Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Những thí sinh vượt đại ngàn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Để có mặt tại các điểm thi, hầu hết các bạn phải vượt qua hàng trăm km đường rừng hiểm trở; vượt qua mọi mặc cảm của cuộc sống để khẳng định mình trước các thí sinh khác. Đó là bản lĩnh của những thí sinh dũng mãnh đến từ miền sơn cước của dãy Trường Sơn đại ngàn…
Hàng ngày, thí sinh Tơ Ngôl Thích luôn chăm chỉ ôn bài để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi của mình – Ảnh: Alăng Ngước
Một ngày đầu tháng 7, tiết trời xứ Huế nắng gắt như lửa thiêu. Trên tuyến đường Bà Triệu (TP Huế), tình cờ tôi gặp được các thí sinh đến từ các vùng miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai,… với những hành lý nặng nhọc đang "bơ vơ" nơi đất khách quê người.
Zơrâm Duy (dân tộc Cơtu, quê ở huyện miền núi Nam Giang, Quảng Nam) cho biết: "Từ nhà đến đây phải mất hơn 300 km! Vất vả lắm nhưng cũng phải cố gắng thôi!".Zơrâm Duy tâm sự, quê hương Duy thuộc khu vực biên giới Việt – Lào nên rất hiếm có được những học sinh đi thi ĐH.
Năm trước, cả xã LaDê quê hương Duy chỉ có mỗi mình Chrưm Thúc đi thi và đậu vào trường ĐH Kinh tế Huế. Chính Thúc đã trở thành tấm gương sáng để Duy tiếp tục phấn đấu và thực hiện những ước mơ hoài bão của mình. Năm nay, Duy cũng đang quyết tâm thi đỗ vào trường ĐH Kinh tế với ước mơ sau này sẽ phát triển và làm thay đổi được nền kinh tế lạc hậu trên chính quê hương của mình.
Trưa ngày 4-7, sau khi kết thúc buổi thi đầu tiên, chúng tôi đã đến khu KTX Tây Lộc (phường Tây Lộc, TP Huế) để tìm gặp Kpă Ynin (dân tộc Êđê, trú Buôn Ba, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). Bên trong khu KTX Tây Lộc, Ynin đang cùng các bạn trong phòng đang dò lại đáp án của môn thi Toán đầu tiên và luôn lắc đầu như chưa tự tin lắm vào bài thi của mình. Ynin cho biết: "Mình ra đây chỉ có một mình, từ nhà phải cuốc bộ đi băng qua đường rừng hơn chục Km mới tới huyện. Từ trung tâm huyện bắt ôtô về tỉnh, rồi mới tiếp tục đi đến đây (TP Huế). Mệt lắm!".
Sinh ra trong một gia đình Êđê nghèo, bố mẹ làm nông, tuổi thơ của Ynin suốt ngày theo bố mẹ lên nương rẫy. Là anh cả trong gia đình có 5 anh chị em, Ynin may mắn hơn đàn em của mình vì được đi học một cách đàng hoàng, các em của Ynin đều đã bỏ học để cùng bố mẹ lên nương rẫy, giữ đàn bò. Ynin tâm sự, nhà nghèo nên bố mẹ không có nhiều tiền cho mình đem đi thi. Mình chỉ biết tiết kiệm và luôn trân trọng những đồng tiền cao quý này với quyết tâm thi đậu vào trường ĐH Nông lâm Huế.
Khác với hai bạn Duy và Ynin, hoàn cảnh của Chrưm Thị Thủy (dân tộc Tà Riềng, trú huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) có phần bi đát và đau thương hơn. Mặc dù vậy nhưng nhiều năm học liền Thủy luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến.
Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Nam Giang heo hút, Thủy có một tuổi thơ khá bất hạnh. Người cha Thủy chưa một lần nhìn thấy mặt đã bỏ nhà đi từ khi Thủy còn tấm bé. Năm lên lớp 6, mẹ Thủy lên cơn đau nặng do rối loạn thần kinh thực vật. Hàng ngày sau những buổi học ở trường, Thủy thường tranh thủ về nhà chăm sóc mẹ. Có năm mẹ Thủy phải điều trị cả năm trời tại bệnh viện nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Mỗi lần lên cơn đau mẹ lại quằn quại, la hét… không biết gì cả.
"Có lần đang lên cơn đau mẹ đã đến ký túc xá Trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Nam Giang lấy sạch hết đồ đạc, gom hết sách vở về… bắt bỏ học. Nhiều lần mình phải chạy trốn và mượn đỡ quần áo của các bạn để lên lớp học…”. – Thủy tâm sự trong nước mắt. Ở trường học tập nhưng Thủy vẫn thấy lòng mình không yên tâm, lúc nào cũng đau đáu nhớ về mẹ, sợ mẹ ở nhà một mình buồn và không ai chăm sóc mỗi lúc lên cơn đau.
Thủy tâm sự: "Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng mình sẽ không bỏ học. Mình sẽ cố gắng Emhọc tập thật tốt để đạt được ước mơ trở thành cô giáo đem cái chữ về cho bản làng và… làm một cái gì thật có ý nghĩa để giúp mẹ…”.
Gặp gỡ các thí sinh tại các điểm thi ở Huế, chúng tôi vô cùng xúc động và khâm phục bởi ý chí và nghị lực vươn lên. Ví như Tơ Ngôl Thích (dân tộc Ve, trú Quảng Nam) đã lặn lội đường xa hàng trăm cây số để đến TP Huế đi thi. Được ở nhờ tại nhà trọ của một người chị cùng quê, thích vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Hàng ngày, bạn đều tranh thủ học bài, làm bài để chuẩn bị cho các môn thi.
Thích cho biết: "Ở vùng cao quê mình, bệnh tật xuất hiện ngày càng nhiều, phương tiện đi lại cũng như đội ngũ các y bác sĩ rất ít. Do vậy, mình quyết tâm đi thi vào ngành y dược Huế cũng là muốn giúp đỡ và chữa trị bệnh tật cho đồng bào trên quê".
Thật vậy, để đến với kỳ thi, ngoài công việc học tập chăm chỉ, các thí sinh ở vùng cao còn phải đi bộ, vượt suối đèo với chặng đường vô cùng nguy hiểm, gian nan. Những tấm gương và nghị lực ấy cũng đáng được xã hội trân trọng và ghi nhận.
ALĂNG NGƯỚC / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)