Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những thất bại của tân sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tham gia khóa học kỹ năng để hội nhập và thích nghi. Bên cạnh kiến thức, việc trang bị kỹ năng mềm cũng giúp tân sinh viên làm giàu thêm “vốn liếng” để thành công trong học tập và bước vào đời

Sinh viên năm nhất có thể gặp thất bại nếu mang tư tưởng vừa học vừa chơi ngay từ đầu năm học. Nguyễn Văn Sơn (sinh viên năm 4, ngành truyền thông marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) đã có những chia sẻ thiết thực về thất bại thường thấy ở sinh viên năm nhất, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ trong suốt hơn hai tháng qua.
Theo Sơn, trong quá trình học ĐH, có những thất bại sinh viên dễ dàng nhận thấy, nhưng cũng có những sai lầm “ẩn mặt” dần dần làm thay đổi chính bản thân các bạn. Do đó, việc quen dần với thất bại là một trong những điều hết sức nguy hiểm. Bởi khi đó, các bạn dù biết nhưng cứ mặc yên trước những thất bại, không hành động và sống bằng lối sống của một người đầu hàng.
Học chơi chơi, nghỉ… xả hơi
Sơn cho rằng, thất bại đầu tiên của tân sinh viên khi bước vào môi trường ĐH chính là… nghỉ xả hơi quá nhiều, dẫn đến gặp khó khăn khi muốn quay về với nhịp độ học tập, rèn luyện cũ. Nhưng điều nguy hiểm khác là nhiều tân sinh viên từ tư tưởng sống xả hơi đã đánh mất mục đích, quên mất mình cần phải làm gì. Đồng thời, các bạn bỏ qua nhiều mối quan tâm về học tập, rèn luyện, phát triển bản thân, hậu quả trực tiếp là điểm số thấp, thiếu kỹ năng, trải nghiệm sống nghèo nàn. Sâu xa hơn, các bạn bị chậm bước so với bè bạn, đến khi muốn thay đổi lại không biết bắt đầu từ đâu.
Các thất bại khác ở sinh viên năm nhất, theo Sơn là để bản thân lạc trong mơ hồ, không làm mới mình, mất đi sự tin tưởng từ những người xung quanh cũng như tự để mất niềm tin vào những điều tốt đẹp, dễ dãi với bản thân, quen dần với sự tầm thường, ngại giao tiếp, sống khép mình, để thời gian trôi lãng phí và nghĩ rằng mình không còn cơ hội thay đổi.
Sơn dẫn chứng một câu chuyện khá thực tế, đó là nhiều sinh viên năm nhất có thể đã rất kinh ngạc và thất vọng khi nhận những con điểm xấu trong học kỳ đầu tiên. Nhưng việc thi trượt dần không làm các bạn cắn rứt sau đó, thậm chí có bạn xem nó bình thường. “Dần dần, các bạn không còn tự trách bản thân mình nữa. Nếu trước đây các bạn căm tức chính mình khi thất bại, khi không nỗ lực hết mình thì nay luôn tìm các lý do để đổ lỗi, quên đi cảm giác tự kiểm điểm, để bỏ qua…”, Sơn phân tích.
Không ngại… thất bại
Tuy nhiên, Sơn cũng thừa nhận rằng hiếm ai trên đời không trải qua những thất bại, thậm chí nhờ thất bại có thể tạo được sự bứt phá. Điều quan trọng, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại. Những sai sót ở năm nhất, sinh viên hoàn toàn có cơ hội sửa chữa và học cách làm sao cho tốt hơn.
Không chỉ có tân sinh viên mà nhiều sinh viên năm 3, năm 4 đã rất hưởng ứng những chia sẻ bỏ túi thiết thực này. “Quả thật, năm đầu tiên của mình đã trôi qua trong… phí hoài vì ngoài việc tụ tập bạn bè suốt ngày nơi quán xá, chơi game… thì mình không làm tốt được điều gì cả. Ngay cả việc học cũng bị trì trệ và “nợ” rất nhiều môn. Thời gian sau đó, mình đã phải “vắt chân lên cổ chạy” mới theo kịp tiến độ học tập và… trả nợ môn” – Triều Hải (sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM) bộc bạch. Còn Bình Tấn (sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) thì tiếc rẻ vì đã không ra trường đúng hạn do nợ môn tiếng Anh. Hiện bạn đang tích cực rèn luyện ngoại ngữ, xin làm thêm tại quán cà phê dành cho khách nước ngoài để tìm cơ hội nâng cao khả năng giao tiếp. Tấn nói: “Nếu mình nỗ lực “cày” như thế này ngay từ năm nhất thay vì quá ỷ y và lơ là thì kết quả đã khác”. Theo Tấn, mọi sinh viên có thể gặp thất bại ngay trong việc học nếu sai sót, mơ hồ ở những bước đi đầu, dù họ có từng đậu ĐH với mức điểm cao đi chăng nữa. Việc loại bỏ thất bại phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh cũng như nỗ lực của chính tân sinh viên và trong quá trình học ĐH, các bạn cũng có thể xem đây là những kinh nghiệm bổ ích bỏ túi…
Bài, ảnh: Thục Trân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)