Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những “tiểu xảo” khi làm sách…

Tạp Chí Giáo Dục

Khoảng năm 1992-1993, có anh bạn rủ tôi cùng viết sách bài tập Tiếng Việt cho cấp tiểu học và cấp THCS. Tôi nói rằng làm sao mà tiêu thụ, hơn nữa sách của các tác giả khác đầy các hiệu sách… Anh cười và nói nhỏ với tôi rằng: “Bây giờ (tức thập niên 90 của thế kỷ XX); phần thì học sinh làm biếng, phần thì “tiện lợi” nên người ta in luôn phần bài tập, làm thẳng vô sách luôn. Như vậy là mỗi năm các em đều phải mua cuốn mới, vì cuốn cũ cho lại cũng không ai xài được!”.

Suy đi nghĩ lại, tôi thấy chung tay viết sách bài tập cũng có thể làm được; khâu bán sách đã có công ty sách lo “đầu ra”… Rồi hàng năm, sách bài tập, luyện viết đều… tái bản, mình cũng có thể có một số tiền! Nhưng tôi suy nghĩ kỹ và không cho phép lương tâm mình làm như vậy được, vì nó không đúng với lương tâm nhà giáo! Làm sách giáo dục mà chơi trò “độc chiêu”, chơi màn “tiểu xảo” để bán sách kiếm lợi nhuận là một việc làm phản giáo dục, phản khoa học!

Cha mẹ nào mà không thương con? Cha mẹ nào mà cò kè, trả giá khi mua bộ sách giáo khoa (SGK) cho con? Họ có thể nhịn ăn nhịn mặc; chịu biết bao cay đắng; đổ mồ hôi và nước mắt làm ra đồng tiền để mua SGK! Vì ai cũng tin ngành giáo dục (hầu như có niềm tin tuyệt đối) là ngành “trồng người” không bao giờ gian dối nên luôn vui vẻ, không nề hà mua SGK cho con cháu.

“Chiêu độc” cho học sinh làm thẳng bài tập vào sách; đóng trọn bộ SGK cùng sách bài tập để “bán bia kèm lạc” và chiêu độc quyền khép kín in và bán SGK đã khiến cho người dân nhiều phen khốn đốn! Mua sách rồi có khi không sử dụng được; rồi chưa kể các loại sách tham khảo, sách tăng cường, sách nâng cao, sách bổ trợ… đã làm cho mọi người quay cuồng trong mê hồn trận sách trong nhà trường!

Người làm nghề giáo dục phải là những người giàu tâm huyết với nghề; giàu lương tâm, giàu lòng tự trọng… Nếu dùng “tiểu xảo, kỹ xảo” trong việc làm sách, bán sách như hiện nay để ăn đồng tiền mồ hôi, nước mắt của đông đảo người lao động là một việc làm trái với đạo nghĩa!

“Tiểu xảo, kỹ xảo” dù tinh vi đến mấy nhưng vẫn bị người dân phát hiện và đưa ra công luận! Cuộc sống vốn công bằng, ai là người đức độ, đóng góp cho ngành giáo dục; ai là những kẻ lợi ích nhóm, ăn hốt đồng tiền trên nỗi khổ người dân… thì sớm muộn gì cũng bị vạch mặt!

Hng Lam Sơn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)