Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Những tấm gương giàu nghị lực

Tạp Chí Giáo Dục

Không may mắn có được cơ thể như những người bình thường, các em rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn trong đi đứng, nói năng, cầm nắm… Thế nhưng, không để số phận quật ngã, bằng sự nỗ lực, tinh thần lạc quan, các em đã vượt qua mọi trở ngại để được đến trường và học giỏi.
Cậu HS giàu nghị lực

Vũ Minh Hùng viết bài

Đến thăm Vũ Minh Hùng, học sinh (HS) lớp 6/3, Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi (Q.2), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, xúc động: Không có hai tay nhưng Hùng rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Em mở hộp lấy bút bằng chân, rồi cũng chính đôi chân ấy cầm bút viết bài, rê chuột máy tính… Về nhà, Hùng còn tự cầm muỗng lấy cơm, thức ăn bằng chân. Cô Nguyễn Thị Tâm, chủ nhiệm lớp 6/3, chia sẻ: “Mặc dù sử dụng hai chân thay đôi tay nhưng mọi thao tác của Hùng khá nhanh và chính xác, đặc biệt em viết bài cũng rất nhanh. Chỉ khi đi vệ sinh, Hùng mới cần có bạn bè giúp đỡ. Trong quá trình học, Hùng rất nhanh trí, ngoan ngoãn, thường xuyên phát biểu, xây dựng bài vở. Thấy Hùng vượt khó học giỏi, nhiều học trò khác đều noi theo”.
Gia đình Hùng có hai chị em. Không may mắn như chị, ngày mới sinh ra, hai tay em bị khuyết. Do đó, mọi sinh hoạt hàng ngày Hùng phải nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ là chính. Năm 4 tuổi, em bắt đầu tập luyện đôi chân mình tiếp xúc, cầm đồ vật. Người đời có câu: Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay; mặc dù khó đôi tay nhưng bằng tất cả ý chí, nghị lực Hùng đã luyện tập đôi chân thành thạo trong các thao tác nắm, điều khiển đồ vật. Anh Vũ Xuân Lý (ba của Hùng) cho biết: “Trong quá trình cháu luyện tập, đồ vật rơi rớt là chuyện thường. Có lúc đưa cơm, canh lên đến miệng lại đổ ra. Nhiều lần tập cầm phấn viết vào bảng, hai kẽ chân của cháu rộp đỏ, thậm chí đau rát như bị bỏng. Thế nhưng cháu không kêu than một tiếng. Cháu chia sẻ với chúng tôi, nếu không tập thì không có cơ hội đến lớp như bạn bè. Chính động lực ấy giúp cháu rèn luyện hàng ngày”. Và bất cứ lúc nào, ở đâu, đi đâu, Hùng cũng tranh thủ luyện tập. Sau một thời gian cố gắng, em đã dần sử dụng đôi chân như hai tay. Hùng cho biết: “Không có gì là khó cả, chỉ cần mỗi ngày mình cố gắng một ít thì sẽ làm được. Năm lớp 3, em may mắn được gặp thầy Nguyễn Ngọc Ký, thầy cũng không có hai tay nhưng dùng đôi chân của mình cầm nắm, điều khiển rất giỏi trong mọi việc. Hình ảnh ấy là động lực lớn để em cố gắng hơn nữa”.
Suốt 5 năm học tại Trường Tiểu học Mỹ Thủy (Q.2), Hùng luôn là HS giỏi, nhiều năm liền là cháu ngoan Bác Hồ. Nay lên lớp 6, em vẫn giữ vững khả năng học tốt, viết giỏi như những năm trước. Có một đặc điểm mà ai cũng yêu quý Hùng đó là tinh thần lạc quan. Lắm lúc bị bạn bè, người xung quanh trêu ghẹo là đứa cụt tay nhưng em không khóc, không buồn, trái lại em vẫn hòa đồng, vui vẻ, chăm chỉ học hành, tham gia trò chơi từ đá cầu cho đến nhảy dây… như bao bạn bè. Về nhà Hùng còn phụ giúp gia đình như quét, lau nhà bằng cách kẹp dụng cụ vào nách. Thậm chí em còn kẹp cuốc vào nách để cuốc đất trồng rau. Chia sẻ về ước mơ, Hùng bảo rằng: “Em muốn trở thành thầy giáo dạy tin học. Nếu biết sử dụng tin học, mình có thể khám phá ra nhiều điều, làm được nhiều thứ…”.
Cô bé khuyết tật học giỏi

Đinh Thúy Vy học vi tính

Học cùng trường và trên Hùng một lớp,Đinh Thúy Vy, HS lớp 7/1, cũng không may mắn như Hùng. Ngày mới sinh ra, Vy chẳng may bị bại não. Căn bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh vận động khiến chân phải, tay phải của em bị liệt và khả năng phát âm bị ngọng. Thế nhưng bệnh tật không ngăn cản được việc học của Vy – 6 năm liền em luôn là HS giỏi của lớp; đặc biệt Vy học rất giỏi môn toán và tiếng Anh. Vy chia sẻ: “Được đi học là niềm vui, hạnh phúc lớn lao của em vì thế em sẽ luôn cố gắng”.
Chị Tố Cận (mẹ của Vy) tâm sự: “7 tuổi Vy mới chập chững tập đi, 9 tuổi cháu mới đi học. Trong suốt quá trình tập đi, tập nói, Vy phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị, trong đó cháu phải thường xuyên tập vật lý trị liệu chức năng. Gia đình không có ý định đưa Vy đến trường học bình thường vì sợ khả năng phát âm không rõ sẽ ảnh hưởng chung đến trường lớp. Nhưng hàng ngày xem ti vi, nhìn bạn bè đến trường, Vy háo hức, năn nỉ bố mẹ nên sau hai năm tập luyện, gia đình mạnh dạn cho cháu đến trường”.
Để theo kịp bạn bè trong việc học, Vy đã nỗ lực hết mình. Tay phải không thể cầm bút mà phải cầm bằng bàn tay trái yếu ớt, Vy luôn viết bài không kịp. Em thường phải tranh thủ thời gian chuyển tiết để mượn tập bạn chép lại. Mỗi khi giơ tay phát biểu, Vy nhờ bạn bè đọc lại lời để cô giáo, cả lớp nghe và hiểu. Về nhà, em tranh thủ xem lại bài, củng cố kiến thức, đặc biệt em có khả năng tự học rất cao, ít khi phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ. Chỉ khi gặp những bài không hiểu, hóc búa, Vy mới hỏi ba mẹ hoặc lên lớp hỏi bạn bè. Riêng môn tiếng Anh, Vy tiếp thu kiến thức rất nhanh. Do phát âm bị ngọng nên ảnh hưởng phần nào đến khả năng nói tiếng Anh, tuy nhiên kỹ năng nghe, viết của Vy rất tốt, bài kiểm tra luôn đạt điểm 9-10. Để nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh, Vy thường xuyên nghe đài, nghe nhạc, xem các bản tin tiếng Anh cũng như tập viết văn bằng tiếng Anh. Bên cạnh việc học hành chu đáo, Vy còn thường xuyên chăm chỉ phụ giúp gia đình nhặt rau, quét dọn nhà cửa, kèm cặp em gái học bài…
Chia sẻ về ước mơ, Vy mong muốn sau này được làm công việc liên quan đến công nghệ thông tin vì sẽ phù hợp với hoàn cảnh của em.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Cô Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hùng và Vy là những HS đầy nghị lực. Bị khuyết tật, thua thiệt bạn bè nhiều thứ, thế nhưng các em đã nỗ lực vượt khó để học tốt. Các em là những tấm gương để các trò khác noi theo”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)