Bán hàng là công việc làm thêm vào dịp cuối năm được nhiều sinh viên lựa chọn. |
Tết đã cận kề, hầu hết những sinh viên (SV) xa quê đã rục rịch chuẩn bị về quê ăn tết, đoàn tụ cùng gia đình sau bao tháng xa nhà, nhưng vẫn có những SV ở lại thành phố với những nỗi niềm và hi vọng nhỏ nhoi là làm thêm kiếm được ít tiền để trang trải cho việc học hành sang năm.
Tết này tớ không về
Lê Thị Hoài Trang, SV ĐH Ngân hàng bắt đầu câu chuyện: “Tết này tớ không về quê ăn tết với ba mẹ được rồi, buồn thật!”. Như lời Trang kể, ngày 20-1 (24 Tết) mới thi xong môn cuối trong khi mùng 8 Tết học lại. Quãng đường từ Sài Gòn về đến Lạng Sơn (quê Trang) phải mất hơn hai ngày đường mới đến nơi. “Về cũng chẳng được ở lâu bên gia đình, thôi đành hẹn dịp khác vậy”, Trang buồn bã nói.
Thời gian eo hẹp, chi phí đi lại những ngày cận tết tăng cao… chính là những lý do “không cho phép” SV về quê trong dịp tết. “Bình thường muốn về nhà chỉ tốn ít tiền nhưng cứ tết đến thì giá vé xe tăng gấp 3, 4 lần, đi về rồi đi vào giá cũng bằng chừng ấy nên có muốn cũng… chẳng dám về, cũng gần triệu bạc tiền đi lại chứ đâu phải ít. Thôi thì mình tiết kiệm cho gia đình được đồng nào hay đồng đó, thay vì phải chạy vạy lo tiền cho mình mua vé xe về quê thì ba má ở nhà có thể mua thêm cặp bánh chưng hay ký thịt heo để trong nhà ba ngày tết”, Lê Anh Minh, SV ĐHBK TP.HCM, quê Quảng Ngãi tâm sự.
Còn với Trương Minh Trung, SV khoa Kinh tế, ĐHQG TP. HCM thì năm nay đã là năm thứ ba liên tiếp Trung không được ăn tết cùng gia đình. Trung nhớ lại: “Giây phút giao thừa, mình nghe tiếng pháo hoa, nghe những lời chúc tụng của những gia đình khác, tủi thân và đã khóc vì nhớ nhà vô cùng. Đã hai năm rồi, tết này cũng không thể về nữa, buồn thật nhưng vì điều kiện không cho phép mà”. Trung nói như để tự an ủi mình vậy.
Những dự định
Hầu hết những SV không về quê ăn tết đều cố tìm cho mình một công việc “chữa cháy” để giết thời gian mà lại có tiền. Rút kinh nghiệm hai năm trước khi những ngày tết chỉ thui thủi trong nhà trọ, mấy ngày này Trung dạo quanh những chỗ Trung tâm giới thiệu việc làm, lân la những quán ăn khắp các phố với hi vọng “mong là tìm được việc gì làm mấy ngày tết cho đỡ buồn và kiếm thêm ít tiền để trang trải sau tết”. Có gần chục công việc có thể làm mà Trung đang đắn đo chọn: Giữ xe cho siêu thị, bán bong bóng ở Đầm Sen, phục vụ khu vui chơi ở Suối Tiên… ngày công gần 80, 90 ngàn đồng/ngày. Trung cũng lên kế hoạch, ban ngày đi làm còn buổi tối về tranh thủ ôn bài qua tết thi cuối kỳ.
Hương Mai, khoa Công nghệ Sinh học, Trường CĐ Nguyễn Tất Thành, quê Quảng Bình cho biết vừa tìm được việc làm ở một quán gà rán Kentucky trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình. “Những ngày tết tiền lương là 21 ngàn đồng/giờ, phải tận dụng tối đa thời gian làm việc để quên đi nỗi nhớ nhà, lương mấy ngày đó lại cao hơn 5 lần. Sau đợt tết có thể trang trải bớt một phần học phí, đỡ bớt gánh nặng cho ba má ở ngoài quê”.
Không như các bạn, Quỳnh Hương, SV Trường ĐHKHXH& NV ở lại nhưng không đi xin việc làm thêm mà đăng ký tham gia chương trình Xuân tình nguyện do Đoàn trường tổ chức. Quỳnh Hương tâm sự: “Tết này tớ sẽ đi thăm trẻ em mồ côi khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở những trung tâm bảo trợ xã hội, những mái ấm… Cũng vì điều kiện kinh tế, buồn lắm nhưng cũng còn may mắn và hạnh phúc hơn những mảnh đời không nơi nương tựa. Mình muốn đến thăm, chia sẻ và mong làm được điều gì đó phần nào giúp các em vơi đi nỗi mặc cảm”.
Nguyễn Thanh Nam
“Xa quê ai cũng nhớ nhà cả, vẫn biết nếu về thì được quây quần ở bên gia đình vài ngày cũng đỡ nhớ phần nào, được thăm ba mẹ, em út, bà con. Nhưng qua tết ba mẹ lại phải “nai lưng” kiếm tiền cho mình vào lại thì không đành tí nào cả”, Minh (SV ĐH Bách khoa TP.HCM) nghẹn ngào nói thêm. |
Bình luận (0)