Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những thông tin khẩn cấp về cúm A/H1N1 2009

Tạp Chí Giáo Dục

Cán bộ y tế phát khẩu trang cho học sinh tại Trường THCS Chu Văn An, Q.11. Ảnh: Công Việt

Cúm A/H1N1 2009 là một dạng bệnh cúm do một loại virus cúm A/H1N1 được phát hiện năm 2009 gây ra. Bệnh đang lan rất nhanh trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay ở nước ta dịch đã chuyển sang giai đoạn lây lan trong cộng đồng, với gần 2 ngàn ca nhiễm bệnh và 2 ca tử vong…
Cúm A/H1N1 2009 có gì khác với cúm mùa?
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng virus cấp tính, thường xảy ra vào mùa thời tiết lạnh (mùa thu, mùa đông, mùa mưa) gây ra bởi 1 trong 3 loại virus cúm được đặt tên là A, B, C. Riêng loại cúm A được chia làm nhiều phân nhóm dựa vào các protein bề mặt. Hiện tại 2 loại virus cúm A/H1N1 và A/H3N2 đang lưu hành ở người. Đặc điểm của virus cúm là bề mặt của nó thường xuyên thay đổi cho nên vắc xin chủng ngừa cũng phải thay đổi cho phù hợp.
Virus cúm đại dịch H1N1 2009 là một loại virus cúm A/H1N1 nhưng có cấu trúc bề mặt đã thay đổi (được thêm năm 2009 sau tên để phân biệt với các loại virus cúm A/H1N1 cũ) nên hiện tại chưa có vắc xin chủng ngừa.
Về mặt bệnh lý thì virus cúm A/H1N1 2009 cũng gây ra bệnh cúm với những triệu chứng cúm kinh điển như sốt cao trên 38 độ C, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, mệt lả, đau bụng, sổ mũi, thậm chí là tiêu chảy. Giống như bệnh cúm mùa, đa số người mắc cúm A/H1N1 2009 tự khỏi bệnh trong vòng 1 tuần mà không cần điều trị đặc biệt gì. Tuy nhiên cũng cần lưu ý cúm A/H1N1 2009 có thể gây ra bệnh nặng và tử vong ở những người nguy cơ cao. Cụ thể là trẻ em dưới 5 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên, người bị bệnh mạn tính – tim mạch, phổi, thận, gan, máu, đái tháo đường, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai…
Khác với cúm gia cầm do virus cúm A/H5N1 gây ra – lây chủ yếu từ gia cầm qua người, cúm A/H1N1 2009 lây từ người sang người. Khi người bị nhiễm virus cúm A/H1N1 2009 ho, hắt hơi hoặc nói chuyện sẽ làm bắn các giọt dịch tiết có chứa virus vào không khí, nếu người lành hít phải sẽ có khả năng lây bệnh. Khi các giọt dịch tiết rơi xuống và bám vào đồ vật thì virus có thể lưu lại trên đó và sống vài giờ. Người lành chạm tay vào các đồ vật này, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng thì có thể bị lây. Một điều đáng lưu tâm là virus có thể tồn tại trong dịch tiết của người bệnh 1 ngày trước khi người đó có triệu chứng cúm. Thậm chí có nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng cho nên việc lây lan có thể xảy ra một cách âm thầm…
Phòng ngừa cúm A/H1N1 2009 bằng cách nào?
Hiện tại vẫn chưa có thuốc chủng ngừa cúm A/H1N1 2009 cho nên người dân cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa không chuyên biệt.
Đối với người chưa bị bệnh thì cần mang khẩu trang đúng cách nếu có tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ, hoặc làm những công việc tiếp xúc gần (dưới 1m) với nhiều người như thu ngân, tiếp nhận hồ sơ, khám bệnh… Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc xoa tay bằng gel sát trùng, lưu ý nên hạn chế đưa tay lên vùng mắt, mũi, miệng. Thường xuyên lau các đồ dùng có thể bị vấy nhiễm virus, những nơi mà tay thường tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn phím máy tính, mặt bàn bằng các dung dịch sát khuẩn. Lau sàn nhà, hạn chế sử dụng máy điều hòa, mở thông thoáng cửa, cửa sổ để giúp thông khí tốt và đón ánh nắng.
Đối với người có triệu chứng sốt, ho: cần nghỉ học, nghỉ làm và cách ly tại nhà (ở phòng riêng). Khi đi ra ngoài và tiếp xúc với người khác thì phải mang khẩu trang. Báo cáo cho cơ sở y tế địa phương để được giúp đỡ khử trùng nơi ở cũng như hướng dẫn tự theo dõi bệnh…
Hiện nay trên thị trường có 3 loại khẩu trang thông dụng, mỗi loại có một công dụng khác nhau.
Khẩu trang N95: với những lỗ thông khí được chế tạo rất nhỏ có thể hạn chế đến 95% khả năng lọt qua của virus. Khẩu trang này có hình dáng và nẹp nhôm ở phần áp vào mũi giúp ôm sát vào mặt. Khẩu trang được dùng cho người bệnh và nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân.
Khẩu trang phẫu thuật 3 lớp: khẩu trang này gồm 3 lớp giấy đặc biệt và cũng có nẹp nhôm ở phần áp vào mũi giúp ôm sát vào mặt. Khẩu trang hạn chế được đáng kể khả năng lây nhiễm. Lưu ý phải rửa tay trước khi mang khẩu trang, khi tháo ra phải bỏ vào thùng rác y tế hoặc cho vào bao ni-lông cột lại trước khi bỏ vào thùng rác chung. Khẩu trang này có thể sử dụng cho người đã xác định nhiễm bệnh, người nghi ngờ nhiễm bệnh và người tiếp xúc với người bệnh…
Khẩu trang vải thông thường, hiện chưa có nghiên cứu khoa học đánh giá khả năng phòng ngừa. Chỉ sử dụng trong trường hợp nghi nhiễm nhưng không tìm được khẩu trang 3 lớp. Khẩu trang này phải thường xuyên được giặt, phơi khô và ủi.
BS.ThS. Trương Trọng Hoàng
(Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)