Gần 70 năm gắn bó với sân khấu cải lương, tên tuổi của soạn giả Viễn Châu (nhạc sĩ đờn tranh Bảy Bá) đã đi vào lòng người mộ điệu với hơn 2.000 bản vọng cổ, 70 kịch bản cải lương nổi tiếng. Được mệnh danh là “Ông vua vọng cổ” bởi ông là người sáng lập ra trường phái vọng cổ hài, đồng thời là “cha đẻ” của bài tân cổ giao duyên – một thể loại được công chúng rất yêu mến cho đến ngày hôm nay.
Soạn giả Viễn Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1988. Ở cái tuổi 88, giọng nói của ông vẫn còn thanh trong, đầu óc rất minh mẫn và vẫn sáng tác đều đặn. Với ông, sáng tác vọng cổ cũng như khi nghe tiếng đàn rung lên theo âm hưởng lời ca đó mới thật sự là hạnh phúc.
Con đường trở thành soạn giả cải lương
Tâm sự về quá trình đến với nghề, soạn giả Viễn Châu kể: “Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi là ở xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình có cha là hương cả. Tên khai sinh của tôi là Huỳnh Trí Bá, con thứ sáu nhưng theo cách của người miền Nam, gọi tôi là Bảy Bá. Từ nhỏ, tôi đã mê học đờn tranh, tự mày mò những ngón đờn qua đĩa hát nhựa. Năm 19 tuổi, tôi đã đàn thạo các loại đàn tranh, violon, guitar và được nhiều người khen ngợi. Cũng trong năm này, một người bạn rủ rê, tôi ham vui nên xách cây đờn tranh, trốn gia đình mua vé xe lên Sài Gòn đến Đài Phát thanh Sài Gòn xin được tham gia với ban cổ nhạc. Nghe tôi đờn thử, người ta nhận tôi ngay. Hai tháng sau, nhạc sĩ Mười Còn kêu tôi theo gánh Việt kịch của anh Nguyễn Thành Châu (NSND Năm Châu) ra Hà Nội lưu diễn vì một nhạc sĩ đàn tranh của đoàn bị bệnh. Từ đó, tôi có cơ may tiếp xúc với các anh Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lân… và làm quen với việc sáng tác”.
Năm 1948, Viễn Châu viết vở cải lương “Nát cánh hoa rừng” nhằm tố cáo chế độ thực dân Pháp, tố cáo sự bóc lột của bọn chủ đồn điền Pháp. Ông chọn bút danh “Viễn Châu” có nghĩa là xa Đôn Châu – nơi quê nhà yêu dấu của mình. Vở cải lương này được đoàn Việt kịch Năm Châu trình diễn vào năm 1950. Đây là vở cải lương đầu tiên của ông được trình diễn trên sân khấu đại ban. Kể từ đó, tên tuổi Viễn Châu bắt đầu được giới mộ điệu chú ý. Và trong thời gian này, tiếng đờn tranh của Bảy Bá cũng được các hãng đĩa thu thanh và phát hành liên tục. Vì thế, nhiều người gọi ông vừa là danh cầm vừa là soạn giả. Ngoài đoàn Việt kịch Năm Châu, ông còn cộng tác với các đoàn hát: Kim Thanh Út Trà Ôn, Thanh Minh, Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Tân Hoa Lan. Sau giải phóng, ông cộng tác với Đoàn Văn công thành phố, hãng băng Sài Gòn Audio… Năm 1984, ông cùng đoàn nghệ thuật 284 lưu diễn ở các nước Tây Âu như: Đức, Bỉ, Pháp, Ý. Các vở cải lương của ông đã tạo nên những dấu ấn không phai trong lòng khán giả khi dàn dựng trên sân khấu cũng như được thu video, audio: Tình mẫu tử, Đời cô Nga, Sau bức màn nhung, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Quân vương và thiếp, Qua cơn ác mộng, Nợ tình, Hoa Mộc Lan, Con gái Hoa Mộc Lan, Hai nụ cười xuân… Đặc biệt, vở cải lương “Ai điên ai tỉnh” đã được báo giới bình chọn là vở cải lương hay nhất ở miền Nam năm 1974. Nói về việc sáng tác kịch bản cải lương hiện nay, ông cũng có những trăn trở: “Một số cây bút sân khấu trẻ hết sức tùy tiện khi sử dụng bài bản cải lương. Ai đời khi vui mà cho ca Nam Ai, Ái Tử Kê. Lại còn “đẻ non” theo phong trào để dự các trại sáng tác, các hội diễn. “Đẻ non” kiểu đó thì chết non thôi”.
“Cha đẻ” của bài Tân cổ giao duyên
Soạn giả Viễn Châu cho biết: “Khi sân khấu cải lương hưng thịnh, ở Sài Gòn, bài ca cổ được đón nhận như một món ăn tinh thần của người sành điệu. Hàng chục hãng đĩa ra đời cạnh tranh nhau, soạn giả thời đó có uy lắm, được săn đón, được trân trọng. Chính sự cạnh tranh đã khiến người ta phải suy nghĩ để tìm ra cái mới. Trên đà phát triển chung đã có rất nhiều người muốn cách tân sáng tạo bài vọng cổ. Tôi cũng nằm trong số đó. Năm 1958, sau nhiều đêm suy nghĩ, nhờ biết chơi đàn guitar và đàn tranh, tôi thử đem bài tân nhạc Chàng là ai của anh Nguyễn Hữu Thiết hòa với bài vọng cổ. Tôi mạnh dạn bỏ hai câu 3, 4 vì dễ bị trùng lắp, để đưa tân nhạc vào, tạo thành một bài tân cổ giao duyên hoàn chỉnh. Sau đó, đưa cho hãng đĩa thu âm và phát hành. Hãng đĩa Hồng Hoa phát hành đĩa vàng tân cổ giao duyên với giọng ca cô Lệ Thủy, lập tức bài tân cổ giao duyên được đông đảo thính giả đón nhận”. Tuy nhiên, báo chí Sài Gòn thời đó đã “dập” ông tơi tả vì cho rằng ông làm hư bài vọng cổ chính thống. Nhưng ông đã gạt bỏ ngoài tai bởi theo ông: “Vấn đề là công chúng đã có được một món ăn tinh thần ngon miệng. Qua sàng lọc của thời gian, tôi đúc kết được, bài tân cổ giao duyên chỉ có thể phù hợp khi chọn ca khúc mang âm hưởng dân ca, gần với chất ngũ cung của âm nhạc cải lương thì mới quyện được”. Thời điểm ấy, cố NSND Út Trà Ôn thường nói vui: “Anh lì đòn quá, đánh hoài mà hổng chết”. Cũng chính vì sự “lì đòn” này mà bài tân cổ giao duyên mới tồn tại đến ngày hôm nay. Và khi nhắc đến Viễn Châu thì không thể không nói đến: Tình anh bán chiếu, Sầu vương ý nhạc, Võ Đông Sơ, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Tần Quỳnh khóc bạn, Lá trầu xanh, Lòng dạ đàn bà, Lan và Điệp, Hàn Mặc Tử, Tâm sự Mai Đình, Tâm sự Mộng Cầm, Xuân đất khách, Tu là cội phúc, Gánh nước đêm trăng, Cô hàng chè tươi, Mẹ dạy con, Phạm Lãi biệt Tây Thi, Bông ô môi, Ai ra xứ Huế, Đêm tàn Bến Ngự, Gió biển Hà Tiên, Kiếp cầm ca… Soạn giả Lê Duy Hạnh cho biết: “Ca từ của Viễn Châu bình dị nhưng giàu cảm xúc, giàu chất thơ và giàu hình tượng nên dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghệ thuật nước nhà rất đáng kể và đã góp phần không ít trong việc phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…”.
Bài, ảnh: Hiệp Thanh
Còn tiếp một kỳ: Viễn Châu – Người tạo “thương hiệu” cho các danh ca
Soạn giả Viễn Châu nhận hoa chúc mừng của học trò nhân liveshow của ông |
“Tôi là “con mọt sách” từ năm 14 tuổi. Tôi thích cách viết của nhiều nhà văn: Hoàng Ngọc Phách, Tân Văn Tử, Hồ Biểu Chánh, Khái Hưng, Nhất Linh. Khi tôi sáng tác bài ca cổ hoặc xây dựng hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm của mình, tôi thường dùng chất liệu văn học đã thẩm thấu từ những tác phẩm văn chương mà mình yêu thích…” – soạn giả Viễn Châu bật mí! |
Bình luận (0)