Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những thí sinh đi qua “mùa bão”

Tạp Chí Giáo Dục

Những thí sinh đi qua “mùa bão” - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Những thí sinh đi qua “mùa bão” Audio

Mùa thi tt nghip THPT năm 2025 Đà Nng có nhng thí sinh đc bit. Hoàn cnh các em không ging s đông. Các em mang theo mình mt tui thơ mt mát, tng đi din vi ni đau khi mt cha, m vì đi dch Covid-19, hay sng gia trin núi khó khăn, điu kin hc tp còn nhiu thiếu thn. Nhưng vưt qua nghch cnh, bng ngh lc phi thưng và s ch che ca thy cô, các em đã vng vàng bưc vào phòng thi vi s t tin.

Thầy cô âm thầm tiếp sức cho học trò Cơ Tu trước kỳ thi quan trọng 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với các em học sinh Trường Nội trú Hy vọng (Hope School – Đà Nẵng) có nhiều điều đặc biệt. Sau những năm tháng sống trong vòng tay yêu thương, dạy dỗ của các thầy cô, các em lần lượt bước vào kỳ thi quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời – bước ngoặt trưởng thành.

Sáng ngày thi, Lưu Hữu Nghị cẩn thận kiểm tra từng món đồ cần mang theo: giấy tờ, thước, máy tính, bút… Tất cả được sắp gọn vào túi nhựa trong. Trong dòng thí sinh đông đúc, em nổi bật không chỉ vì lớn hơn các bạn cùng thi đến hai tuổi, mà còn vì đi cùng em gái Lưu Gia Nghi. Còn nhớ bốn năm trước, khi vừa làm giỗ đầu cho mẹ, hai anh em được các thầy cô Hope School đưa ra Đà Nẵng tìm nơi nương tựa. Cha mất vì tai biến, mẹ không qua khỏi giữa đỉnh dịch Covid-19. Cú sốc kép ấy đẩy Nghị khi ấy mới tròn 17 tuổi vào vòng xoáy mưu sinh. Nghị kể, em đã bỏ học, đi làm thuê để nuôi em gái còn dang dở lớp 9. Mỗi ngày, Nghị chạy bàn ở quán trà sữa, giữ xe cho tiệm sách, chỉ mong đủ tiền cho em ăn học. Có những tối hai anh em chỉ chia nhau gói mì qua bữa. Có những lúc nhìn bạn cũ đi học, Nghị thấy lòng nhói lên, nhưng em gạt nước mắt: “Phải có người ở lại để lo cho cả hai anh em”.

May mắn thay, dự án Trường Hy vọng, nơi đón nhận các học sinh mồ côi do Covid-19 trên khắp cả nước đã tìm thấy hai anh em. Người gõ cửa hy vọng đầu tiên là ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án. Ông Quyền trở đi trở lại nhiều lần, thuyết phục các em và người thân để Nghị và Nghi trở thành hai trong những thành viên đầu tiên của ngôi trường đặc biệt này.

Anh em song sinh Hữu Nghị và Gia Nghi ở Hope School – Đà Nẵng

“Lứa đầu tiên vào Hope từ lớp 9, giờ đã bước ra thi tốt nghiệp. Cảm xúc không chỉ là lo lắng mà còn là tự hào vì các con đã tự mình trưởng thành”, ông Quyền chia sẻ. So với năm học trước chỉ có vài học sinh dự thi, năm nay Trường Hy vọng có 21 em tham gia tại ba điểm thi khác nhau. Các em được đưa đón bằng xe riêng, có thầy cô túc trực chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ.

Những ngày cận thi, học sinh lớp 12 được ưu tiên giảm thời lượng sinh hoạt, tập trung ôn luyện. Các em khóa dưới âm thầm tiếp sức anh chị bằng hành động thay nhau giặt giũ, dọn dẹp, nấu ăn, giữ yên tĩnh… Trong hành trình ấy, mỗi em đều mang một ước mơ riêng: người muốn học y để cứu người như bố mẹ từng cần, người chọn nghề đầu bếp, người tìm về âm nhạc, báo chí, hay công nghệ. Nhưng tất cả các em đều có một điểm chung là đều chọn đứng dậy và đi tiếp, thay vì buông xuôi.

Ở một nơi khác của TP.Đà Nẵng là vùng ven Hòa Vang, ngôi trường THPT Phạm Phú Thứ vẫn giữ ánh đèn khu nội trú sáng về đêm, dù năm học đã bế giảng từ rất lâu. Sáu học sinh dân tộc Cơ Tu của trường đã trở lại ký túc xá từ ngày 21-6 để bước vào giai đoạn ôn tập cuối cùng trước kỳ thi. Trong số đó có em Lê Bá Huynh, học sinh lớp 12/7. Suốt học kỳ, Huynh chỉ kịp theo kèm một vài buổi học thêm môn toán và vật lý, phần vì điều kiện đi lại khó khăn, phần vì bận rộn việc nhà. Nhưng càng gần ngày thi, Huynh càng quyết tâm tự ôn luyện nghiêm túc hơn. “Mỗi ngày em giải một đề thi thử. Làm xong, em gửi bài lên nhóm lớp để thầy cô chấm và góp ý từng lỗi sai”, Huynh kể. Mục tiêu của Huynh là Đại học Hàng hải. Từ đầu tháng 4, sau khi thi thử do Sở GD-ĐT tổ chức, Huynh đã đặt mục tiêu cụ thể là nâng điểm hai môn chủ lực lên 7 và 8. Em không giấu áp lực, nhưng ánh mắt vẫn sáng, lấp lánh một niềm tin lặng lẽ.

Nhà trường tổ chức 3 buổi học/ngày: sáng ôn lịch sử – toán, chiều ôn địa lý, tối luyện văn. Dù chỉ có 6 học sinh ở lại nội trú, bếp ăn của trường vẫn đỏ lửa, không khoán suất ăn ra ngoài. Trong tuần cao điểm, suất ăn được nâng từ 40.000 đồng lên 80.000 đồng/ngày, nhờ cả ngân sách lẫn đóng góp tự nguyện từ giáo viên. Các thầy cô gom góp được gần 3 triệu đồng để mua thêm sữa, trái cây, bánh ngọt nhằm tiếp sức những đêm ôn bài dài đằng đẵng của các em.

Cô Mai Thị Phương Thảo – Phó Hiệu trưởng nhà trường bảo rằng, chúng tôi hiểu, với học sinh dân tộc thiểu số, mỗi kỳ thi không đơn thuần là vượt qua bài kiểm tra mà là bước qua cả khoảng cách vùng miền, cả những rào cản vô hình của nghèo đói, thiếu thốn.

Không ai chọn hoàn cảnh để sinh ra nhưng có thể chọn cách mình lớn lên. Những sĩ tử ở Hope hay tại nội trú ở Trường THPT Phạm Phú Thứ đã chọn con đường học chữ, dốc hết sức mình để hướng về phía tương lai nhiều hy vọng. Mùa thi này, có thể các em không có cha mẹ ngồi đợi ngoài cổng trường thi, không có suất luyện thi cấp tốc ở trung tâm lớn, không có chiếc smart phone tốt để tìm kiếm thông tin học tập. Nhưng các em có thầy cô luôn bên cạnh, có bạn bè sẵn sàng sẻ chia, có một cộng đồng không để các em bị bỏ lại phía sau.

Kỳ thi chỉ diễn ra vỏn vẹn trong hai ngày, nhưng với những em học sinh từng mất cả gia đình trong đại dịch, hay vượt núi băng rừng để đến trường đó là cột mốc của cả một chặng đường dài. Các em đến trường không phải chỉ để làm bài thi mà để chứng minh rằng: nỗi đau không thể đánh gục khát vọng. Từ những khoảng lặng lớn nhất, con người vẫn có thể bước ra bằng đôi chân vững chãi, mang theo niềm tin và ước mơ được viết nên tương lai tươi sáng.

Vĩnh Yên

Bình luận (0)