Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Những thắc mắc cuối cùng của thi tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Hết 2/3 thời gian làm bài môn thi tự luận, thí sinh có được ra khỏi khu vực thi? Khi thu bài, các bài thi của thí sinh có được lồng vào nhau không?… Một số câu hỏi được Phó Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD Trần Văn Nghĩa giải đáp.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT.
Thưa ông, khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi tự luận, thí sinh được phép nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp và ra khỏi phòng thi, vậy có được ra khỏi khu vực thi không?
– Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp.
Trong trường hợp này, sau khi thí sinh rời khỏi phòng thi, Hội đồng coi thi có thể cho thí sinh rời khỏi khu vực thi đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và an toàn vòng ngoài để ngăn chặn sự xâm nhập của bên ngoài vào khu vực thi.
Khi phát đề thi trắc nghiệm yêu cầu thí sinh để đề thi dưới phiếu trả lời trắc nghiệm, nếu thí sinh mở ra xem thì có xử lý không? Có lập biên bản không, thưa ông?
– Thí sinh mở đề ra xem, giám thị phải kịp thời nhắc nhở và yêu cầu thí sinh thực hiện đúng theo quy định. Nếu thí sinh vẫn cố tình xem đề thì lập biên bản để Hội đồng coi thi xử lý. Tuy nhiên, sau khi đã phát đề thi cho cả phòng, giám thị cần yêu cầu thí sinh soát số trang và chất lượng in của đề, để kịp đổi nếu cần thiết (khi xảy ra các trường hợp đề thiếu trang, các trang không cùng mã đề, hoặc đề in bị mờ…)
Đề thi thiếu trang, in mờ… giám thị tìm trong số đề dự trữ mã đề thi tương ứng để đổi cho thí sinh, trong trường hợp không còn thì làm sao?
Khi thi theo hình thức trắc nghiệm, tại Hội đồng coi thi luôn có túi đề thi trắc nghiệm dự phòng gồm nhiều mã đề khác nhau. Trường hợp đề thi mờ hoặc thiếu trang… thì lấy đề thi có cùng mã đề trong túi dự phòng. Nếu không có đề thi cùng mã thì lấy đề thi có mã khác với mã đề thi của 2 thí sinh ngồi bên cạnh.
Hàng năm đều có hiện tượng giám thị thiếu chữ ký trên giấy thi của thí sinh, xử lí việc này như thế nào?
– Trong quá trình tập huấn coi thi, các sở cần lưu ý giám thị không được quên ký tên vào giấy thi của thí sinh để hạn chế sai sót. Khi bàn giao bài thi tại Hội đồng coi thi, cần phải kiểm tra các bài thi đã có đủ chữ ký của hai giám thị chưa. Khi chấm thi, những bài thi này vẫn được chấm bình thường để đảm bảo tiến độ, tuy nhiên Hội đồng chấm thi phải lập biên bản các bài không đủ chữ ký để báo cáo Bộ, đồng thời chuyển cho sở tổ chức coi thi xử lí và kiểm điểm giám thị theo quy chế thi.
Xin ông nói rõ, trách nhiệm của thí sinh khi nộp bài thi?
– Trách nhiệm của thí sinh khi nộp bài thi được quy định tại khoản 10, 11, 12, 13 Điều 21 của Quy chế 04. Cụ thể, khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng viết ngay. Nộp bài thi, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Không làm được bài cũng phải nộp giấy thi. Không nộp giấy nháp thay giấy thi.
Khi thu bài, các bài thi của thí sinh trong phòng thi có được lồng vào nhau không, thưa ông?
– Để khắc phục triệt để hiện tượng làm mất bài thi của thí sinh tại một số Hội đồng coi thi trong những kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây và hạn chế đến mức thấp nhất nhầm lẫn, sai sót trong khi làm phách bài thi tự luận tại các địa phương, chúng tôi đã có công văn yêu cầu: Khi thu bài thi, các tờ giấy của mỗi bài thi được lồng vào nhau. Các bài thi được xếp riêng (không lồng vào nhau) theo thứ tự số báo danh từ nhỏ đến lớn.
Trường hợp học sinh chưa kịp làm hoặc mất giấy chứng minh nhân dân; gia đình thí sinh không có sổ hộ khẩu riêng xử lý như thế nào, thưa ông?
– Những trường hợp chưa được cấp hoặc mất giấy chứng minh nhân dân phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền; nếu gia đình thí sinh không có sổ hộ khẩu riêng, có thể sử dụng Giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong sổ hộ khẩu.

Trong quá trình phúc khảo, trên bài đã có kết quả chấm, làm thế nào để việc chấm phúc khảo được công bằng?

– Bài thi chấm phúc khảo được đánh số phách mới và che các thông tin về kết quả chấm trước; giám khảo của Hội đồng phúc khảo chấm bình thường theo hướng dẫn chấm, độc lập với kết quả chấm trước đã ghi trên bài thi.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Anh (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)