Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những tập quán dễ gây ung thư

Tạp Chí Giáo Dục

Đặc biệt đối với ung thư vùng đầu cổ, đa số bệnh nhân làm nghề nông và thường tiếp xúc với thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp. Hơn 50% bệnh nhân có thói quen vệ sinh răng miệng kém
Khảo sát của Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM trong vòng 2 năm qua về những yếu tố từ điều kiện sống, tập quán, thói quen ăn uống, tình hình chăm sóc răng miệng… đã ghi nhận những yếu tố này là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư vòm hầu. Tại VN, 80% ung thư vùng đầu cổ là ung thư hốc miệng, vòm hầu và đây là một trong mười loại ung thư thường gặp nhất ở nước ta.
Ung thư vùng miệng
Không loại trừ thuốc lá và rượu bia
Tỉ lệ bệnh nhân ung thư vòm hầu là nam giới hút thuốc lá được ghi nhận hơn 82% và có đến 60% bệnh nhân hút hơn 20 gói thuốc hoặc hơn 40 gói thuốc mỗi năm. Điều đáng chú ý là cũng có 6,2% bệnh nhân nữ hút thuốc lá. Tương tự như yếu tố hút thuốc lá, có hơn 84% bệnh nhân ung thư vòm hầu thường xuyên uống rượu bia. Nếu tính bệnh nhân nam vừa hút thuốc vừa uống rượu bia chiếm hơn 50%.
Trong những bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV Ung Bướu về ung thư vòm hầu, các bác sĩ ghi nhận nam giới dễ mắc ung thư vòm hầu hơn nữ và người Hoa chiếm tỉ lệ gần 10%. Đa số bệnh nhân làm nghề nông và thường tiếp xúc với thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp.
Ngoài ra, có gần 50% bệnh nhân thường tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói đốt từ củi than, chất cao su, nhựa, xi măng, tro, nhang, khói bụi, đặc biệt là khói từ sinh hoạt nấu nướng thức ăn, thờ cúng hoặc một số nghề nghiệp. Các bác sĩ ở BV Ung Bướu nhận thấy sự tiếp xúc được gia tăng thêm bởi tình trạng kém không khí nơi ăn ở và làm việc.
Thói quen sử dụng một số thực phẩm khô ướp muối được ghi nhận cũng là nguyên nhân gây ung thư vòm hầu. Cụ thể là 15% bệnh nhân tại BV Ung Bướu thường xuyên ăn cá, tôm khô, thịt ướp muối; 37% bệnh nhân dùng rau dưa muối cải chua và khoảng 30% dùng nước tương.
Do điều kiện kinh tế – xã hội và ảnh hưởng bởi văn hóa phong tục, nhiều vùng miền có thói quen tồn trữ thực phẩm dưới dạng ướp muối hoặc lên men chua với muối. Các món này dễ ăn nhưng đồng thời cũng tạo ra một tác nhân sinh ung thư là chất nitrosamine. Đây là những tập quán văn hóa đặc trưng ở các  nước thuộc khu vực Đông Nam Á, dễ tạo điều kiện cho các loại ung thư vùng miệng phát triển. Ngoài ra, những bệnh nhân có tiền căn mắc bệnh tai mũi họng cũng dễ bị ung thư vòm hầu, chiếm 40% trong số bệnh nhân được điều trị tại BV Ung Bướu và 5,5% bệnh nhân có tiền sử gia đình liên quan đến ung thư vòm hầu. Còn ở bệnh nhân ung thư hốc miệng, hơn 40% người mắc bệnh là nữ có thói quen nhai trầu và hơn 50% bệnh nhân có thói quen vệ sinh răng miệng kém.
Gần 50% bệnh nhân tự điều trị
Tiến sĩ-bác sĩ Vũ Văn Vũ, Trưởng Khoa Nội 1 BV Ung Bướu, cho biết do vị trí ung thư vòm hầu kín đáo, các biểu hiện của bệnh thường xuất hiện muộn và đa dạng nên dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác và bệnh nhân thường được chẩn đoán, điều trị ở giai đoạn bệnh tiến xa nên kết quả điều trị còn hạn chế. Triệu chứng ban đầu thường gặp nhất là ở vùng tai mũi họng nên hầu hết bệnh nhân lúc đầu đều được chẩn đoán nhầm lẫn với bệnh lý tai mũi họng hoặc hạch viêm ở cổ, các triệu chứng thần kinh hay không rõ chẩn đoán. Gần phân nửa bệnh nhân khi mắc ung thư vòm hầu có thái độ xử trí “không phù hợp” như không làm gì hoặc tự mình điều trị lấy bằng cách tự mua thuốc uống, kể cả thuốc đông y. Trong số còn lại, phần lớn bệnh nhân đến khám bệnh sau 3 tháng phát hiện mình có những triệu chứng ban đầu. Chỉ có trên 23% bệnh nhân đến BV sớm ở giai đoạn 1 và 2.
Theo tiến sĩ-bác sĩ Vũ Văn Vũ, để phòng chống hữu hiệu bệnh ung thư vòm hầu ở nước ta hiện nay, cần có một giải pháp toàn diện về môi trường sống và điều kiện làm việc cũng như thay đổi những thói quen ăn uống.
Theo Người Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)