Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những thói quen… “chết người”

Tạp Chí Giáo Dục

Không nên có thói quen đưa trẻ lên cao như thế này. Ảnh: T.L

Có lẽ ít ông bố, bà mẹ nào nghĩ được rằng việc mình đưa võng, lắc nôi cho con ngủ quá mạnh cũng có thể dẫn đến nguy hiểm cho não bộ của con. Thậm chí dẫn đến tử vong…
“Bửu bối” để dỗ trẻ
Cứ mỗi khi bé Bun (5 tháng tuổi) khóc, chị Liên lại có thói quen lắc mạnh con. Khi ru con ngủ, chị thường đưa võng mạnh. Chị nói: “Lắc mạnh vậy bé mới chịu ngủ”. Còn chồng chị, lần nào chơi đùa với con cũng ôm bé xoay vòng vòng. Khổ một nỗi là bé Bun rất thích được ba mẹ làm như vậy.
Vợ chồng chị Liên không phải là cặp ông bố, bà mẹ duy nhất có cái thói quen này. Chẳng hạn như trường hợp vợ chồng anh Hùng – chị Huệ (nhân viên ngân hàng). Từ khi bé Hùng Anh mới sinh ra, chị Huệ đã có thói quen ôm con vào lòng và rung rung, lắc lắc. Anh Hùng chồng chị còn “bạo lực” hơn. Anh thường đưa con lên cao khỏi đầu mình và chạy vòng vòng làm máy bay.
Không phải ngẫu nhiên mà các ông bố, bà mẹ và những người chăm sóc, chơi đùa với trẻ lại có thói quen này. Trên thực tế những hành động rung lắc trẻ, thậm chí đưa trẻ lên cao rồi chạy vòng vòng đều khiến trẻ thích thú. Chính vì vậy mà nhiều người lớn lấy đó làm “bửu bối” để dỗ trẻ mỗi khi chúng khóc, không chịu nghe lời…
BS. Lâm Trọng Nghĩa, Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Vài năm gần đây, các nước phương Tây nói nhiều về “Hội chứng lắc ở trẻ em”. Theo ước tính, ở Mỹ có khoảng 1.000-1.500 trẻ bị hội chứng này mỗi năm và 25% trong số đó tử vong vì những tổn thương do hội chứng này gây ra. Đây là một hội chứng gây ra bởi tình trạng rung, lắc quá mạnh ở trẻ nhỏ…”.
Đừng để trẻ chết vì cha mẹ thiếu hiểu biết
BS. Nghĩa khẳng định, hậu quả của việc bị lắc, rung quá mạnh ở trẻ nhỏ nguy hiểm chẳng kém gì chấn thương sọ não do tai nạn xe ở người lớn. Nó có thể dẫn đến chảy máu não và mắt, cuối cùng để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài như: Mù, chậm phát triển trí tuệ, yếu liệt cơ, động kinh và nguy hiểm nhất là có thể tử vong…
“Hội chứng lắc ở trẻ em” thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 2-4 tháng tuổi. Tuy nhiên hội chứng này cũng đã được ghi nhận xảy ra ở trẻ đến 5 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này thường là do rung lắc quá mạnh nhằm dỗ cho trẻ bớt khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác đơn giản khi chơi đùa với trẻ như: Nhồi, xốc, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, ẵm trẻ đưa lên cao làm máy bay…
“Trẻ nhỏ do não còn phát triển nên luôn có một khoảng trống giữa não và hộp sọ. Không chỉ vậy, cổ của trẻ còn yếu, khó giữ vững đầu nên khi bị rung lắc nhanh và mạnh sẽ gây nên những tổn thương cho não. Trẻ có thể bị nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc. Vì vậy, các ông bố, bà mẹ và những người chăm sóc trẻ tuyệt đối không lắc trẻ kể cả khi vui đùa hay giận dữ; khi di chuyển trẻ cần giữ cổ ở tư thế cố định. Khi trẻ khóc nhiều, phải tìm nguyên nhân. Thông thường trẻ khóc là do trẻ đói hoặc no, nóng hoặc lạnh, mắc tiêu, mắc tiểu, quần áo chật, đái ướt quần, buồn ngủ, bị đau do muỗi hay kiến cắn… Khi đã kiểm tra hết mà trẻ vẫn khóc, người chăm sóc trẻ hãy đặt trẻ ở nơi an toàn, đi ra ngoài và quay lại kiểm tra sau 5-10 phút hoặc yêu cầu người khác giúp đỡ”, BS. Nguyễn Thị Minh – Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo.
BS. Minh cũng nhắc nhở các bậc làm cha, làm mẹ rằng, khóc là một hoạt động bình thường ở trẻ. Vì vậy, đừng vì thấy trẻ khóc mà có những hành động như rung lắc, đưa võng, đưa nôi quá mạnh gây nguy hiểm cho trẻ…
Anh Kim

Bình luận (0)