Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những “thần đồng” thơ Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa năm tám tuổi. Ảnh: T.L
Cha ra đề rắn, mỗi câu phải có tên một con vật thuộc họ rắn. Thơ thất ngôn bát cú, như vậy 8 câu là 8 con rắn. Thế mà, chỉ trong giây phút, bài thơ 8 câu có 8 con rắn đã được chú bé Đôn đọc lên suôn sẻ, trọn vẹn: Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà/ Rắnđầu biếng học lẽ không tha/ Thẹn đèn, hổ lửa đau lòng mẹ/ Nay thét mai gầm rát cổ cha/ Ráo mép chỉ quen lời lếu láo/ Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba/ Từ nay Châu Lỗ xin siêng học/ Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong ngày hội nghị của các mẹ, bé Cẩm Thơ (8 tuổi) theo mẹ đi họp, bất ngờ được gặp Bác Hồ. Bé mừng quá nhảy múa tung tăng, quên luôn sự có mặt của mấy chú công an coi trật tự. Tuy Bác đứng trên cao nhưng bé thấy rất gần. Đó là cái nghĩa, cái hồn của tuổi thơ: Bác đứng trên cao mà em thấy rất gần/ Vì em ở trong con người của Bác. Lần đầu tiên trông thấy cây Bác trồng, thấy trái ở trên cây, ở trong túi áo và tiếng chim hót quanh vườn cây trái của Bác, bé Tùng Chi (7 tuổi) đã “xuất khẩu thành thơ”: Nụ cười Bác ở trong cây trong lá/ Cây Bác không lẫn của ai được cả/ Vì cây Bác ra hoa đầu tiên/ Và bốn mùa tiếng chim/ Hót quanh cây trái Bác. Tuổi thơ của chú bé 10 tuổi Trần Đăng Khoa là khi trời chưa sáng, chưa nhận ra mặt đất, chưa nhận ra mặt trời, nhưng nhận ra Tiếng gà của năm 1967: Ò… ó… o…/ Tiếng gà/ Tiếng gà/ Giục quả na/ Mở mắt/ Tròn xoe/ Giục hàng tre/ Đâm măng/ Nhọn hoắt. Tiếng gà gáy buổi sớm, bao nhiêu triệu, bao nhiêu vạn năm nay, ai nấy cũng đã nghe quen quá rồi, nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn phát hiện được cái mới. Tiếng gà gáy đánh tan bầu không khí nặng nề, làm cả sao trên trời chạy trốn tán loạn, và ông mặt trời nhô lên, bốn bề bát ngát. Giống như Khoa, năm lên năm tuổi, khi trùm chăn trốn trong ngực mẹ, Hoàng Dạ Thi (tức bé Lim) đã la to: Cái vú cỏ non/ Cái vú chân trời/… Hai cái vú của mẹ là hai cái chuông/ Con sờ vào/ Nó kêu kreng kreng/ Con mượn hai cái chuông vú/ Con đi bán kem.
Tiếng gà của Trần Đăng Khoa là tiếng của đất trời, của kháng chiến. Tiếng chuông vú của Hoàng Dạ Thi là tiếng chăn, tiếng vú, tiếng ngọt, đất nước sau cuộc chiến tranh. Một cuộc chiến tranh mà chỉ có tuổi thơ của Trần Đăng Khoa nhận ra ở cơn mưa với Muôn nghìn cây mía múa gươm/ Kiến hành quân đầy đường/ Lá khô gió cuốn…/ Bụi tre tần ngần gỡ tóc/ Hàng bưởi đu đưa bế lũ con đầu tròn trọc lóc. Cả trời đất nổi dậy đi đánh giặc Ông trời mặc áo giáp đen ra trận/ Sấm ghé xuống sân khanh khách cười. Trong tay má bế chạy xuống hầm tránh đạn tránh bom của phản lực, sau cái kinh hoàng, cái hỗn loạn, bé Khánh Chi (10 tuổi) nhìn thấy máu trên dòng sông phía sau TP: Có phải sông từ chân trời ra/ Xưa thóc to bằng cái đấu/ Cha ông em giữ bằng máu/ Nên sông đỏ đến bây giờ (Sông Hồng).
11 tuổi, Khánh Chi theo nhà văn Nguyên Hồng ra biển đảo đèn Hòn Dấu. Ở đây, nghe mấy chú hải quân kể chuyện tàu không số về miền Nam óc tưởng tượng lại bay bổng: Sóng như từ dưới đáy cồn lên, rồi cuộn mình, lăn tròn, duỗi ra lớp lớp không bao giờ mỏi/ Có giận ai đâu mà biển gào, gió phù phù thổi, mây thổi sáo/ Tiếng loảng xoảng va chạm của nắng và nước. Lại Tú Quỳnh, một bé gái ở TP.HCM học lớp 6 Trường THCS Phan Sào Nam cũng thường làm thơ tặng ông bà, cha mẹ, bạn bè và đứa em trai vừa chào đời. Thơ bé nghịch như con trai. Viết ngày mẹ sanh em trai, đứa bé nhỏ như núm giẻ chui ra từ đâu mà tiếng khóc như sặc nước mía. Viết những ông bạn cô bạn nhóc lần nào đến nhà đều so giày sau khi xem những trận bóng đá nảy lửa trên ti vi. Hai chiếc giày vui vẻ là bài thơ của bé Quỳnh: Hai chiếc giày chạy nhảy/ Lại ngủ/ Đầu gác vào nhau/ Một buổi sáng/ Cậu bé đá một chiếc đi nơi khác/ Sáng dậy/ Chiếc giày kia kêu bạn mãi khản cả cổ/ Hai chiếc giày lại/ Vui vẻ xếp bên nhau. Sau ngày giải phóng, TP như rộng mở hết tầm mắt, rộng mở hết tâm hồn. Trời đất giải phóng như thu vào hết trong tâm trí tuổi thơ. Trời đất cũng là con người của tuổi thơ. Người lớn của tuổi thơ. Tuổi thơ thì sẵn có hai con người, một đứa trẻ, một người lớn. Người lớn sau ngày giải phóng trong tuổi thơ như thêm được con mắt thiên nhiên, thêm được tâm hồn nhạy bén, có lúc ánh lên cảm xúc về một thời đại. Hay bài thơ của em Phan Thị Vàng Anh nói về Con gà trống để nói đến một ẩn ý sâu xa về đời, đã “dậy rồi còn dậy nữa”: Con gà trống nhà em/ Rất là hâm tỉ độ/ Gáy rồi lại gáy thêm/ Dậy rồi còn dậy nữa.
Em Phạm Sông Hồng ở Hà Nội làm thơ về chú giải phóng quân sau ngày đất nước thống nhất: Chiếc võng đu đưa như mây trời/ Suối ở Trường Sơn về trắng xóa hai đầu/ Chú ở giữa sao trên cao lấm tấm/ Giấc ngủ chú giống trẻ con mơ mộng.
Nhà thơ Trúc Chi

Bình luận (0)