, chu đáo bù lại những hạn chế khác. Đặc biệt, với các sinh viên ít tuổi, ở tỉnh, các em thường có những thiệt thòi, những rụt rè nhất định nhưng thường có khao khát vươn lên mạnh mẽ. Nếu được động viên, khích lệ, các em có thể vượt qua được chính mình và từ đó trưởng thành hơn, thành công hơn.
Tôi thường quan tâm trò chuyện thân mật với sinh viên, để hiểu thêm về đời sống của các em. Những lúc đó, tôi cố gắng thể hiện sự gần gũi, gần gũi thật sự, chứ không phải giả tạo, càng không bao giờ làm điều gì để sinh viên thấy rằng tôi tỏ ra cách biệt, xa lạ. Sinh viên nào chưa tìm được chỗ thực tập, tôi tìm giúp và trong quá trình thực tập của các em, tôi cũng quan tâm tìm hiểu, động viên, khích lệ; có khó khăn gì tôi cũng cố gắng giúp đỡ. Các em thi cử thế nào tôi cũng quan tâm, dặn dò… Một số em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt vì vậy cũng mạnh dạn chia sẻ với tôi, chắc không phải chỉ tìm sự đồng cảm mà còn cần lời động viên, sự gợi mở về cách ứng phó, xử lý…
Tôi trộm nghĩ, đã làm nghề giáo thì việc đầu tiên phải tạo cho mình một tác phong gương mẫu. Kiến thức của người thầy có thể chưa sâu, cách giảng có thể chưa hay nhưng người thầy khi lên lớp phải luôn động viên được người học chú tâm học tập, nỗ lực tìm kiếm tri thức, tự vươn lên bằng chính thái độ và tấm gương của người thầy. |
Nhưng tôi cũng khá nghiêm khắc trong nhiều việc, cả về kiến thức, tác phong, cách ứng xử và việc thực hiện những quy định của nhà trường. Tôi phê bình những em chưa có tác phong nghiêm túc trong giờ học, các em không quan tâm bài vở; các em có nhận xét, ý kiến sai lệch, cẩu thả; các em không phối hợp nhóm tốt khi được giao bài tập nhóm… Có khi, cách làm bài tập, cách gửi email… chưa tốt cũng làm tôi chú ý và dành nhiều thời gian để uốn nắn, chỉ dẫn. Tôi có thể thân mật, gần gũi với các em nhưng tuyệt đối không thiên vị, điểm thưởng hoặc điểm trừ đều công khai. Ngoài ra, tôi luôn đóng vai người học để cảm nhận về một quyết định của mình; nếu cần thiết có thể thay đổi quyết định, chứ không vì sĩ diện mà che đậy sai lầm của mình.
3. Tôi có một cảm nhận là ở bậc đại học, sự gần gũi, gắn bó giữa giảng viên và sinh viên có vẻ lỏng lẻo. Cái lỏng lẻo đó một phần do đặc thù của bậc học nhưng cũng có một phần rất lớn từ các giảng viên. Có giảng viên bị cho là “thợ giảng”, không “đọc chép” thì “chiếu chép”, ít có trao đổi, tranh luận, nếu có thì áp đặt; có giảng viên hay “nổ” về mình, cứ tưởng như xây dựng được “hình tượng” trong lòng sinh viên thì việc tiếp thu bài dễ hơn; có giảng viên hay mượn việc đứng lớp để làm diễn đàn công kích người khác… Tức là có một số giảng viên tự mình hạn chế sự hào hứng tiếp thu bài học chứ chưa nói đến việc học từ tác phong, tư cách của người thầy. Đương nhiên, thời gian dành cho lớp học, cho sinh viên của nhiều giảng viên là rất ít nên họ khó sắp xếp để chia sẻ với sinh viên nhiều hơn. Như vậy, trong chừng mực nào đó, nếu sinh viên rụt rè thì sẽ gần như không có dịp nào để trò chuyện, trao đổi, gắn bó với người thầy của mình.
Tôi trộm nghĩ, đã làm nghề giáo thì việc đầu tiên phải tạo cho mình một tác phong gương mẫu. Kiến thức của người thầy có thể chưa sâu, cách giảng có thể chưa hay nhưng người thầy khi lên lớp phải luôn động viên được người học chú tâm học tập, nỗ lực tìm kiếm tri thức, tự vươn lên bằng chính thái độ và tấm gương của người thầy. Trong nhiều trường hợp, người thầy phải tự thuyết phục mình trước rồi mới thuyết phục người khác, chứ không nên tồn tại tình trạng người thầy chỉ nói cho người khác, còn mình thì không tin điều đó hoặc làm ngược lại.
Ở bậc đại học, sinh viên là những người đã, đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, có vốn sống, có kiến thức nhất định, điều đó lại càng quan trọng hơn. Bởi với học sinh phổ thông có khi không dám tranh biện, không dám phê phán, chứ sinh viên đại học thì khác. Khi điều đó xảy ra mà người thầy đuối lý hoặc không thể tranh biện lại thì rất không nên! Cho nên ngoài kiến thức, tấm lòng của người thầy cũng rất quan trọng!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)