Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những soạn giả một thời vang bóng: Kỳ 3: Nguyễn Huỳnh và Tướng cướp Bạch Hải Đường

Tạp Chí Giáo Dục

Nghệ sĩ Hoài Dung hiện nay. Ảnh: Yên Hà

Vừa là soạn giả, vừa là ông bầu của gánh hát Hoài Dung – Hoài Mỹ nổi tiếng một thời, tên tuổi của soạn giả Nguyễn Huỳnh gắn liền với vở tuồng Tướng cướp Bạch Hải Đường làm nức lòng người hâm mộ.

Dựng gánh hát cho vợ

Gắn nghiệp với thời kỳ hoàng kim của bộ môn nghệ thuật cải lương, Nguyễn Huỳnh là một trong những soạn giả để lại dấu ấn đậm nét trên sân khấu đương thời. Khoảng cuối thập niên 1950, gánh hát Hoài Dung – Hoài Mỹ đi diễn ở đâu cũng được nhiều khán giả chào đón. Chính vở diễn này đã làm nên tên tuổi của nữ nghệ sĩ Hoài Dung và là kỷ niệm tình yêu đẹp của đôi nghệ sĩ Nguyễn Huỳnh và Hoài Dung trong khoảng thập niên 1950. Khi đó, vở tuồng Tướng cướp Bạch Hải Đường mang tựa Người mẹ tội lỗi. Về sau, đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ rã gánh, soạn giả Nguyễn Huỳnh trao tuồng Người mẹ tội lỗi cho ông bầu Xuân, đổi tên là Tướng cướp Bạch Hải Đường. Vở diễn này lại tiếp tục “làm mưa làm gió” trên Sân khấu Dạ Lý Hương.

Trong ký ức của nghệ sĩ Hoài Dung, bà vẫn còn nhớ như in những ngày tháng rong ruổi cùng gánh hát xuôi ngược khắp nơi. “Hồi đó, tôi và soạn giả Nguyễn Huỳnh không phải lo lắng điều gì vì đi đến đâu, gánh hát cũng được chào đón. Đặc biệt, vở Người mẹ tội lỗi là tuồng hát chủ lực, có thể nuôi sống cả gánh hát”, nghệ sĩ Hoài Dung chia sẻ. Với vai Nhung trong vở diễn này, nghệ sĩ Hoài Dung đã đi vào lòng khán giả. “Ngày ấy, nhiều khi thấy tôi đang đi trên đường, khán giả nhận ra ngay và chạy lại hỏi chuyện. Với tôi, trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, tôi may mắn khi có người chồng là soạn giả Nguyễn Huỳnh. Nhờ ông, tôi được sống những năm tháng không phải lo nghĩ, ưu tư nhiều”, đưa tay vuốt lại mái tóc đã bạc trắng, nghệ sĩ Hoài Dung kể lại.

Soạn giả Nguyễn Huỳnh – Hoài Dung thời trẻ (ảnh gia đình nghệ sĩ cung cấp)

Say mê nghệ sĩ Hoài Dung trong một lần được xem bà biểu diễn trên sân khấu, soạn giả Nguyễn Huỳnh đã theo đuổi và chiếm được trái tim của cô đào xinh đẹp. Năm 1954, họ về ở với nhau. Một đêm năm 1973, nghệ sĩ Hoài Dung nói với chồng về ước mơ có một gánh hát riêng của mình. Vậy là sáng hôm sau, soạn giả Nguyễn Huỳnh cho người mua lại gánh hát của đoàn Thanh Tùng để biến ước mơ của vợ thành hiện thực. Gánh hát Hoa Lan thành lập từ đó. Giai đoạn này, phim Ấn Độ đang rất thịnh hành. Nắm bắt tâm lý của khán giả, soạn giả Nguyễn Huỳnh phóng tác nhiều tuồng cải lương Ấn Độ rất thành công. Tên tuổi của ông càng được nhiều người biết đến.

Những năm tháng cuối đời

Diễn viên Hoa Lan là cô con gái thường quấn quýt bên ông, được ông cưng chiều nhất. “Ngày bé, mỗi khi ba ngồi đánh máy các vở tuồng, tôi hay ngồi bên cạnh để đọc bản nháp cho ba. Mỗi dịp Tết đến, tôi lại được ba dẫn đi mua đồ chơi, quần áo. Khi ba mất rồi, tôi mới thấm thía câu “còn cha gót đỏ như son…”. Ba ra đi, tôi chới với một khoảng thời gian dài”, diễn viên Hoa Lan tâm sự. “Những năm tháng cuối đời của ba, tuy gia đình vất vả, khó khăn trăm bề nhưng tôi thấy mình có động lực để sống. Nhiều hôm, má và mấy chị em tôi cứ nói ba ăn cơm trước, để mâm cơm của ba có thịt. Sau đó, mấy má con lặng lẽ luộc rau ăn. Biết chuyện, ba tôi lặng lẽ quay đi giấu những giọt nước mắt. Khi ấy, tôi chỉ ước mình có tiền để nấu cho ba má một bữa ăn ngon, để ba má không phải đi bán bánh, không bị ướt những mùa mưa dài. Khi ba mất, ông chỉ trăn trối với tôi một điều là hãy thay ba chăm sóc mẹ và các em. Tháng bảy năm ấy, ba tôi đi mãi không về. Đêm, tôi ngơ ngác trong căn nhà nhỏ của gia đình khi biết một khoảng trời yêu thương đã vụt tắt”, diễn viên Hoa Lan kể lại. Giọng bà không giấu được u buồn khi nhớ về những ngày tháng đó. Đến nay, vì điều kiện kinh tế của các con vẫn còn khó khăn nên nghệ sĩ Hoài Dung phải sống trong Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (Q.8). Đó là điều mà diễn viên Hoa Lan vẫn đau đáu mỗi ngày.

Là một soạn giả nổi tiếng, xung quanh ông có nhiều bóng hồng nhưng từ khi gắn cuộc đời mình với nghệ sĩ Hoài Dung, soạn giả Nguyễn Huỳnh một lòng một dạ với người ông yêu thương. 25 năm đồng hành cùng nhau, ông chưa hề to tiếng với bà một lời. Ít ai ngờ rằng đằng sau vẻ bề ngoài đạo mạo, uy nghi của soạn giả Nguyễn Huỳnh là một người chồng, người cha hiền lành, hết mực thương yêu vợ con. 

Những năm tháng cuối đời của soạn giả Nguyễn Huỳnh cũng là lúc ánh hào quang của cuộc đời nghệ sĩ trôi qua, ông cùng vợ con bán bánh trước rạp Quốc Thanh. Một khán giả nhìn thấy nên hôm sau ghé lại và gửi một ít quần áo cũ cho gia đình ông. Hình ảnh soạn giả Nguyễn Huỳnh – nghệ sĩ Hoài Dung trong khoảng thời gian ấy được nhiều người truyền tai nhau khi kể về một mối tình nghệ sĩ bền vững, thủy chung hiếm có trong giới nghệ thuật thời bấy giờ. Tuy có pha chút đắng cay, chua xót của kiếp đời nghệ sĩ khi tấm màn nhung sân khấu khép lại nhưng hình ảnh họ luôn sóng đôi, đồng cam cộng khổ đã là minh chứng cho một tình yêu đẹp.

Thục Quyên

Hình ảnh soạn giả Nguyễn Huỳnh – nghệ sĩ Hoài Dung trong khoảng thời gian ấy được nhiều người truyền tai nhau khi kể về một mối tình nghệ sĩ bền vững, thủy chung hiếm có trong giới nghệ thuật thời bấy giờ. Tuy có pha chút đắng cay, chua xót của kiếp đời nghệ sĩ khi tấm màn nhung sân khấu khép lại nhưng hình ảnh họ luôn sóng đôi, đồng cam cộng khổ đã là minh chứng cho một tình yêu đẹp.

 

 

Bình luận (0)