Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những soạn giả một thời vang bóng: Kỳ 1: Soạn giả Loan Thảo – chuyện đời chưa kể

Tạp Chí Giáo Dục

Chí Tâm và NSƯT Thanh Kim Huệ trong vở Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo. Ảnh: Minh Hoàng

Tên tuổi soạn giả Loan Thảo không xa lạ với nhiều người yêu bộ môn nghệ thuật cải lương. Là người “đo ni đóng giày” cho những nghệ sĩ cải lương tên tuổi của Việt Nam đương thời, ông được nhiều khán giả nhớ đến dù đã rời xa cõi đời này 33 năm.

Vừa ôm con vừa viết Lan và Điệp

Cùng với những soạn giả tên tuổi thời bấy giờ như Yên Lang, Hà Triều, Hoa Phượng… Loan Thảo là một trong những soạn giả tài danh, có số lượng lớn tuồng tích sân khấu và tân cổ giao duyên được đông đảo khán giả đón nhận. Những tuồng để đời của ông như: Lan và Điệp, Tiếng hạc trong trăng, Tây Thi, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài… Bản thu âm Lan và Điệp phát hành năm 1974 đã làm nức lòng khán giả, đưa vở cải lương này xếp vào hàng kinh điển của cải lương Việt Nam. Ít ai biết rằng, soạn giả Loan Thảo đã viết Lan và Điệp trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Năm ấy, con gái Quế Chi của soạn giả Loan Thảo thường xuyên đau ốm, phải chạy chữa rất nhiều nơi. Ông viết Lan và Điệp khi con gái đang bị sốt nặng. Vừa ôm con gái trên tay, ông vừa viết. “Qua lời kể của mẹ, tôi được biết ba viết tuồng Lan và Điệp khi chị gái Quế Chi của tôi đang bị sốt nặng. Ngày đó, chị Quế Chi đau ốm quanh năm nên nghe ai bày cách nào để chữa bệnh là ba mẹ tôi cũng tìm đến để nhờ họ chữa chạy. Ba tôi rất thương chị Quế Chi nên tâm trạng cũng rối bời”, anh Quế Thanh, con trai của soạn giả Loan Thảo kể lại. Có lẽ khi viết vở cải lương Lan và Điệp trong hoàn cảnh đặc biệt như thế, soạn giả Loan Thảo cũng không ngờ rằng tác phẩm của mình lại thành công vang dội. Tên tuổi của NSƯT Thanh Kim Huệ và nghệ sĩ Chí Tâm được nhiều khán giả biết đến sau vở diễn này. Chính vì vậy, trong những câu chuyện chia sẻ về chuyện nghề, họ luôn nhắc đến soạn giả Loan Thảo với lòng tri ân sâu sắc.

Quế Thanh, con trai của soạn giả Loan Thảo. Ảnh: Y.HÀ

Ngoài những tuồng về mảng xã hội, lịch sử, hương xa như những soạn giả đương thời, soạn giả Loan Thảo còn ghi dấu trong lòng người hâm mộ với những tác phẩm mang sắc thái Hồ Quảng. Chính sự đa dạng trong phong cách sáng tác của soạn giả Loan Thảo đã làm nền nghệ thuật cải lương thời bấy giờ đa dạng, nhiều sắc màu.

Soạn giả Loan Thảo bén duyên với con đường nghệ thuật từ rất sớm. Sở hữu một giọng hát hay, ông từng đoạt giải nhất trong một cuộc thi hát có nghệ sĩ Bắc Sơn làm giám khảo. Tuy nhiên, một cơn bạo bệnh đã làm soạn giả Loan Thảo bị mất giọng. Niềm đam mê ca hát trong ông đành phải gác lại. Cũng từ đó, ông bắt đầu con đường của một soạn giả. Vốn mê đờn ca tài tử – cải lương nên đây cũng chính là yếu tố để soạn giả Loan Thảo có thêm nền tảng cho việc sáng tác. Cha của soạn giả Loan Thảo là một võ sư, thầy thuốc Nam chuyên chữa bệnh cứu người. Những bài học về đạo lý làm người được cha truyền dạy đã thấm sâu vào soạn giả Loan Thảo. Với tư chất thông minh, nhạy cảm, tư duy giàu tưởng tượng, ông được mệnh danh là một trong những soạn giả kỳ tài của nghệ thuật cải lương. Một khối lượng kịch bản của ông đã làm nức lòng khán giả trước năm 1975, và những băng đĩa thu lại sau này vẫn còn nhiều thế hệ khán thính giả trẻ say mê.

Bóng hồng lặng lẽ

Căn nhà nhỏ gần chùa Nước Lạnh (Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM) là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm, là nơi luôn cho soạn giả Loan Thảo cảm giác yên bình sau mỗi chuyến đi về. Bởi, nơi ấy còn có bà Quế Anh, vợ soạn giả Loan Thảo và hai người con Quế Chi, Quế Thanh. “Ngày ba tôi còn sống, tôi chưa bao giờ nghe ba mẹ to tiếng với nhau một lời. Khi nghĩ về những ngày tháng đó, tôi cứ nhớ hình ảnh mẹ tôi ngồi giặt đồ, ba thì đọc sách. Có thời gian rảnh là ba lại đọc sách tiếng Anh, tiếng Pháp. Mỗi lần đọc được một chi tiết nào hay, ông lại đến chỗ mẹ đang ngồi và kể cho mẹ nghe. Khi dẫn bà ra tiệm để may áo dài, ông còn tự tay mình vẽ mẫu áo dài đưa cho thợ”, anh Quế Thanh chia sẻ. Vốn đam mê ca hát nhưng sau khi về làm vợ soạn giả Loan Thảo, bà Quế Anh từ bỏ ước mơ của mình. Bà sống lặng lẽ, dành trọn thời gian của mình để nội trợ, chăm sóc gia đình. Khi soạn giả Loan Thảo viết Lan và Điệp rồi giao vai Điệp cho nghệ sĩ Chí Tâm, vai Lan cho NSƯT Thanh Kim Huệ là do có sự tác động từ phía bà Quế Anh. Người ta thường nói lấy chồng nghệ sĩ như làm bạn với gió trời. Bà biết nhưng bà chấp nhận tất cả.

Có lần, khi soạn giả Loan Thảo trở về sau một chuyến đi, bà nhẹ nhàng nói với chồng: “Anh cứ đi hoài. Rủi mai này anh chết biết tìm anh ở xứ nào?”. Trong trí nhớ của Quế Thanh, mỗi lần soạn giả Loan Thảo trở về, ông thường dẫn hai con đi sở thú, công viên, đến đoàn Sài Gòn 2 xem các nghệ sĩ biểu diễn.

Thương chồng, thương con, bà Quế Anh lặng lẽ làm trọn trách nhiệm của mình, không một lời trách than. Người nghệ sĩ vốn nhạy cảm. Có lẽ vì thế, sự đồng cảm, sẻ chia của một nửa còn lại chính là hạnh phúc. Khi căn nhà gần chùa Nước Lạnh bị cháy, tài sản bị thiêu rụi, bà chỉ tiếc những xấp bản thảo của chồng. Ngày soạn giả Loan Thảo mất, di ảnh của ông là bức họa do họa sĩ Sân khấu Lâu Ca vẽ lại. Giờ đây, bà Quế Anh đang định cư ở nước ngoài. Mỗi chuyến đi về của bà là xuôi về giữa những niềm thương thương, nhớ nhớ…

Yên Hà

Có lần, khi soạn giả Loan Thảo trở về sau một chuyến đi, bà nhẹ nhàng nói với chồng: “Anh cứ đi hoài. Rủi mai này anh chết biết tìm anh ở xứ nào?”. Trong trí nhớ của Quế Thanh, mỗi lần soạn giả Loan Thảo trở về, ông thường dẫn hai con đi sở thú, công viên, đến đoàn Sài Gòn 2 xem các nghệ sĩ biểu diễn. 

 

Bình luận (0)