Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những thầy giáo nơi đảo xa

Tạp Chí Giáo Dục

Theo đuổi nghề giáo cùng nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ, thầy giáo Đoàn Văn Kiều và Lê Xuân Quyết đã có nhiều năm tháng dạy chữ cho nhiều thế hệ học trò nơi đảo xa mênh mông sóng nước của Tổ quốc.

Những thầy giáo nơi đảo xa
Thầy giáo Đoàn Văn Kiều bất ngờ được gặp bố mẹ tại Lễ tuyên dương giáo viên biển đảo trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016.

Thầy giáo Trường Sa

Là một trong ba người trẻ nhất được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016, thầy giáo Lê Xuân Quyết (SN 1990) có 4 năm giảng dạy tại trường Tiểu học Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

 Tốt nghiệp CĐ Sư phạm Nha Trang với chuyên ngành giáo viên Tiểu học, thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết có cơ hội đứng lớp tại hai trường tiểu học trong đất liền. Nhưng khi biết thông báo của Phòng GD&ĐT Vạn Ninh về việc giáo viên ngoài đảo Trường Sa còn thiếu, thầy Quyết đã viết đơn tình nguyện xin ra đảo dạy học và giấu gia đình làm các thủ tục. Đến khi Phòng GD&ĐT có quyết định cử đi, thầy Quyết mới dám báo cho mẹ.

Kể về ngày đầu ra đảo, thầy Quyết nhớ rõ hành trình 14 ngày lênh đênh trên biển và cảm giác ngả nghiêng say sóng. Để bám trụ trên đảo và dạy chữ, thầy giáo trẻ phải làm quen với thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất hạn chế. Cả trường có 9 học sinh gộp lại chung khối tiểu học và mầm non. Cùng với một thầy nữa, thầy Quyết mỗi ngày lên lớp dạy học sinh lớp 1 rồi lại quay sang lớp 4, rồi cả trò mầm non 2, 3 tuổi.

Thầy Quyết cho hay, môi trường sống ở đảo không có gì ngoài nước biển, san hô và một vài loài cây đặc thù, rất khó để các em hình dung được ruộng đồng, núi non, khung cảnh đường phố, các phương tiện giao thông… “Tôi đã tích cực triển khai thí điểm mô hình gia đình học tập, cộng đồng học tập thông qua việc vận động các gia đình học tập bổ sung văn hóa. Giáo viên cũng rất ít được học hỏi lẫn nhau vì trường chỉ có 2 giáo viên, mỗi năm chỉ được về đất liền 25 ngày nên việc tập huấn cũng chỉ diễn ra ngắn. Nguồn điện cũng hạn chế vì đảo chỉ dùng nguồn năng lượng của gió và mặt trời”, thầy Quyết chia sẻ. Điều mong muốn lớn nhất của thầy Quyết là làm sao ở đảo cả thầy và trò được tiếp cận công nghệ thông tin để tìm tài liệu, cập nhật phương pháp dạy học.

Ra đảo dạy chữ

Thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết nhận Bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT tại Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016. Ảnh: Xuân Tùng

Những ngày giữa tháng 11 này, thầy giáo Đoàn Văn Kiều – trường THCS Sơn Hải (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) trở ra Bắc và bất ngờ được gặp bố mẹ khi tham dự chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2016. 17 năm xa quê Tiền Hải, Thái Bình, gắn với nghiệp cầm phấn tại xã đảo xa miết ở Kiên Giang, thầy Kiều về thăm nhà được 4 lần. Thầy Kiều bộc bạch, mỗi lần nhớ nhà và muốn hỏi thăm sức khỏe bố mẹ chỉ qua thư từ, điện thoại. Mỗi năm thêm già yếu, nhưng bố mẹ luôn động viên để con trai yên tâm công tác. Nhiều khi bố mẹ bệnh nặng khỏi rồi, con mới biết tin.

Thầy Kiều đã lập gia đình. Vợ thầy là giáo viên, công tác tại trường Tiểu học Thuận Yên, TX Hà Tiên (Kiên Giang). Hai vợ chồng công tác ở hai huyện khác nhau, có khi mấy tuần liền mới gặp nhau được ngày thứ 7. Chủ nhật, thầy lại ra đảo với học trò. “Đã làm nghề thì phải gắn bó với nghề. Tương lai của các em học sinh ngoài đảo còn mông lung lắm, không có người chỉ dạy, hướng dẫn thì các em cũng sẽ nghỉ học hết thôi”, thầy Kiều nói.

Sơn Hải là xã đảo thuộc quần đảo Bà Lụa, cách đất liền 15km, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhiều học sinh phải sớm phụ giúp cha mẹ đi biển, đi học thất thường, bỏ học. Không ít em học lực khá, giỏi nhưng nhà nghèo quá không có điều kiện học tiếp. Tâm huyết với nghề và yêu học trò, thầy Kiều đã không ngừng cố gắng làm thêm nhiều thiết bị phục vụ công tác giảng dạy như các mô hình trực quan sinh động về động vật, hệ thần kinh, các lớp xương sống… tiết kiệm kinh phí cho nhà trường và giúp học sinh hiểu bài tốt hơn. Không ít mô hình đạt giải cao cấp huyện, tỉnh và được khen thưởng.

Thầy Kiều còn trực tiếp hướng dẫn ôn luyện học trò tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và đến nay có 4 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, một em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh thuộc bộ môn Sinh học; một giải nhì cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD&ĐT phát động…

Nói về động lực gắn bó với nghề ở xã đảo, thầy Kiều chia sẻ là chỉ cần nhìn thấy học trò lớn khôn trưởng thành mỗi ngày. Và thầy đã có những học trò cũ thành đạt, giờ đang công tác tại đảo ở cương vị chủ tịch xã, phó chủ tịch xã, bí thư xã đoàn…

Mai Xuân Tùng (TPO)

Bình luận (0)