Khi chiêu bài nhắn tin trúng thưởng để lừa gạt không còn tác dụng, hình thức lừa đảo qua mạng xã hội mới đây là chiếm đoạt tài khoản (nick) người dùng để lừa những người trong danh sách bạn bè.
Chị V. T. H. Y, ngụ tại quận 5, TP.HCM vẫn chưa thể định thần vì trang cá nhân facebook của chị bị tin tặc chiếm quyền. Ngay sau đó, toàn bộ bạn bè của trong danh sách facebook của chị Y. đều nhận được tin nhắn từ nick của chị thông báo trúng thưởng từ… tập đoàn Facebook.
Tin nhắn này cung cấp mã trúng thưởng cùng hàng loạt các phần quà hấp dẫn như xe máy Honda SH, phiếu quà tặng 300 triệu đồng… Cuối tin nhắn, những kẻ giả mạo gửi yêu cầu truy cập vào một website, kèm theo link và yêu cầu người nhận không tiết lộ mã trúng thưởng cho bất cứ ai.
Trong số những người kết bạn với Y trên facebook, chị N.T.H, trú tại quận Thủ Đức trở thành nạn nhân. Chị H kể, do biết chị Y. làm trong lĩnh vực ngân hàng, cũng có uy tín nên chị rất tin tưởng.
Khi thấy chị Y. gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng, dù có chút nghi ngờ, đề phòng nhưng khi nhắn tin hỏi lại thì được chị Y (lúc này đã bị kẻ gian chiếm đoạt) xác nhận nội dung trúng thưởng đó là thật. H từng nghe, người nhà chị Y từng trúng thưởng nên chị thao tác theo hướng dẫn trong tin nhắn.
Trước đây tin nhắn thông báo trúng thưởng từ Messenger, nay đối tượng giả mạo chủ tài khoản facebook gửi cho bạn bè
Trên website mà những kẻ lừa đảo gửi tới nạn nhân có khá nhiều hình ảnh khách hàng khác nhận thưởng. Website thuộc công ty TNHH thương mại dịch vụ trực tuyến Việt Nam Facebook Messenger kèm giấy phép hoạt động càng khiến nạn nhân tin tưởng.
Điền xong thông tin, chị H còn nhận được điện thoại từ người tự xưng là nhân viên hỗ trợ khách hàng của Facebook yêu cầu chị đề nghị tôi đóng phí 10 triệu đồng làm hồ sơ, sau khi hoàn tất thủ tục, số tiền 300 triệu đồng sẽ vào tài khoản của chị và sẽ có giấy hẹn lên ngày lấy xe.
Nhân viên này còn cung cấp tên tuổi, kèm hình chụp chứng minh nhân dân là Nguyễn Đình Tuấn, CMND 20147… Chị H chỉ nhận ra mình bị lừa khi vừa chuyển tiền xong, thấy chị Y. dùng một tài khoản facebook khác thông báo là tài khoản cũ bị hack.
Nhiều bạn bè khác của chị Y còn được chỉ dẫn đến những web đen độc hại hay hỏi vay tiền…
Chị S. một nạn nhân trong vụ lừa đảo quan tin nhắn này cho biết, khi được hỏi vay tiền, chị gọi ngay trên messenger để xác thực thì Y. không bắt máy với đang họp cổ đông ngân hàng. “Y” nhắn lại nói lý do rất hoàn cảnh là “mẹ bị té xe, Y đang làm việc nên không thể chuyển tiền cho em gái đóng tiền viện phí cho mẹ…”.
Những dữ liệu mà những kẻ lừa đảo nhập vai khá hoàn hảo đã thuyết phục được chị S chuyển tiền cho mượn tới 2 lần, mỗi lần 5 triệu đồng. Chỉ khi kẻ gian hỏi vay lần thứ 3, chị mới nghi ngờ và hỏi được số di động của chị Y gọi xác nhận mới vỡ lẽ bị lừa.
Website trúng thưởng xuất hiện hình ảnh người nhận quà nên làm nạn nhân tin tưởng
Hình thức lừa đảo cách đây chưa lâu cũng xuất hiện tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An khi một gia đình có người con gái đang làm việc tại Nhật Bản bị mất tài khoản facebook. Kẻ gian đã nhắn tin về cho người thân trong gia đình nhờ chuyển 32 triệu đồng vào một tài khoản lạ.
Người nhà gọi video với mục đích nhìn mặt con xác thực thông tin, nhưng video vừa bật đã tắt với lý do “con đang làm, tối về con gọi cho mẹ. Đó là số tài khoản của bạn con, mẹ cứ chuyển, ít hôm nữa con gửi về cho mẹ 50 triệu đồng…”. Người nhà chỉ nhận ra bị lừa gạt khi kẻ gian tiếp tục yêu cầu chuyển gần 60 triệu nữa nên đã gọi điện trực tiếp cho con gái để xác minh.
Địa chỉ trang website mới đọc vào nghĩ là thật nhưng lại là địa chỉ ảo
Nhiều bạn đọc phản ánh đến báo Phụ Nữ TP.HCM, phương thức lừa đảo giả mạo mượn tiền không chỉ xảy ra trên facebook mà hiện còn xảy trên mạng xã hội Zalo và đã rất nhiều người “sập bẫy”.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan này cũng nhận được nhiều phản ánh từ người tiêu dùng về việc nhận được thông báo trúng thưởng giá trị lớn như xe máy SH, điện thoại iPhone hay số tiền trị giá hàng trăm triệu đồng; nhận được tin nhắn mượn tiền qua Facebook và zalo. Trong đó không ít người dân vẫn "sập bẫy" những kẻ lừa đảo.
Cục ra khuyến cáo, người tiêu dùng nên cảnh giác với những thông báo trúng thưởng giá trị cao khi trước đó không tham gia bất kỳ chương trình quay số trúng thưởng nào.
“Trường hợp tiếp nhận các thông báo trúng thưởng như trên, người tiêu dùng cần tham khảo thông tin kỹ, từ nhiều nguồn không tiến hành giao nộp tiền cho đối tượng thông qua các hình thức nạp thẻ cào, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng” – Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo.
Hack tài khoản rồi giả mạo nạn nhân mượn tiền không chỉ xảy ra trên facebook mà cả Zalo, nhiều người phải đăng đàn cảnh báo
Theo công ty công nghệ Việt Nam (VNG), đối tượng lừa đảo ngày càng biến tướng và tinh vi, người dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách không tải những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh hacker thâm nhập, bẻ khóa và chiếm đoạt tài khoản cá nhân.
Người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin đời tư của mình trên internet vì đó sẽ là con dao hai lưỡi, giúp kẻ gian có thể nắm bắt thông tin và trục lợi bất cứ lúc nào. Cạnh đó nên khi thấy có những tin nhắn xin giúp đỡ mượn tiền, nạp card điện thoại, chuyển khoản hộ… thì hãy liên hệ đến số di động trực tiếp để xác nhận xem có ai mạo danh hay không.
Theo Hoa Lài/PNO
Bình luận (0)