Hạn hán, xâm nhập mặn… ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường, dự án nghiên cứu “Cắt giảm khí thải từ việc đốt rơm rạ sau thu hoạch vụ Đông – Xuân” ra đời.
Nhóm sinh viên thực hiện dự án
Thay đổi nhận thức người nông dân
Dự án “Cắt giảm khí thải từ việc đốt rơm rạ sau thu hoạch vụ Đông – Xuân” được ấp ủ và thực hiện bởi một nhóm sinh viên, là những người trẻ tâm huyết với môi trường hiện đang theo học tại nhiều trường ĐH ở khu vực ĐBSCL. Đây là một trong 5 dự án được lọt vào vòng ươm tạo của chương trình Sáng kiến thủ lĩnh khí hậu Việt Nam 2019-2020, với sự đồng hành của Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường phát triển (CHANGE) – Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, UNICEF và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ – SIHUB (Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM). Giai đoạn đầu, dự án hỗ trợ nông dân thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) giảm đốt rơm rạ từ 20-30ha, thay vào đó sử dụng vào các mục đích khác để tăng thu nhập. Đặc biệt là tận dụng nguồn phụ phẩm sản xuất nông nghiệp xanh hướng đến phát triển bền vững. Trần Khánh Hào (sinh viên ngành phát triển nông thôn, Trường ĐH Cần Thơ – quản lý dự án) chia sẻ: Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đã tổ chức thành công những buổi tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức cho người dân. Đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân từ việc bán hoặc sử dụng rơm rạ để trồng nấm, ủ phân hữu cơ, làm thức ăn cho gia súc… “Kết quả thu được khi trao đổi với nông dân có thể đánh giá được các chỉ số về xã hội, tập quán, nhận thức, cũng như thông tin về tình hình sản xuất, sinh hoạt của các nông hộ tại địa phương. Thành công bước đầu của dự án là có 100% nông dân mong muốn được sử dụng phụ phẩm rơm để sản xuất nông nghiệp sạch hoặc bán cho các thương lái”, Khánh Hào cho biết.
NÔNG DÂN CẦN THAY ĐỔI ĐỂ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Đó là lời khuyên của ông Martin Gummert (chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa quốc tế – IRRI). Theo ông Martin Gummert, đốt rơm rạ sẽ làm cho đất ruộng bị khô cằn, mất nước và chất dinh dưỡng. Trong khói đốt rơm rạ có các thành phần muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2… là những tác nhân gây hiệu ứng nhà kính, làm nhiệt độ trái đất tăng cao. Tính trung bình khi đốt 7 tấn rơm rạ sẽ phát thải 9,1 tấn CO2, 798kg khí CO, 398kg các chất hữu cơ độc hại và 12kg tro bụi. Tác hại nhìn thấy trước mắt là người dân ĐBSCL đang phải gánh chịu từ biến đổi khí hậu với việc khô hạn, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, mất mùa, lũ lụt, sạt lở… Bên cạnh đó, người hít khói rơm rạ trong thời gian dài dễ mắc các bệnh nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi gây tử vong… Về mặt kinh tế, đốt rơm rạ còn là một sự lãng phí. Kết quả nghiên cứu của IRRI cho thấy, đốt 1 tấn rơm đồng nghĩa với đốt bỏ khoảng 6,5kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg cacbon… là thành phần chính cung cấp dinh dưỡng cho đồng ruộng. Việc này còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích, gây mất cân bằng sinh thái ruộng lúa, khiến sâu bệnh hoành hành. Để đối phó, người dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn cho việc phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa cao, gây hại lên sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Do vậy, đốt rơm rạ sau thu hoạch để cung cấp tro, chất dinh dưỡng cho đất là một quan niệm sai lầm cần phải thay đổi ngay.
|
Thống kê cho thấy, có 13/30 người cho rằng đốt rơm có lợi cho đồng ruộng. Việc đốt rơm rạ cung cấp lại phân bón cho đất, về mặt khoa học là sai. Sau khi được cung cấp các thông tin từ nhóm thực hiện dự án và chuyên gia – TS. Nguyễn Hồng Tín (Trưởng bộ môn Phát triển nông nghiệp, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Trường ĐH Cần Thơ), 100% người dân tham gia buổi tọa đàm đã hiểu được các tác động, tác hại của việc đốt rơm rạ sau thu hoạch. Đa số nông dân nhận thức được đốt rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường (chiếm hơn 80% số mẫu của nghiên cứu) và là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.
Hướng đến nông nghiệp sạch
Do chi phí vận chuyển còn cao, hơn nữa giá thu mua ở mức 8.000-10.000 đồng/cuộn, trong khi chi phí thu gom đã tương đương với giá bán nên hoạt động liên kết không thể thực hiện được. Từ thực tế đó, nhóm thực hiện dự án phối hợp với địa phương phát triển mô hình mẫu trồng nấm rơm, tham quan thực tế kết hợp chuyển giao kỹ thuật đến các hộ dân. Theo phân tích của nhóm, mô hình trồng nấm rơm đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao. Với giá nấm rơm hiện tại từ 40.000-45.000 đồng/kg, nếu trừ hết tất cả các chi phí ban đầu, người nông dân có thể thu lợi nhuận ròng từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Hiện nhóm đang triển khai dự án này tại An Giang. Phạm Thị Kim Cương (sinh viên năm 4 ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Cần Thơ – quản lý dự án tại An Giang) thông tin: Ở địa phương này, dự án sẽ hướng đến chuỗi giá trị nông sản cho người nông dân, đặc biệt là lúa gạo. Tương tự như tại Sóc Trăng, nhóm tổ chức những buổi tọa đàm giữa nông dân và chuyên gia nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác hạn chế tác động đến môi trường để hướng đến phát triển bền vững. “Chúng tôi đang tập trung các nguồn lực để gắn kết với mô hình trồng nấm trong nhà, không lệ thuộc vào thời tiết mà địa phương này đang liên kết với Thụy Điển để mở rộng đến với các nông hộ”, Kim Cương cho biết.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)