Không đeo kính mát vào mùa lạnh, đeo mắt kính áp tròng khi ngủ… là những yếu tố rủi ro gây hại cho mắt mà có thể bạn chưa biết, theo Shape.
Dụi mắt có thể gây hại mắt – Ảnh: Shutterstock
|
Không đeo kính mát khi mùa lạnh
Tia cực tím UV luôn có trong bất kỳ thời điểm nào trong năm, kể cả mùa lạnh hay mùa nóng.
"Ánh sáng tia cực tím có thể gây ra các khối u ác tính và ung thư biểu mô trên mí mắt. Tiếp xúc với tia cực tím làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng", ông Christopher Rapuano, Giám đốc dịch vụ giác mạc tại Bệnh viện Mắt Wills ở Philadelphia (Mỹ), nói.
Do vậy, theo lời khuyên của các bác sĩ, mang kính mát giúp ngừa 99% tia UVA và UVB, ngay cả vào những ngày mát.
Dụi mắt thường xuyên
Bác sĩ Rapuano khuyên: "Dụi hoặc chà xát mắt thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc keratoconus – giác mạc hình chóp gây ảnh hưởng thị lực. Không dùng tay chà mắt, chỉ sử dụng nước nhỏ mắt để tống bụi ra khỏi mắt".
Sử dụng nước nhỏ mắt vô tội vạ
Nhiều người có thói quen nhỏ mắt dù mắt không bị gì. Điều này đã vô tình khiến mắt bị "nghiện" nước nhỏ mắt. Hoặc mắt bị đỏ. Tự dùng thuốc nhỏ mắt không theo toa khiến mắt bị nhiễm trùng.
Mang mắt kính áp tròng lúc tắm
Những loại nước từ các vòi nước, hồ bơi hoặc nước mưa có khả năng chứa ký sinh trùng Acanthamoeba. Loại amip ăn mắt, não người có thể đi vào mắt thông qua kính áp tròng, ăn mòn giác mạc dẫn đến mù lòa. Đừng bao giờ sử dụng nước máy để rửa kính áp tròng, theo bác sĩ Thomas Steinemann – phát ngôn viên lâm sàng của Viện Nhãn khoa Mỹ.
Đeo kính áp tròng khi ngủ
Ngủ đeo kính áp tròng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng từ 5 đến 10 lần, ông Steinemann nói. Các luồng không khí giảm đi khi đeo kính áp tròng thời gian dài và làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của mắt.
Không thay kính áp tròng
Kính áp tròng đóng vai trò như một nam châm cho vi trùng và bụi bẩn. Theo thời gian, kính áp tròng sẽ bao phủ bởi vi trùng từ tay và dẫn đến nguy cơ tăng nhiễm trùng nếu không thay kính theo chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa hoặc quá thời hạn sử dụng của kính.
Ngọc Lam (NTO)
Bình luận (0)