Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những tộc người từ ngày có Đảng

Tạp Chí Giáo Dục

Người A Rem (Bố Trạch), anh em Rục hay đồng bào Khùa ở rẻo cao Minh Hóa, hoặc người Mã Liềng ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) kể, từ ngày có Đảng cuộc sống họ đổi đời. Họ được những đồng chí đảng viên là bộ đội biên phòng dìu dắt ra khỏi hang đá tăm tối, dựng nhà, chăm sóc sức khỏe, thoát nguy cơ tuyệt chủng. Từ ngày có Đảng, anh em A Rem, Rục, Khùa, Mã Liềng… được phát triển mọi mặt và từ chỗ không có ai là đảng viên trong cộng đồng này thì nay tổ chức Đảng ở đây đã phát triển mạnh mẽ.

Từ những hạt mầm

Bản A Rem ở xã Tân Trạch nằm sâu trong rừng mưa nhiệt đới Kẻ Bàng, nay đã đổi thay khang trang. Bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Chí Sĩ cầm tay tôi lắc lắc: “Các quyết định sáng suốt của Đảng về định canh, định cư, sự giúp đỡ chí tình của Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã giúp người A Rem ổn định cuộc sống. 42 căn nhà được nhân dân TP Hồ Chí Minh xây tặng từ năm 2004 là minh chứng cho điều đó, góp phần để đồng bào bám bản, bám làng, xây dựng cuộc sống ấm no hơn”.

Đồng bào Rục được bộ đội hướng dẫn trồng lúa nước.

“Năm 1956, các đảng viên của bộ đội biên phòng trong một lần tuần tra biên giới phát hiện một tộc người sống trong hang đá; bản chất rụt rè, họ ẩn sâu trong hang Bồng Cù, So Đũa. Số lượng chỉ 18 người ăn lông, ở lỗ, có nguy cơ biến mất. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng kiên trì bằng những hành động thân thiện, rồi chủ động giao tiếp. Từng ngày, từng tháng, từng năm rồi người A Rem dần hiểu sự tốt bụng của bộ đội biên phòng. Đầu tiên bộ đội tặng áo, rồi cắt tóc, tắm giặt bằng xà phòng, nói chuyện qua phiên dịch bản địa. Đến năm 1982, các đảng viên của huyện cùng bộ đội dựng nhà dọc đường 20 – Quyết Thắng đón bà con ra ở. Nhưng năm 1992, do bệnh tật, một đêm cả bản lại bỏ vào hang đá. Sáng ra mọi người tìm kiếm mãi mới biết. Người của Đảng lại vạch rừng tìm kiếm đồng bào trong vùng So Đũa. Các đảng viên của đồn biên phòng Cà Roòng 589 cắt cử từng tổ đến ở với đồng bào, chia thuốc chữa bệnh, quần áo, gạo, bắp, chăn màn. Cùng ăn cùng ở như thế, thuyết phục bằng tình cảm và cuối cùng đồng bào A Rem về lại bản” – ông Nguyễn Chí Sĩ tâm sự.

Lật giở sổ tay xây dựng Đảng của xã Tân Trạch, ông Sĩ thông báo: “Từ chỗ chỉ còn 18 người, ngày nay đồng bào A Rem, đã phát triển lên 347 nhân khẩu. Từ chỗ không có đảng viên trong tộc người A Rem, đến năm 2010 các sĩ quan biên phòng, cán bộ dưới xuôi lên đã xây dựng những hạt mầm đầu tiên được 10 đảng viên. Và đến nay người A Rem đã có 24 đảng viên. Tính cả đảng viên người Vân Kiều ở bản Đoòng thì xã Tân Trạch đang chuẩn bị được cấp trên thành lập Đảng bộ xã, 24 đảng viên người A Rem sẽ thành lập chi bộ”. Ngày nay, mỗi lần sinh hoạt Đảng, những hạt mầm đỏ như Đinh Đu, Chủ tịch Hội nông dân xã, hay Đinh Rầu đảng viên cốt cán xã… đều góp ý phải làm sao dân bản có thêm đất sản xuất, đảm bảo thuốc men chữa bệnh, phải xây dựng tính siêng năng lao động cho dân bản, ăn ở phải hợp vệ sinh, con em phải được chăm lo học hành tốt hơn nữa…

Đưa lúa nước lên non

Sâu trong lòng núi Cà Xen là đồng bào Rục ở Thượng Hóa (Minh Hóa) đang có phương thức canh tác mới: lúa nước. Ông Cao Tiến Thuỳnh, đảng viên người Rục nói: “Công lao lớn nhất là người của Đảng ở đồn biên phòng Cà Xèng 585”. Cũng như người anh em A Rem, đồng bào Rục sót lại trong hang còn ít người, bộ đội biên phòng đưa ra định canh định cư và dựng nhà, hướng dẫn lao động làm rẫy. Rồi một hôm, cũng người của Đảng mời bà con đến hội trường đả thông tư tưởng, điều mà ngàn vạn năm ở hang đá, đồng bào Rục chưa thể biết đến: lúa nước. Một phương thức canh tác mới được đưa ra. Người Rục nghe thấy thích tai. Già Cao Tíu ở bán Mò o ồ ồ kể: “Cái rẫy trên núi phát trỉa rộng mênh mông mà hạt gạo thu về ít lắm. Thấy cái lúa nước bộ đội làm nhỏ hơn cái rẫy của mình mà gạo lúa đưa về nhiều vô kể. Lúa rẫy của mình làm ra phải “chia” cho bọn chim, chuột rừng, heo rừng, bọn khỉ cũng về dành phần. Cái lúa nước thì có người cắt cử phân công bảo vệ, bọn chúng chẳng dám. Nhìn gạo lúa nước, nấu ra nó nhiều hơn gạo lúa rẫy, ăn thoải mái. Người của Đảng đưa lúa nước lên, dân mình ưng bụng vô cùng”.

Ngày nay ở ba bản của đồng bào Rục, đã khai lập 10ha lúa nước, bà con được phân công, phân nhiệm lao động và đã có 8 vụ mùa bội thu. Ông Cao Tiến Thuỳnh khoe: “Nhờ người của Đảng mà mình biết cái liềm, cái cày, biết máy tuốt lúa, đồng bào mình biết bón phân cho ruộng như thế nào, dặm tỉa lúa ra làm sao. Xưa ở trong hang đá không biết thứ này. Bây giờ đồng bào mình chủ động làm ruộng thạo như cán bộ truyền nghề, nhà mình có 4 sào lúa nước, mỗi vụ thu cả tấn lúa, thiệt là ơn người của Đảng chăm lo cho dân bản mình có tương lai bằng lao động”. Thế nên, ông Cao Xuân Biên, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Thương Hóa phát biểu: “Tin tưởng vào Đảng nên hiện nay địa phương đã thu hút, phát triển đảng viên với đồng bào Rục lên 14 người. Có ba bản thì bản nào cũng đã xây dựng được chi bộ và các buổi sinh hoạt, đảng viên người Rục luôn có ý kiến rất xác đáng để phát triển đời sống tốt hơn nữa”.

Đảng viên người Mã Liềng

Ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, lần đầu tiên một người Mã Liềng được nhân dân huyện nhà bầu trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân huyện. Đó là đảng viên Phạm Thị Lâm, trưởng bản Cáo phía xa tít trên xã miền núi Lâm Hóa. Khi nhắc đến chị Lâm, cán bộ huyện, xã đều nhận xét đó là đảng viên người Mã Liềng mẫu mực. Toàn tỉnh Quảng Bình có hai người làm trưởng bản thì Phạm Thị Lâm là trưởng bản được đi dự báo cáo điển hình. Bản của chị có 23 hộ với 108 nhân khẩu. Người Mã Liềng của chị, trước đây nghèo lắm, lại sống du canh, du cư. Khi tiếp xúc với cán bộ, chị Phạm Thị Lâm đã xung phong động viên dân bản định canh, định cư. Có hộ ra định cư rồi lại bỏ vô rừng, chị Lâm lại vạch rừng động viên trở lại. Gia đình chị cũng khó khăn, nhưng bất cứ ai trong bản đau ốm chị đều tìm cách mua thuốc cho uống, không theo mê tín, cúng bái, mà phải đi cơ sở y tế để chữa bệnh. Nhà ai thiếu gạo, sắn chị đều tìm cách giúp đỡ. Dân bản toàn khó khăn, nhiều khi nhà thiếu gạo, chị đi vay mượn về giúp đỡ rồi động viên bà con khai hoang từng trảng đất ven suối để làm lúa nước, trồng thêm cây cối dài ngày, bón thêm hoa màu để cải thiện. Chị Lâm làm việc bằng cả trái tim của mình. Năm 2002 chị được kết nạp vào Đảng. Chị Lâm nhớ lại thời khắc đó: “Được là đảng viên, tôi luôn có động lực phấn đấu. Tôi luôn gắn bó với bà con dân bản, giúp bà con dân bản dù ngày hay đêm. Đó là động lực của tôi, lẽ sống của tôi”. Ở bản Cáo, theo gương chị, hiện 3 người khác cũng được kết nạp Đảng. Từ tấm gương của người phụ nữ nhỏ bé mà các hạt giống đã được nảy mầm. Bà con dân bản ai cũng quý gia đình chị, bởi không quý sao được khi họ bầu chị làm trưởng bản, được cấp ủy chính quyền dìu dắt, quan tâm, bồi dưỡng. Từ những đảng viên cơ sở như thế, nguyện vọng về giao đất, giao rừng, về lợi ích cuộc sống sát sườn luôn được cấp trên quan tâm tháo gỡ để đồng bào Mã Liềng ngày mỗi ổn định cuộc sống hơn. Và minh chứng, dưới sự động viên của chị, người dân Mã Liềng đã có hai con em học đại học, một người học cao đẳng, ba cháu học trung cấp. Các cháu khi nhận giấy báo nhập học, cứ sợ không có kinh phí, chị lại động viên, vay mượn, nhờ cấp trên giúp đỡ kinh phí để con em Mã Liềng biết thêm kiến thức. Vậy nên người đảng viên như chị được tín nhiệm làm đại biểu Hội đồng nhân dân huyện đã sang nhiệm kỳ thứ hai.

Minh Phong

(SGGP)

Bình luận (0)