Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những thạc sĩ “trên mây”

Tạp Chí Giáo Dục

Để nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên trung học phổ thông (THPT), những năm gần đây, ngành giáo dục TP. Cần Thơ đã tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp học sau đại học. Dù vậy, để theo học sau đại học, các giáo viên phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nhất là giáo viên ở các quận ven, huyện ngoại thành. Không thể phủ nhận, sau khi học tập trở về, các giáo viên này đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nhà trường, đặc biệt là về nâng cao chất lượng dạy học. Thế nhưng, ngược lại, một số ít giáo viên khi đã trở thành thạc sĩ lại mang tâm lý “ngôi sao”, ít nghĩ đến lợi ích chung mà chỉ chăm chăm nhắm vào quyền lợi của bản thân.
Một số lãnh đạo ở các trường THPT vùng ven, ngoại thành thường than phiền rằng khi cho giáo viên đi học cao học, lo nhất là học xong thì mất luôn giáo viên. Chưa tốt nghiệp cao học nhưng có giáo viên đã làm hồ sơ xin chuyển về trường cao đẳng, đại học ở trung tâm thành phố vì trường phổ thông – nơi tạo điều kiện cho họ đi học – “chưa đủ tầm”, không phát huy được khả năng của thạc sĩ! Biết rằng đi đâu thì cũng là phục vụ nhưng xét về cái tình thì khó có thể chấp nhận cách hành xử như vậy!
Cũng có trường hợp sau khi đạt được học vị thạc sĩ thì lại chăm chăm nghĩ đến cái lợi của riêng mình. Phó hiệu trưởng một trường THPT tại trung tâm TP. Cần Thơ kể: “Khi ban giám hiệu nhà trường sắp xếp thời khóa biểu, một thạc sĩ của trường yêu cầu: “Nhà trường có thể dồn tiết lại để thuận lợi cho việc dạy thêm của tôi!”. Chẳng những vậy, vị giáo viên có bằng thạc sĩ này làm hồ sơ sổ sách rất sơ sài, thiếu đầu tư cho bài giảng… Ban giám hiệu phải góp ý nhiều lần mới chỉnh sửa đôi chút!”. Đã có trường hợp giáo viên có trình độ thạc sĩ nhưng tiết dạy chỉ được đánh giá loại… khá. Đó là câu hỏi về chuyên môn, phương pháp giảng dạy lẫn tâm huyết khi đứng trên bục giảng của những người đã được tạo điều kiện thuận lợi để học tập nâng cao trình độ!
Cách hành xử như trên đúng là thiếu cả lý lẫn tình!
Bảo Ngọc

Bình luận (0)