Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những thay đổi khó tránh của thai phụ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khi  mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi lớn

Trong quá trình mang thai, cơ thể và sinh lý người phụ nữ có những thay đổi lớn. Người thân, đặc biệt là người chồng cần phải hiểu để thông cảm cũng như hỗ trợ cho thai phụ nhằm đạt được kết quả “mẹ tròn, con vuông”.
TS.BS Phan Trung Hòa – Phó khoa Sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: Trong khi mang thai, toàn bộ cơ thể người phụ nữ sẽ tham gia vào quá trình thai nghén. Tất cả những thay đổi này đều do nguyên nhân thần kinh và nội tiết gây ra.
Một số thay đổi nội tiết
Khi mang thai người phụ nữ thường nôn ói, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là hCG. Nó còn có tác dụng duy trì chức năng của hoàng thể tiết ra Progesterone; tác dụng gián tiếp lên sự phát triển cơ quan sinh dục ngoài của thai nhi nam. Nếu hCG thấp có thể gây sẩy thai, thai ngoài tử cung. Ngược lại, nếu hCG cao dẫn đến tình trạng thai trứng, đa thai. Khi thai phụ có tình trạng nôn ói quá mức cần đi khám để phát hiện thai bệnh lý… Khi mang thai, nồng độ Prolactin của người phụ nữ tăng cao có tác dụng chuẩn bị cho tuyến vú để chế tiết sữa. Prolactin trong nước ối giúp cho điều hòa chuyển hóa muối và nước của thai phụ.
Progesterone có tác dụng chuẩn bị và duy trì nội mạc tử cung để cho trứng làm tổ, làm giãn cơ tử cung và phòng tránh cơn co tử cung. Ngoài ra, Progesterone còn có tác dụng lợi tiểu. Những trường hợp xuất huyết âm đạo hoặc dọa sẩy thai, nghi ngờ do thiếu Progesterone sẽ được BS ghi toa bổ sung chất này cho thai phụ. Nếu Progesterone tăng trong thai kỳ sẽ làm tăng thời gian lưu thức ăn trong dạ dày, giảm trương lực cơ vòng, giảm nhu động ruột gây ra các triệu chứng dạ dày thực quản, kể cả hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Đối với cơ quan sinh dục thì thân tử cung thay đổi nhiều nhất. Đến cuối thai kỳ, trọng lượng tử cung có thể tăng gấp 20 lần khi không có thai. Khi thai đã lớn, tử cung sẽ có hình dạng tương ứng với tư thế thai nhi nằm bên trong như hình trứng, hình trái tim, hình bè ngang…
Những thay đổi khác
Theo TS.BS Phan Trung Hòa, hai tuần sau khi thụ tinh, vú và núm vú bắt đầu to ra, quầng vú cũng sẫm màu hơn – thường là gợi ý đầu tiên về sự có thai. Có không ít thai phụ đi sinh trên xe lăn, nguyên nhân là các khớp mu giãn quá mức. Thường thì khớp mu, khớp cùng – cụt giãn và mềm ra làm cho khung chậu dễ dàng thay đổi, rộng ra giúp cho việc sinh được dễ dàng hơn.
Nhìn phụ nữ mang thai có một vẻ đặc biệt, đó là những vết nám, nhất là ở mặt. Ngoài ra vết nám có thể ở thành bụng, ở đường trắng giữa bụng. Thành bụng giãn nở đột ngột làm da bị rạn nứt, không bao giờ chữa được. Phụ nữ khi mang thai thường đi tiểu nhiều lần, hoặc tiểu xón khi hắt hơi, ho, cười. Nguyên nhân là do tử cung đè ép vào bàng quang. Không chỉ có vậy, có nhiều trường hợp tử cung phát triển quá to chèn ép vào niệu quản gây tình trạng ứ nước tiểu. Dẫn đến viêm thận, bể thận, thậm chí bị nhiễm khuẩn ngược… Để quá trình sinh nở được an toàn cũng như hạn chế tối đa những tổn hại về sức khỏe và thẩm mỹ cho bản thân, khi mang thai phụ nữ không nên tăng quá 10kg, không ăn mặn quá, hạn chế ăn đồ biển vì dễ gây dị ứng da, làm nổi mụn, nổi cục trên da. Khi trẻ sinh ra chỉ cần nặng từ 2,8 đến 3,2kg là lý tưởng, sinh quá to người mẹ sẽ rất cực…
Trong khi mang thai, người phụ nữ dễ có những thay đổi về tâm lý. Luôn có cảm giác lo lắng, hồi hộp, sợ hãi. Càng đến gần ngày sinh, tâm lý người mẹ càng nặng nề. Ngoài ra còn có những thay đổi về giao cảm, phó giao cảm: Kém ăn, mất ngủ, buồn nôn trong các tháng đầu dễ khiến thai phụ cáu gắt, trí nhớ giảm sút.
Bài, ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)