Hướng đến giảm thiểu những rào cản trong hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong suốt 5 năm qua, Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) đã thực hiện dự án BAMI tại địa bàn 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, triển khai và nhân rộng nhiều sáng kiến hay của giáo viên góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong hoạt động giảng dạy mầm non tại địa phương.
Trẻ tham gia các hoạt động vẽ sơ đồ tư duy tại lớp
Nhằm giải quyết các rào cản về giới, ngôn ngữ và môi trường đối với việc tiếp cận giáo dục của trẻ, trong 5 năm qua, tập trung vào nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, dự án BAMI đã tập huấn cho hàng ngàn giáo viên mầm non thông qua sự hợp tác của VVOB và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thực hiện dự án. Cô Xuân Ánh (Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, tỉnh Kon Tum) chia sẻ: “Là một cán bộ quản lý, tôi cho rằng đội ngũ giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra và duy trì giáo dục chất lượng. Năm học 2018, đội ngũ giáo viên của trường nhìn chung còn yếu về năng lực, nhút nhát, thiếu kinh nghiệm và phương pháp trong giảng dạy. Tuy nhiên, sau khi tham gia các lớp tập huấn chuyên môn của VVOB và tiếp cận các phương pháp phát triển chuyên môn cho giáo viên thì chất lượng giáo viên được cải thiện hơn trước rất nhiều”.
Hoạt động tập huấn chuyên môn cho giáo viên do VVOB tổ chức
Thông qua đa dạng các hoạt động tập huấn như khai vấn, tham quan học tập…, giáo viên mầm non tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum đã trực tiếp đưa ra nhiều ý tưởng, mô hình hay và áp dụng ngay tại lớp do mình phụ trách dựa vào các phương pháp đã được học tập như: Phương pháp quan sát trẻ theo quá trình (giáo viên quan sát trẻ, suy ngẫm về việc trẻ có đang học không, và đưa ra những hành động cụ thể để giúp trẻ được học tốt hơn như trò chuyện cùng trẻ, vẽ tranh, sơ đồ tư duy…); học thông qua chơi (áp dụng các trò chơi có tương tác để tăng cường sự tham gia của trẻ, giúp trẻ học thông qua quá trình tham gia); môi trường học tập giàu ngôn ngữ (giúp trẻ học tiếng Việt tốt hơn, đặc biệt là giúp trẻ đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua rào cản ngôn ngữ khi đến trường); môi trường học tập có đáp ứng giới (giúp trẻ được là chính mình khi đến trường, không bị phân biệt hay ràng buộc bởi các khuôn mẫu giới, thúc đầy bình đẳng giới trong trường học và gia đình).
Những kết quả tích cực – những thay đổi có ý nghĩa
Sau 5 năm miệt mài với rất nhiều cố gắng, ngành giáo dục mầm non 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận. Các thay đổi được tạo ra ở từng trường, từng lớp học, ở từng giáo viên và trên từng trẻ đến trường. Cô Hồng Hạnh (Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Mầm non Hoa Hồng, tỉnh Kon Tum) cho biết, nhờ đồng hành cùng dự án BAMI mà trường đã có những kết quả rất tích cực trong công tác dạy học: “Môi trường học tập được thay đổi, phương pháp giáo dục được cải tiến lấy trẻ làm trung tâm, các rào cản trong học tập dần dần được phá bỏ, trẻ được phát triển toàn diện và hòa nhập tốt hơn, hứng thú hơn khi đến trường. Điều này cũng giúp cho giáo viên có động lực tiếp tục suy ngẫm và thử áp dụng các phương pháp, kỹ thuật khác trong việc xây dựng một môi trường học tập tốt nhất cho trẻ”.
Hội thảo trực tuyến “Từ quan sát trẻ theo quá trình đến gỡ bỏ các rào cản học tập: Hướng tiếp cận mang lại cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ mầm non”
Xuyên suốt dự án, đã có gần 3.000 giáo viên mầm non và 500 cán bộ quản lý tại 18 huyện được tập huấn chuyên môn và nâng cao năng lực trong công tác giảng dạy cũng như phát triển chuyên môn cho giáo viên do nhà trường chủ trì. Sau các đợt tập huấn, hàng trăm sáng kiến và phương pháp giáo dục tiên tiến đã được các giáo viên áp dụng và triển khai tại 196 trường mầm non với gần 43.000 trẻ (trong đó có 64% trẻ đồng bào dân tộc thiểu số) được tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả
Vừa qua, tại Hội thảo trực tuyến “Từ quan sát trẻ theo quá trình đến gỡ bỏ các rào cản học tập: Hướng tiếp cận mang lại cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ mầm non”, PGS.TS Nguyễn Bá Minh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá cao nỗ lực của VVOB, ngành giáo dục mầm non các tỉnh và các kết quả tích cực mà dự án BAMI đã mang lại, đồng thời chia sẻ về khả năng nhân rộng của dự án: “VVOB đã cống hiến cho ngành giáo dục mầm non Việt Nam những điều tuyệt vời, trong đó phải kể đến phương pháp Quan sát trẻ theo quá trình (POM). Trong thời gian tới, phương pháp này sẽ được sử dụng tại tất cả các trường mầm non trên cả nước và có kế hoạch đưa vào chương trình đào tạo ngành mầm non tại các trường cao đẳng, đại học”.
BAMI là dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” được thực hiện bởi VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ) từ năm 2017 đến nay tại 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi. TALK là dự án “Giáo viên mầm non áp dụng các kiến thức và kỹ năng giảng dạy tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ cho trẻ”, được triển khai bởi VVOB từ năm 2022 đến năm 2026. VVOB là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1982, tập trung vào lĩnh vực giáo dục. Mục tiêu chính của VVOB là cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững tại các nước đang phát triển. |
Trên cơ sở những kết quả tích cực từ dự án BAMI, VVOB sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại Việt Nam thông qua dự án “Giáo viên mầm non áp dụng các kiến thức và kỹ năng giảng dạy tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ cho trẻ (TALK)”. Đây là dự án được VVOB phối hợp triển khai cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Điện Biên, Quảng Trị và Gia Lai, để tập trung hỗ trợ các trẻ mầm non tại các huyện miền núi và có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Dương Minh Thông
* Tên giáo viên và tên trường đã được thay đổi để đảm bảo tính bảo mật.
Bình luận (0)