Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những thắc mắc thường gặp về sức khoẻ nam giới

Tạp Chí Giáo Dục

Sức khoẻ là một trong những mối quan tâm hàng đầu ở cả nam và nữ giới. Dưới đây là những thắc mắc về sức khoẻ mà các đấng mày râu rất quan tâm.

1. Điều trị tóc thưa hay hói đầu có thực sự hiệu quả?

 Nếu thường xuyên bị rụng tóc thì các phương pháp điều trị có thể giúp giảm chứng rụng tóc, tuy nhiên cũng không đơn giản như bạn nghĩ. 

Thường thì những người bị rụng tóc được kê đơn bôi Rogaine lên da đầu và uống thuốc Propecia. Ở một số nam giới thì việc dùng thuốc này giúp tóc mọc dầy hơn, giảm rụng tóc và hỗ trợ sự phát triển của tóc mới. Nhưng cũng đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vì thuốc có tác dụng chậm và không thấy tiến triển gì ở một số người. 

Những bài thuốc từ thảo mộc cũng được khuyên dùng để trị chứng hói đầu và rụng tóc nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào về tác dụng của chúng. 

Một cách khác là phẫu thuất để cấy ghép tóc lên vùng da đầu nhưng phương pháp này khá đắt và có thể có một số nguy cơ tiềm ẩn khi phẫu thuật. 

2. Tôi thường thức dậy vào buổi đêm để đi tiểu, liệu thế có sao không? 

Đi tiểu ban đêm là rất bình thường với những người già. Một nguyên nhân gây thường xuyên đi tiểu ban đêm là  BPH (sự tăng sản tuyến tiền liệt) thường xuất hiện ở những nam giới độ tuổi từ 50 – 60. Khi có tuổi, tuyến tiền liệt quanh niệu đạo phát triển lớn hơn, thậm chí nó còn siết chặt đường niệu đạo khiến cơ thể có xu hướng đi tiểu nhiều hơn. 

Sự tăng sản tuyến tiền liệt cần điều trị bằng việc dùng thuốc hoặc phẫu thuật nếu có ảnh hưởng lớn đến việc tiểu tiện. 

Tuy nhiên, cũng nên kiểm tra sự thay đổi thói quen đi tiểu này vì thường xuyên đi  tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nhiễm tuyến tiền liệt hay thậm chí là ung thư tuyến tiền liệt. 

3. Bố tôi bị bệnh tim từ khi còn trẻ, liệu tôi có nguy cơ bị bệnh này không? 

Bệnh tim có thể di truyền trong gia đình nhưng không phải cha bạn bị bệnh tim mà bạn sẽ chắc chắn bị bệnh. Gien đóng vai trò quan trọng nhưng các yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nhiễm stress của cơ thể cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc mắc bệnh. 

Một thông tin tốt lành là có rất nhiều cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim như không hút thuốc lá, tập luyện thể thao đều đặn, chế độ ăn nhiều chất xơ và ít chất béo, chất ngọt, giữ trọng lượng cơ thể khoẻ mạnh và thường xuyên kiểm tra mức cholesterol và huyết áp để điều chỉnh về mức phù hợp. 

Bạn có biết rằng bệnh tim có thể liên quan đến sức khoẻ răng miệng? Hãy kiểm tra răng miệng thường xuyên để đảm bảo việc giữ gìn sức khoẻ răng miệng. Và cũng đừng bỏ qua biểu hiện như thường xuyên bị đau ngực trong khi tập luyện.  

4. Vợ tôi mãi vẫn chưa có bầu, liệu tinh trùng của tôi có vấn đề gì chăng? 

Mặc dù khả năng sinh sản có vấn đề thường xuất phát ở người phụ nữ nhưng các vấn đề về sinh sản ở nam giới cũng chiếm 40% trong các trường hợp khó có con với những nguyên nhân chính là số lượng và chất lượng tinh trùng không đảm bảo. 

Tốt nhất nam giới nên đi kiểm tra tinh trùng để biết rõ nguyên nhân, từ đó có cách điều trị hợp lý bằng việc dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu những cách trên đều không có hiệu quả thì việc thụ tinh nhân tạo là điều bạn nên nghĩ đến. 

5. Kích cỡ bình thường của “cậu nhỏ” là bao nhiêu? 

Đây là thắc mắc của đa số thanh niên khi bước vào độ tuổi trưởng thành. 

Vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra  rằng kích thước trung bình của “cậu nhỏ” khoảng 12 – 13cm) khi căng “cậu nhỏ” ra cũng như lúc cương cứng. Những khảo sát khác lại thấy kích cỡ xấp xỉ 15cm. Tuy nhiên kích cỡ “cậu nhỏ” còn phụ thuộc vào chủng tộc. 

6. Các cặp vợ chồng nên làm “chuyện ấy” bao nhiều lần là vừa? 

Số lần quan hệ của các cặp vợ chồng phụ thuộc vào tuổi tác. Một nghiên cứu tiến hành với những cặp vợ chồng ở các độ tuổi khác nhau đã thấy rằng: 

– Các cặp từ 18 – 29 thường có 112 lần mỗi năm (tức là khoảng 2 lần mỗi tuần). 

– Các cặp từ 30 – 39 thường có 86 lần mỗi năm, khoảng 7 lần trong 1 tháng. 

– Các cặp từ 50 – 59 thường có 69 lần mỗi năm, khoảng dưới 6 lần mỗi tháng. 

“Chuyện ấy” có xu hướng giảm khi tuổi cao hơn. 

7. Vợ tôi vừa phát hiện bị nhiễm HPV, có nghĩa tôi cũng bị lây bệnh? 

HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất, 50% nam giới sẽ có thể bị mắc bệnh trong suốt cuộc đời. Trong nhiều trường hợp, HPV thường không có biểu hiện và không đáng lo ngại lắm với sức khoẻ nhưng có thể gây mụn rộp ở bộ phận sinh dục nam. Các duy nhất để ngừa việc lây truyền vi rút này là tránh tiếp xúc qua da. Bao cao su cũng giúp giảm việc lây truyền. 

Mụn rộp thường xuất hiện ở đầu “cậu nhỏ” hoặc ở vùng hậu môn. Có thể điều trị bằng việc bôi kem hay phẫu thuật. HPV có thể làm tăng nguy cơ ung thư hậu môn và cậu nhỏ tuy nhiên nguy cơ này là rất thấp. 

8. Tôi đã không tập luyện khoảng 1 năm nay nhưng lại muốn có một thân hình khỏe mạnh. Giờ tôi phải bắt đầu thế nào? 

Bạn có thể bắt đầu từ những hình thức tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe. Sau đó nên tập luyện đều đặn từ 30 – 60 phút các ngày trong tuần. Điều quan trọng là phải có hứng thú tập luyện và kiên trì theo đuổi mục tiêu đã đặt ra, nếu thực hiện được như vậy thì kế hoạch tập luyện của bạn sẽ có kết quả tốt nhất. 

9. Uống đồ uống có cồn có hại hay có lợi cho tôi? 

Một tin tốt lành là các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất cồn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, không chỉ có rượu vang đỏ là có tác dụng kỳ diệu này mà các chuyên gia cũng nói rằng rượu, bia cũng có hiệu quả tương tự. 

Uống điều độ đồ uống có cồn sẽ giảm được nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề về thành mạch từ 25 – 40%. 

Tuy nhiên uống nhiều sẽ hoàn toàn không tốt. Các chuyên gia nói rằng nam giới nên hạn chế lượng chất cồn xuống còn 2 chén mỗi ngày. Nếu uống nhiều sẽ là nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp, hại gan và một số bệnh ung thư khác. 

10. Tôi không thích đi khám sức khoẻ định kỳ nhưng vợ tôi luôn khuyến khích tôi đi khám. Hãy cho tôi lời khuyên? 

Có thể bạn luôn cảm thấy cơ thể bình thường và việc đi khám sức khoẻ định kỳ là không cần thiết. Tuy nhiên một số bệnh thường không có biểu hiện cụ thể trong thời gian đầu như bệnh cao huyết áp, vậy nên sẽ rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.  

Nam giới từ độ tuôi 20 – 39 nên đi khám sức khoẻ 3 năm 1 lần. Từ 40 – 49 nên thường xuyên kiểm tra huyết áp và tiến hành những kiểm tra cần thiết khác khi có tuổi. Việc khám sức khoẻ định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh để có hướng điều trị hợp lý và hiệu quả nhất.

 

Quỳnh Liên (Dân trí)

Theo wmd

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)