Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những sinh viên giàu sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không chỉ tạo cho mình kiến thức nền vững chắc, họ còn chú trọng trau dồi kỹ năng nghề, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học
Dù mới là sinh viên năm thứ 2 ngành cơ điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhưng Huỳnh Khải Dũng đã chế tạo hàng chục sản phẩm công nghệ như: máy phát điện cầm tay mini, bút thu âm từ xa, máy báo mưa năng lượng gió, máy báo vấp ngã dành cho bà bầu và người già, nón bảo hiểm thông minh… Trong đó, nhiều sản phẩm đã đoạt được giải thưởng sáng tạo từ cấp trường phổ thông đến TP, toàn quốc.
Sở hữu hàng chục sản phẩm công nghệ
Dũng bộc bạch: “Hồi nhỏ, em không có nhiều đồ chơi nên mỗi ngày em lần lượt biến món đồ chơi đó thành đồ chơi mới, dần dần em bắt đầu đam mê tìm tòi, nghiên cứu”. Và cứ như thế đến khi lên lớp 6, Dũng bắt đầu nghiên cứu về điện tử.
Thông qua cái radio hư, em tháo rời ra, nghiên cứu từng linh kiện và hiểu các nguyên lý cơ bản theo cách của mình. Phối hợp giữa các nguyên lý đó và một số vật liệu, Dũng đã cho ra đời chiếc máy phát điện xoay chiều mini. Máy phát điện này có thể làm sáng một bóng đèn nê-ông 1 W.
Lên tới lớp 9, tiếp cận kiến thức từ sách vở, các hiểu biết của Dũng căn cơ hơn. Đây chính là bệ phóng cho những sản phẩm điện tử, dụng cụ học tập cho lớp… Phần thưởng cho sự đam mê nghiên cứu của Dũng là giải nhất cuộc thi sáng tạo do Trường THPT Bình Phú, quận 6-TPHCM tổ chức với sản phẩm máy thí nghiệm giao thoa sóng nước.
Dũng cũng “rinh” luôn giải tác giả có nhiều sản phẩm sáng tạo nhất với bút thu âm từ xa, máy nâng áp, máy báo mưa năng lượng gió… Vào trường ĐH, Dũng còn tiếp tục chế tạo nhiều sản phẩm gần gũi cuộc sống như máy mát xa USB, MP3 năng lượng mặt trời, đèn khẩn cấp mini…


Nguyễn Phúc Khải (ảnh trên) tại Triển lãm Sáng tạo trẻ ở Hà Nội và Huỳnh Khải Dũng đang hướng dẫn học sinh sử dụng nón bảo hiểm thông minh. Ảnh: P.K-K.D
Chính vì mong muốn giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống, Dũng đặt mục tiêu sau này sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu, sản xuất đồ chơi và các sản phẩm ứng dụng phục vụ nhu cầu con người, cạnh tranh với các nước khác.
Dũng lý giải: “Đa số các sản phẩm, đồ chơi của nước ta đều là hàng nhập khẩu, nhưng trong số đó có nhiều sản phẩm độc hại vẫn đang được tiêu thụ… chỉ vì giá rẻ! Nên em đã đặt ra câu hỏi là tại sao Việt Nam không tự mình sản xuất sản phẩm?”. Và hằng ngày Dũng vẫn đang giải đáp câu hỏi từ cuộc sống này bằng con đường nghiên cứu khoa học.
Kiểm nghiệm từ thực tiễn
“Do lúc nhỏ thích nghề điện nên khi học môn nghề bậc phổ thông em đã chọn học nghề điện và đã thi vào ngành kỹ thuật điện của Trường ĐH Bách khoa TPHCM” – Nguyễn Phúc Khải bộc bạch về đam mê nghiên cứu lĩnh vực điện của em.
Khải rất mê tìm tòi nghiên cứu và từ thực tế em đã có nhiều ý tưởng để làm ra các sản phẩm. Đó là sản phẩm đơn giản như trang trí cây thông Giáng sinh bằng thiệp có đèn nhấp nháy đến sản phẩm phức tạp hơn là bộ chuông điện phục vụ các cuộc thi, tham gia làm bộ biến tần để điều khiển động cơ…
Tiếng lành đồn xa, bộ chuông điện do Khải thiết kế đã được nhiều nơi đặt hàng để tổ chức các cuộc thi. Đó là cơ hội để Khải kiểm nghiệm lại lý thuyết và có thêm kinh phí để nuôi dưỡng đam mê. Đến nay, khi đã là sinh viên năm thứ 5, Khải đã thực hiện một đề tài khá lớn với sự gợi ý của thầy hướng dẫn là áp dụng mạng nơ-ron ALHN giải bài toán phân bố công suất tối ưu giữa các máy phát trong nhiều vùng.
“Em hy vọng sẽ được giữ lại trường sau khi tốt nghiệp để em có điều kiện tiếp tục hoàn chỉnh hướng nghiên cứu của mình, có điều kiện tiếp cận các hướng nghiên cứu mới và có thể áp dụng những nghiên cứu đó vào thực tiễn” – Khải chia sẻ.
Đạt điểm trung bình năm học 2008-2009 là 8,61, được nhiều bằng khen, giải thưởng, bí quyết học tập, nghiên cứu của Khải là: “Tạo nền kiến thức vững chắc, trau dồi kỹ năng nghề và có sự quan sát cuộc sống. Cuối cùng là kiểm nghiệm chân lý từ chính những thực nghiệm của mình”.
H.Chương – M.Huế/ NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)