Mọi người thường bảo quản tất cả thực phẩm vào trong tủ lạnh. Tuy nhiên, một số loại như tỏi, hành tây hay húng quế lại nhanh hỏng hơn, thậm chí gây hại cho sức khỏe khi để lạnh.
Chuối: Theo Healthshots, chuối là trái cây nhiệt đới nên không cần thiết phải bảo quản môi trường lạnh. Chuối nên để ở nhiệt độ phòng vì 2 lý do: nhiệt độ ấm giúp quả chín; ánh sáng, không khí làm chậm quá trình thối rữa. Nhiệt độ lạnh của tủ lạnh phá vỡ thành tế bào của vỏ chuối, nhanh chóng chuyển sang màu nâu và tăng tốc độ hỏng.
Mật ong: Thực phẩm này có thời hạn sử dụng lâu và không bị hỏng ở nhiệt độ phòng. Bảo quản mật ong trong tủ lạnh sẽ làm mật ong kết tinh và khó lấy ra khỏi lọ. Tốt nhất là bạn nên đặt lọ mật ong trên kệ tối mát mẻ.
Tỏi: Nhiệt độ dưới 4,4 độ C sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của mầm xanh từ tỏi, thậm chí phát triển nấm mốc gây hại cho sức khỏe khi ăn. Làm lạnh cũng khiến phần thịt tỏi mềm khá nhanh và biến dạng. Vì thế, bạn nên bảo quản tỏi nguyên củ và tép chưa bóc vỏ trong hộp đựng thoáng mát, khô ráo và thoáng mát. Cách này có thể giữ tỏi trong 2-3 tháng. Khi đã bóc tỏi, bạn nên sử dụng chúng trong vòng 10 ngày.
Thảo mộc tươi: Các loại thảo mộc tươi rất khó giữ tươi là do chúng được bảo quản không đúng cách. Húng quế, húng tây, hương thảo và các loại thảo mộc khác sẽ mất hương vị và bị khô khi để trong tủ lạnh. Ngoài ra, các loại rau này cũng hấp thụ mùi của tất cả thực phẩm xung quanh. Nếu muốn bảo quản tốt hơn, bạn nên đặt chúng trên mặt bàn, tránh ánh nắng trực tiếp, trong một chiếc cốc nhỏ với thân cây ngập trong nước ở nhiệt độ phòng.
Dầu: Bất kỳ loại dầu nào, dù là dầu thực vật, dầu dừa, dầu ô liu hay loại dầu ăn khác, sẽ nhanh chóng cứng lại khi để trong tủ lạnh. Sẽ tốt hơn nếu bạn để chúng trong nhà bếp trên một chiếc kệ tối và mát. Dầu làm từ hạt là loại dầu duy nhất có thể bảo quản lạnh.
Cà chua: Nhiệt độ thấp của tủ lạnh khiến cà chua trở nên xỉn màu và bở. Cà chua cũng bị mất đi mùi vị, hương vị thay đổi theo chiều hướng xấu và giảm độ thơm ngon. Bảo quản trên quầy bếp, những quả chưa chín có thể để trên bệ cửa sổ. Nếu chúng bắt đầu có dấu hiệu quá chín, bạn có thể tận dụng làm mứt hoặc nước sốt.
Khoai tây: Nhiệt độ lạnh sẽ phá vỡ các kết cấu tinh bột trong khoai tây, chuyển thành đường khiến nó cứng, thay đổi hương vị, không ngon cho dù chế biến như thế nào. Tốt nhất bạn nên bảo quản khoai tây trong hộp thông gió, chẳng hạn hộp bìa cứng hoặc túi giấy mở. Lưu ý là không để khoai tây dưới ánh sáng trực tiếp để tránh nảy mầm.
Hành tây: Độ ẩm của tủ lạnh khiến hành tay bị ẩm mốc và mềm nhũn. Tránh ánh nắng trực tiếp và sau khi cắt ra, hãy bọc hành tây trong túi có khóa kín đặt ở ngăn đựng rau. Hành tây đã cắt bảo quản trong hộp kín có thể sử dụng khoảng 2-3 ngày, nhưng tốt nhất là bạn để nguyên cả củ ở nơi mát và khô ráo, không để trong túi nhựa. Đặc biệt, không để hành tây gần khoai tây vì khiến cả 2 cùng nhanh hỏng hơn.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)