Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những “thủ phạm” gây hôi miệng khiến bạn bất ngờ

Tạp Chí Giáo Dục

Hôi miệng là căn bệnh phổ biến khiến nhiều người gặp khó khăn khi giao tiếp. Để chữa trị kịp thời và hiệu quả bạn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh.
Ở phần lớn các trường hợp, chứng hôi miệng có nghĩa là bạn cần vệ sinh tốt hơn nhưng đôi khi đó cũng là dấu hiệu của những bệnh nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số nguyên nhân tiềm ẩn cần xem xét:
1. Không chăm sóc răng miệng tốt
Theo một nghiên cứu năm 2012 trên tờ International Journal of Oral Science, vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân của 85% các trường hợp hôi miệng. BS tai mũi họng Marc Gibber, ở Trung tâm y khoa Montefiore, Mỹ cho biết: “Thức ăn còn sót lại trong miệng là nơi các vi khuẩn bám vào”. Vì các mầm bệnh giống như môi trường ẩm ướt, nếu bạn không vệ sinh răng miệng đúng cách, nó có thể trở thành nơi nhiễm bẩn và bắt đầu có mùi, vi khuẩn sản sinh ra các hợp chất lưu huỳnh phát ra mùi hôi như mùi trứng thối.
Đánh răng đúng cách
Để chải răng đúng, bạn giữ bàn chải nằm ngang, nghiêng một góc 45 độ so với răng, từ từ di chuyển sang hai bên trái phải. Nên chải răng 2 lần một ngày, mỗi lần 2 phút. Đối với chỉ nha khoa, điều quan trọng là nhẹ nhàng và kỹ lưỡng. Đánh răng không thể làm sạch toàn bộ bề mặt răng, do đó bạn đừng quên dùng chỉ nha khoa.
Bạn hãy đánh răng và dùng chỉ nha khoa hai lần mỗi ngày và đừng quên cạo lưỡi. Vi khuẩn phát triển khắp khoang miệng, đặc biệt trên lưỡi. Bạn có thể tìm mua dụng cụ vệ sinh lưỡi ở mọi hiệu thuốc và sử dụng mỗi khi đánh răng. Lưu ý, tránh chà quá mạnh.
2. Không uống đủ nước
Cơ thể mất nước có thể khiến bạn tiết quá ít nước bọt, đó là vấn đề, vì nước bọt làm sạch những vi khuẩn gây mùi. Theo BS Gibber, nước bọt mà chúng ta tiết ra sẽ tạo điều kiện sống cho các tế bào trong miệng, khi giảm tiết nước bọt, các tế bào sẽ bắt đầu chết đi và bốc mùi. Các nhà dinh dưỡng khuyên bạn nên uống từ 6 đến 8 cốc 250ml nước mỗi ngày. Nước trà xanh cũng tốt. Một nghiên cứu của Israel năm 2012 cho thấy các chất chống oxy hóa trong trà xanh làm thay đổi một số hợp chất lưu huỳnh trong hơi thở hôi.
Cơ thể mất nước có thể khiến bạn tiết quá ít nước bọt, đó là vấn đề
3. Mất nước vì nghẹt mũi
Người bị nghẹt mũi không thể thở bằng mũi mà phải thở bằng miệng, điều này cũng làm khô miệng. Nếu bạn bị nghẹt mũi hãy điều trị và cũng cần bổ sung nước.
4. Ăn quá nhiều thực phẩm có mùi
Cà phê, tỏi, cá, trứng, hành, đồ cay là những thực phẩm gây hôi miệng. Mùi của nó sẽ dính xung quanh miệng kể cả khi bạn đã đánh răng. Theo Viện Nha khoa tổng quát, allyl methyl sulfide trong cà phê, hành và tỏi có thể ở lại trong máu của bạn trong 72 giờ sau khi tiêu thụ.
5. Đồ ngọt
Đường rất có hại cho răng miệng. Ăn quá nhiều khiến cho vi khuẩn ở trong miệng gây hôi miệng. Nhất là những loại kẹo dính.
6. Ăn kiêng
Ăn nhiều chất đạm và ít carbs sẽ khiến cơ thể bị đốt cháy các chất béo để tạo năng lượng. Khi đó, các chất thải được thải ra ngoài qua nước tiểu và hơi thở của bạn gây mùi.
7. Thuốc lá
Những người hút thuốc thường không nhận ra rằng mùi thuốc là thường bám vào quần áo và đồ đạc, đặc biệt là hơi thở. Khi đó, khói thuốc còn làm giảm cảm giác, giảm khả năng ngửi và nếm.
Không những thế, hút thuốc làm mất nước bọt kết hợp khiến hơi thở của bạn trầm trọng hơn. Các nha sĩ khuyên biện pháp duy nhất mà bạn có thể thực hiện để giảm chứng hôi miệng là bỏ thuốc lá và chăm chỉ vệ sinh răng miệng.
8. Hơi thở vào ban đêm
Vào ban đêm, sản xuất nước bọt giảm, đó là lý do khiến nhiều người thức dậy có mùi trong hơi thở và miệng, ngay cả với những người thường xuyên đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Khi thở hoặc ngáy sẽ làm khô miệng, gây khó chịu và mùi hôi. Bạn có thể bị đau họng, khàn giọng, khó nói và nuốt thậm chí thay đổi cảm giác về vị giác.
9. Bị viêm xoang hoặc viêm amidan
Nhiễm trùng có thể gây mưng mủ trong các xoang dẫn tới mùi hôi. Hãy đến bác sĩ để được kê đơn kháng sinh. Làm sạch xoang mũi bằng nước muối cũng rất có lợi. Các nhiễm trùng amiđan hoặc các trường hợp viêm họng do khuẩn cầu chuỗi có thể dẫn tới sỏi amiđan phát ra mùi hôi. Cách điều trị tốt nhất là súc miệng nước muốivì hàm lượng muối cao tiêu diệt vi khuẩn. Cho một thìa muối vào khoảng 170ml nước ấm và súc miệng mỗi sáng trong 2 đến 3 ngày. Sau khi súc nước muối hãy ăn sữa chua chứa các vi khuẩn có lợi.
10. Bị trào ngược acid
Những người bị chứng ợ nóng, trào ngược acid dạ dày khiến hơi thở có mùi acid, chua như giấm. Nhiều người chỉ nghĩ trào ngược là ợ nóng, khó tiêu, nhưng thậm chí acid có thể trào ngược lên cả xoang mũi, tai. Dự phòng trào ngược axit bằng cách tránh các thực phẩm gây trào ngược như rượu bia, cam, quýt, quế, sô cô la.
Viêm lợi không phải nguyên nhân duy nhất gây hôi miệng.
Viêm lợi không phải nguyên nhân duy nhất gây hôi miệng.
11. Mắc bệnh nghiêm trọng như ung thư
Ở một số rất ít trường hợp, hôi miệng có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư ở mũi, tai, cổ hoặc họng. Trong trường hợp này, miệng có mùi chua gắt rất tệ. Nhưng hãy nhớ rằng vệ sinh răng miệng kém cho đến nay vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng hôi miệng, do đó không nên quá lo lắng trước khi đi kiểm tra.
12. Không nhổ răng khôn
Răng khôn là một trong những thủ phạm dẫn đến hôi miệng bởi chúng dễ giữ lại thức ăn và vi khuẩn. Hãy tham khảo ý kiến nha sĩ xem liệu bạn có cần nhổ răng khôn hay không.
13. Sâu răng
Răng bị sâu không phải lúc nào cũng gây đau đớn. Điều này khiến bạn chủ quan mà không nhận ra vi khuẩn đang ăn mòn răng và giải phóng mùi lưu huỳnh. Lời khuyên cho bạn là hãy chăm chỉ đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần.
14. Sử dụng thuốc
Thuốc huyết áp, chống trầm cảm và kháng histaminecó thể gây tác dụng phụ là khô miệng, khiến nước bọt không đủ để làm sạch khoang miệng. Kết quả là hơi thở trở nên khó chịu.
Nếu đang sử dụng các loại thuốc trên, bạn nên bổ sung nước và nhai kẹo cao su chứa xylitol.
15. Uống rượu
Rượu, bia là đồ uống làm khô miệng, nhất là những loại rượu chứa đường còn là môi trường lí tưởng để vi khuẩn phát triển.
Trong trường hợp này, bạn có thể ăn kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường để kích thích sản xuất nước bọt. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên uống nước, chăm sóc răng miệng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)