Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những “thiên thần” bị chối bỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Một phòng khám phụ khoa trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3

Nhiều ông bố, bà mẹ đang mong mỏi từng ngày từng giờ nhưng lại không có được một mụn con. Trong khi đó, không ít cặp vợ chồng chỉ vì tâm lý “trọng nam khinh nữ” mà nhẫn tâm cướp đi quyền làm người của “sinh linh bé bỏng” do chính mình tạo ra. Và một trong những thứ tiếp tay cho hiện tượng này chính là việc siêu âm giới tính.
Cấm nhưng không cản nổi
Từ năm 2006, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi đến tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập nghiêm cấm việc xác định giới tính thai nhi, đặc biệt là không siêu âm để xác định giới tính và loại bỏ thai nhi. Tuy nhiên, bằng hình thức này hay hình thức khác, hàng loạt phòng mạch sản tư nhân có siêu âm thai nhi vẫn thông báo cho sản phụ về giới tính của đứa con trong bụng mình.
Theo khảo sát của chúng tôi, hàng loạt các phòng mạch khám sản phụ khoa gần Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương trên đường Lý Thường Kiệt, Q.5 hay gần Bệnh viện Từ Dũ nằm trên đường Trần Đình Xu, Q.1 đều đăng quảng cáo dịch vụ siêu âm 3, 4 chiều.
Một bác sĩ ở phòng khám tư trên đường Lý Thường Kiệt, Q.5 cho biết: “Các cơ sở khám tư đều phải cho sản phụ biết giới tính thai nhi cả thôi. Sản phụ nào đến khám thai cũng đều hỏi chúng tôi rằng đứa trẻ họ đang mang trong bụng là trai hay gái. Nếu không được chúng tôi cung cấp thông tin về giới tính của thai nhi, chắc chắn họ sẽ đến các phòng khám khác. Vì thế, chúng tôi buộc phải chiều lòng các sản phụ”.
Trong phiếu ghi kết quả siêu âm không có mục giới tính, nhưng bác sĩ vẫn thông báo cho sản phụ qua ký hiệu hoặc nói là “giống bố”, “giống mẹ”, “mặc váy”, “mặc quần đùi”…, thậm chí nhiều cơ sở còn phóng to bộ phận sinh dục của bào thai cho sản phụ thấy. Đây là một trong nhiều cách mà các phòng khám tư luồn lách được vì không có chứng cứ cụ thể, các cơ quan chức năng cũng đành bất lực.
Nghị định 114 của Chính phủ ban hành năm 2006, áp dụng mức phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với hành vi siêu âm, xét nghiệm máu, gien, nước ối, tế bào hoặc các biện pháp khác không được pháp luật cho phép để xác định giới tính thai nhi. Thế nhưng, mức phạt này có lẽ vẫn chưa đủ sức răn đe các phòng khám tư nhân. Trong khi đó, pháp luật không thể cấm các sản phụ đi siêu âm hoặc phá thai nên nhiều “thiên thần” chưa kịp chào đời đã bị tước đi quyền được sống.
Xin chị… nhường chỗ cho em
Xã hội ngày càng tiến bộ, vai trò của người phụ nữ ở Việt Nam đã được cải thiện nhưng quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại ở không ít gia đình. Điều tra quốc gia về gia đình năm 2006 cho thấy, có 36,7% người dân trong độ tuổi 18 đến 60 được phỏng vấn cho rằng trong gia đình nhất định phải có con trai. Trong đó, có 85,7% cho biết nhất thiết phải có con trai để nối dõi tông đường, 54,2% cho biết có con trai để nương tựa lúc tuổi già và 23,4% muốn có con trai để có người làm công việc nặng và các việc lớn trong gia đình.
Trong vai là một người chở chị gái tới khám thai tại một phòng khám sản phụ khoa tư nhân nằm trên đường Lý Thường Kiệt, Q.5, tôi hiểu tường tận hơn niềm hạnh phúc và nỗi tuyệt vọng khi mang thai của người phụ nữ. Từ cánh cửa phòng khám bước ra, có người sung sướng hét toáng lên nhưng cũng không ít sản phụ mang gương mặt thẫn thờ, nước mắt giàn giụa lặng lẽ ra về.
Một người đàn ông ngồi bên cạnh tôi với gương mặt bồn chồn, lo lắng kể: “Tôi là đứa con trai độc nhất của ba đời nên cả họ đang sốt ruột chờ tôi sinh được đứa con trai nối dõi tông đường. Chúng tôi đã có hai đứa con gái rồi, nếu lần này siêu âm là gái nữa chắc phải đành xin cháu tha lỗi để nhường chỗ cho thằng em mà thôi”.
Một phụ nữ trạc tuổi 40 vừa lê chân ra khỏi phòng khám đã ôm lấy bờ vai của người thân khóc nức nở: “Là con gái, chị phải làm sao bây giờ? Nếu không bỏ thì về nhà chắc chắn vợ chồng chị cũng ly hôn. Còn nếu giết con chị sẽ day dứt suốt cuộc đời…”.
Biết bao đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã bị tước đi sinh mạng chỉ vì tâm lý “trọng nam khinh nữ” của những người lớn trong gia đình.
Bài, ảnh: Hà Xuyên

Việc chọn lựa giới tính thai nhi còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chênh lệch về giới tính tăng nhanh ở nước ta trong thời gian gần đây. Theo điều tra của Quỹ dân số Liên hiệp quốc, tỷ lệ nam nữ khi sinh của Việt Nam hiện nay là 112 nam/100 nữ, tăng lên từ tỷ lệ của năm 2006 là 100/110.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)