Cứ vào mỗi buổi sáng thứ hai, anh Hồ Quốc Duy cùng thợ và học trò của mình lại dành thời gian nguyên buổi sáng để đến cắt tóc từ thiện cho người có hoàn cảnh khó khăn ở trước Viện Tim (quận 10, TP.HCM).
Hồ Quốc Duy (bìa phải) vừa hớt tóc cho khách vừa chỉ dẫn cho học viên của mình |
Dùng mạng xã hội để “kiếm thợ”
Là chủ tiệm Quốc Duy (104 Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1), cứ mỗi sáng thứ hai hàng tuần Duy để tiệm cho 3 người thợ coi sóc, còn anh cùng một vài thợ và 6 học viên cùng nhau đến vỉa hè của Viện Tim để cắt tóc cho người nghèo từ 7 giờ đến 12 giờ. “Khách hàng” của các chàng trai này có nam có nữ, có người già, trung niên và cả trẻ con. Trong đó có người bán vé số, bác tài xe ôm, người vô gia cư, người bán hàng rong và cả những bệnh nhân trong bệnh viện.
Theo quan sát của chúng tôi, vào sáng ngày 15-5-2017, các chàng trai “thợ cắt” liên tục lên tiếng mời những người đi ngang qua khu vực này để được phục vụ họ. “Chú ơi, chú cắt tóc không, để chúng con cắt cho chú”, “Anh ơi mời anh vào cắt tóc đi ạ”, “Em vào đây đi anh cắt tóc cho”… là những lời nói rất tử tế mà các chàng trai dành cho “khách hàng” của mình. Đôi lúc cũng có một số người e ngại, lo bị lấy tiền công như trong tiệm do không để ý tấm băng rôn có dòng chữ “Nhóm hớt tóc từ thiện sáng thứ hai hàng tuần”, khi đó các thanh niên liền nhanh chóng giải thích cho họ hiểu là “ở đây cắt tóc miễn phí”. Đối với những bệnh nhân bị tai biến, đi lại khó khăn hoặc sức khỏe yếu, nhóm cũng nhiệt tình vào đến giường bệnh để cắt tóc cho họ.
Duy cho biết, địa điểm cắt tóc miễn phí này trước đây là do học trò của anh làm. Từ khi biết được việc làm thiện nguyện này, anh cùng thợ và học trò của mình cũng chung tay góp sức. Làm nghề tóc từ năm 2004, nên với tay nghề nhạy bén của mình, Duy có thể cắt tóc cho một người trong vòng 5 phút, trong khi học trò của anh có khi phải tốn khoảng 45 phút tới 1 giờ mới hớt xong. Do đó, vừa làm cho khách, Duy còn quan sát để góp ý cho học trò cách hớt làm sao cho đẹp. Duy cho rằng “các bạn đến đây vừa để chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn, vừa có cơ hội nâng cao tay nghề của chính mình”.
Nhằm việc phục vụ thiện nguyện ngày càng tốt hơn và duy trì được lâu dài, nên Duy đã sử dụng facebook và zalo của mình để kêu gọi sự chung tay góp sức của các anh em có tấm lòng ở khắp nơi. Cảm được việc làm hữu ích này, nên có nhiều người đã comment và để lại số điện thoại liên lạc. Nhờ đó, Duy đã chủ động liên hệ để cùng nhau đến địa điểm thiện nguyện. Hoặc khi có nhiều người tham gia quá, Duy liền chủ động bố trí thêm một địa điểm hớt tóc miễn phí ở Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5). Trong đó, có nhóm thợ rất nhiệt tình ở gần Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) cũng thường xuyên tham gia.
Sẻ chia với người có hoàn cảnh khó khăn
Không chỉ hớt tóc miễn phí, nhóm của Duy còn giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như trường hợp của một bệnh nhân tên Tuấn (ngụ quận 7). Được biết, ông Tuấn làm nghề chạy xe ôm để nuôi sống bản thân cùng người vợ không có thu nhập và đứa con 30 tuổi chậm phát triển. Không may bị tai biến, nên gia cảnh ông rất khó khăn. Nhờ một lần hớt tóc cho ông trong bệnh viện vào đầu tháng 5, Duy đã hỏi thăm nên biết được hoàn cảnh của gia đình ông Tuấn. Ngay sau đó, anh đã vận động bạn bè được 6 triệu đồng để giúp ông Tuấn phần nào chi phí điều trị.
Đối với những bệnh nhân bị tai biến, đi lại khó khăn hoặc sức khỏe yếu, nhóm cũng nhiệt tình vào đến giường bệnh để cắt tóc cho họ. |
Cũng vào sáng 15-5, ông Nguyễn Tấn Tài bán vé số đi ngang qua Viện Tim “thấy có người cắt tóc đẹp quá, nên tôi tranh thủ bán xong là chạy đến đây nhờ mấy chú hớt tóc cho”. Ông Tài cho biết, quê ông ở Phú Yên, nhà chỉ có 3 sào ruộng không đủ ăn, nên cho dù bị thấp khớp đau nhức, ông vẫn ráng vào thành phố kiếm sống. Thu nhập ngày nào tốt nhất thì được 100.000 đồng, ngày nào kém thì chỉ khoảng 60.000-70.000 đồng, ông tính “nếu vào tiệm hớt tóc thì chí ít tôi cũng phải trả 30.000-40.000 đồng, nghĩa là mất nửa ngày công”. Hài lòng với mái tóc đẹp được Duy hớt cho, ông Tài xúc động nói: “Khi tôi không có tiền, mà được các chú hớt tóc miễn phí cho là tôi biết ơn vô cùng. Các chú làm việc này không chỉ đem lợi ích đến cho người nghèo, mà còn tạo phước cho bản thân nữa. Những việc làm như vậy là rất đáng quý”.
Một bé gái 4 tuổi bị cha mẹ bỏ rơi, không biết tên khai sinh của mình là gì ngoại trừ “tên Mén” gia đình quen gọi, cũng đã được “các chú cắt tóc đẹp cho con”. Cô của Mén là chị Nguyễn Minh Hằng (ngụ Bình Tân) cho biết: “Gia đình tôi chạy bữa ăn hàng ngày, nên ít có thời gian chăm sóc cho cháu. Thấy nó vui khi có mái tóc mới tôi cũng vui lây. Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì, nên tôi thấy việc làm của các anh này rất có ý nghĩa”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)