Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những thực phẩm “vô thưởng nhưng không vô phạt”

Tạp Chí Giáo Dục

Không có loại đồ ăn nào hoàn toàn xấu. Dẫu vậy, việc một số thực phẩm không mang lại lợi ích cho cơ thể, hay còn gọi là “calo rỗng”, có thể vô tình gây ra tác hại với sức khỏe.
Thực phẩm “calo rỗng”
Một thực tế khá đáng buồn là những món ăn tiện, nhanh và ngon theo góc nhìn của nhiều người trẻ hiện nay, tương tự của H., đa phần thuộc nhóm chứa “calo rỗng”.
Trong đó, calo là đơn vị tính toán năng lượng trong các loại thực phẩm. Chúng đề cập đến năng lượng cơ thể sử dụng cho những hoạt động chuyển hóa cơ bản như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa,… và hoạt động thể chất.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Hà Phương, Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, định nghĩa: “Các thực phẩm được coi là calo rỗng khi chúng chỉ cung cấp năng lượng, chứa ít hoặc không có vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể”.
Đồ ăn nhanh
Không khó để nhận thấy sự xuất hiện của khoai tây chiên, nước ngọt trong các "combo" đồ ăn nhanh.
Đây cũng là nguyên nhân việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm này sẽ gây ra dư thừa cân nặng nhưng thiếu hụt các vitamin và khoáng chất.
Theo bác sĩ Phương, calo rỗng thường đến từ các loại đồ uống có đường, thực phẩm đã chế biến, siêu chế biến, thức ăn nhanh.
Thành phần của các thực phẩm này thường gồm nhiều đường tự do, chất béo xấu, cung cấp nhiều năng lượng nhưng thiếu chất xơ, chất béo tốt và lượng chất đạm cần thiết cho quá trình tạo hình, phát triển, đáp ứng miễn dịch cũng như các hoạt động chuyển hóa của cơ thể.
Trước đó, nhiều nghiên cứu đã cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường với tần suất từ một lon trở lên/ngày có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan hệ xương răng, béo phì, đái tháo đường, tim mạch và rối loạn chuyển hóa khác,…
“Tiêu thụ đồ uống có đường là một trong những yếu tố chính gây ra tình trạng béo phì ngày càng tăng. Sử dụng đồ uống có đường khiến chúng ta không có cảm giác no như ăn thực phẩm cùng lượng calo. Điều này khiến số lượng sử dụng thường nhiều và khó kiểm soát”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những thực phẩm chế biến, siêu chế biến, thức ăn nhanh có xu hướng chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, giàu năng lượng, chất bảo quản và các thành phần đã qua chế biến.
“Khi ăn các thực phẩm này, ngay lập tức, chúng sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, huyết áp cũng như làm tăng tình trạng viêm, khiến cơ thể không nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Về lâu dài, chế độ ăn nhiều sản phẩm này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, miễn dịch, viêm nhiễm, sức khỏe tim mạch, béo phì,…”, bà cảnh báo.
Để nhận biết các loại thực phẩm chứa calo rỗng, vị chuyên gia cho rằng người dân cần chú ý đọc nhãn dinh dưỡng và tìm thông tin về đường, đường bổ sung, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, natri cũng như năng lượng của chúng.
Bác sĩ Phương đưa ra một số ví dụ về thực phẩm chứa calo rỗng gồm:
Thực phẩm chứa calo rỗng
Giảm cơ hội tiêu thụ những thực phẩm cung cấp dinh dưỡng thiết yếu
Bác sĩ Ngô Thị Hà Phương nhận định: “Khi tiêu thụ những thực phẩm chứa calo rỗng, về cơ bản, chúng ta vẫn nhận được năng lượng để duy trì các hoạt động chuyển hóa và hoạt động thể lực. Tuy nhiên, cơ thể sẽ thiếu những chất dinh dưỡng cơ bản cho quá trình tạo hình và phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng ở trẻ em”.
Vai trò của thực phẩm là cung cấp các chất dinh dưỡng nhằm giúp cơ thể phát triển, hoạt động bình thường và khỏe mạnh. Không chỉ cung cấp năng lượng cho hoạt động, quá trình tăng trưởng và chức năng như thở, tiêu hóa, tạo nhiệt,… các chất dinh dưỡng này còn là nguyên liệu cho sự phát triển, chữa lành cho cơ thể, duy trì hệ thống miễn dịch.
Việc ăn nhiều các thực phẩm chứa calo rỗng làm giảm cơ hội nạp dinh dưỡng thiết yếu.
Việc ăn nhiều các thực phẩm chứa calo rỗng làm giảm cơ hội nạp dinh dưỡng thiết yếu.
Cụ thể, chúng gồm 3 chất dinh dưỡng đa lượng là carbohydrate (chất bột đường gồm tinh bột, đường, chất xơ), lipid (chất béo) và protein (chất đạm). Mỗi chất sẽ có vai trò riêng.
Đường tự do (thuộc nhóm chất bột đường) và một số chất béo no, chất béo chuyển hóa (thuộc nhóm chất béo) là thành phần chính của các thực phẩm chứa calo rỗng, có vai trò cung cấp năng lượng.
Khi tiêu thụ nhiều các thực phẩm chứa calo rỗng, cơ thể sẽ chủ yếu được cung cấp năng lượng nhưng rất ít chất dinh dưỡng khác như chất xơ, axit béo không no, chất đạm cần thiết.
“Ngoài ra, thực phẩm chứa calo rỗng cung cấp lượng năng lượng cao, cùng với đó là các chất béo khó tiêu hóa. Bởi vậy, chúng sẽ làm người ăn, nhất là trẻ em, không còn nhu cầu ăn thêm các thực phẩm khác”, bác sĩ Phương lưu ý.
Trong trường hợp này, các nhu cầu về vitamin và chất khoáng, chất đạm, chất béo tốt sẽ không được đáp ứng đủ, dẫn đến cơ thể trẻ – đang ở quá trình trưởng thành – không được cung cấp các nguyên liệu cho phát triển tối ưu cả về thể chất và tinh thần.
Thay thế
Bác sĩ Phương cho hay đối lập với calo rỗng là những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Chúng chứa calo và kèm theo hàm lượng cao các chất dinh dưỡng thiết yếu.
Với trẻ em, vị chuyên gia khuyến cáo nên tránh chất béo chuyển hóa và hạn chế chất béo bão hòa. Tuy nhiên, những chất béo có lợi cho tim như ở một số loại hạt, quả bơ sẽ giúp tạo cảm giác no lâu và giảm sự thèm ăn.
“Các thực phẩm calo rỗng thường là những món ăn vặt, được dùng vào bữa phụ. Bởi vậy, chúng ta cần đảm bảo bữa chính được cung cấp đủ năng lượng và cân đối các chất dinh dưỡng”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Bà cũng cho rằng chúng ta nên chú ý lựa chọn các loại chất đạm và chất béo tốt. Ăn đủ chất đạm mang lại cảm thấy no. Do đó, chúng ta nên bổ sung vào chế độ ăn các nguồn chất đạm lành mạnh như cá, đậu, rau, các loại hạt,…
Ngoài ra, bác sĩ Phương nhấn mạnh mọi người cần tăng cường các trái cây. Trái cây có đường nhưng cũng chứa rất nhiều vitamin, chất chống oxy hóa, nước và chất xơ.
Vị chuyên gia giải thích: “Chất xơ giúp làm chậm và cân bằng các yếu tố tác động đến lượng đường trong máu. Vị ngọt của trái cây có thể thay thế đồ uống có đường và các thực phẩm chế biến khác. Cũng từ lý do này, chúng ta nên dùng trái cây nguyên quả thay vì các loại nước ép để tăng cường chất xơ thực vật”.
NT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)