Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Những tấm bằng ĐH đẫm mồ hôi mẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

 Dù trời mưa to, cô Thọ vẫn miệt mài đi gom nước mạ

Ở kiệt 83 Nguyễn Huệ, TP Huế ai cũng biết “cô Thọ nước mạ”. Trên chiếc xe đạp “cà tàng”, N cô len lỏi hầu hết các ngõ ngách của Huế, lấy cơm thừa canh cặn để bán, tích cóp từng đồng cho con ăn học.

Sự lựa chọn từ những khó khăn

Giữa nhịp sống sôi động của TP Huế, cô Nguyễn Thị Thọ làm cái nghề xưa nay ít ai nghĩ tới – thu gom nước rác, đồ ăn thừa (nước mạ), bởi trước kia cô từng là một cô giáo. Dòng đời đẩy đưa, bây giờ cô mới tiếc vì đã từ bỏ nghề giáo viên. Đồng lương ít ỏi và con thơ dại là cái cớ để cô từ bỏ nghề.

Khi bỏ nghề giáo, cô cũng đã làm đủ mọi nghề nhưng vẫn không đảm bảo cuộc sống. Đi làm thuê nhưng quá cực, cô chạy vạy vay vốn về mở quán cơm bình dân nhưng cũng không sáng sủa là mấy; cô tiếp tục mở bán cà phê, song do nhà ở trong kiệt nên bán buôn ế ẩm dẫn đến thua lỗ, cô ngậm ngùi từ bỏ ý định kinh doanh đồ ăn uống.

Qua bao thăng trầm và định mệnh sinh tồn, cô chọn cho mình nghề chăn heo cũng là “cực chẳng đã”. Biết là sẽ rất bất tiện khi làm công việc này trong lòng thành phố, song cô nghĩ chẳng còn con đường nào khác. Cô ngán ngẩm chịu “eo sèo” vì tương lai 4 đứa con.

Cứ thế rồi cô quen dần với công việc. Đồ thừa từ các nhà hàng khách sạn được cô gom về ngâm ủ, một phần nuôi heo, một phần bán cho các gia đình ven thành phố. Tuy đồng tiền kiếm được rất ít ỏi, nhưng tích cóp lại, cộng với dăm ba tháng xuất được năm bảy con heo cũng tạm đủ cho con ăn học và chi phí sinh hoạt gia đình.

Nhớ lại những chặng đường cô đã trải qua, đôi mắt cô ầng ậng nước vì cuộc sống cơ cực quá. Cô oà khóc khi nói về trận lụt năm 1999, khi bao công sức bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Cô phải gây dựng lại mọi sự từ đầu sau cơn lũ lịch sử đó.

Khi các em học ngày một cao thì cũng là lúc cô càng lo lắng cho việc học của con hơn. Cô Thọ lại tìm cách đi vay mượn về xây dăm phòng trọ cho sinh viên thuê. Cô sống với sinh viên như một người mẹ, bởi cô hiểu rằng, con cô cũng đang phải học xa nhà, hơn nữa cô cũng là người đã phải chịu biết bao khó khăn của hoàn cảnh.

Học để không phụ công mẹ

Bà con hàng xóm ai cũng biết những vất vả cô Thọ đang nặng gánh trên vai. Và hơn ai hết, chính những đứa con của cô Thọ biết mẹ cực đến nhường nào. Bởi thế 4 đứa con của cô vừa cố học hành thật tốt, vừa tranh thủ giúp mẹ mỗi khi rời việc học.

Những nỗ lực của cô Thọ đã được đền đáp, cậu con trai cả Nguyễn Văn Tâm thi đậu ĐH Giao thông Vận tải ở Sài Gòn; cậu thứ hai Nguyễn Văn Chung đã học xong Trung cấp Du lịch và đang làm việc tại một khách sạn ở Hà Nội. Vừa rồi, cậu con trai thứ ba Nguyễn Văn Trung đã thi đậu đại học; còn cô em út Nguyễn Thị Anh Thư đang học cấp

III tại Huế. Với cô Thọ, mỗi lần nhận giấy báo đậu đại học của con, lại là một lần nỗi lo thêm ngút ngàn. Cô tâm sự: “Con đậu đại học mà dựng tóc gáy vì lo!”

Huế đang mùa mưa. Cơn mưa chiều nay lại quấn lấy những vòng xe nặng nhọc của cô. Cơn mưa Huế vô thường nhưng không thể nào ngăn được bước chân bươn chải vì tương lai của các con, bởi dù mưa lũ có ngập đến nửa bánh xe, cô cũng cố đi gom “nước mạ” cho bằng được như ngày thường. Và cứ thế, tương lai của 4 đứa con cô đang đều đặn thẩm thấu những khó nhọc trong từng bước chân “nước mạ” của cô Thọ.

                                                                                                                    Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Minh Thứ (dantri.com.vn)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)