12 năm sau Tuyển tập dịch thơ Pháp thế kỷ XIX,(1) một tập thơ dịch có giá trị với hơn một trăm bài thơ hay nhất của các nhà thơ nổi tiếng nhất thuộc các trường phái thơ Pháp thế kỷ XIX, (tập sách đã được giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ, nhà giáo lão thành Trần Mai Châu đã cho ra đời tập sách Thơ – nhận định và thưởng thức(2). Vào tuổi 85 của tác giả, tập sách dường như đã đúc kết suy tư, cảm hứng và học vấn gần cả một đời của tác giả về thơ. Đọc tập sách của ông, tôi nghĩ đó trước hết là tập sách của một nhà giáo từng suốt đời làm thơ, dịch thơ, học thơ và dạy thơ. Phê bình tập sách, nhà văn Lại Nguyên Ân đã viết: “Người viết lời bạt cho quyển sách này, nhà giáo Trí Hòa, cho rằng các chương sách của Trần Mai Châu “xứng đáng được các nhà giáo dạy văn nghiên cứu và ứng dụng”. Đây không phải là một nhận định quá đáng. Ở những trang sách này, tác giả có thể khiến cho những người kỹ tính về thơ phải kính nể, những bạn mới bước vào nghề thơ phải trân trọng và những học trò phải biết ơn”(3). Tôi hoàn toàn chia sẻ nhận xét của nhà giáo Trí Hòa và nhà văn Lại Nguyên Ân về đặc sắc và giá trị nổi bật nhất tập sách của Trần Mai Châu, và muốn nói thêm vài lời.
Điều cần nói thêm, tôi nghĩ là về thể loại của nó. Có lẽ khó xếp sách của Trần Mai Châu vào loại sách nghiên cứu, lý luận hay phê bình, bởi vì nó có tất cả các yếu tố đó nhưng không hoàn toàn thuộc thể loại nào. Tác giả gọi là “khảo luận” có lẽ do tính chất phức hợp đó của nó. Tuy có chia thành các chương, mục, song tính hệ thống của chúng khá lỏng lẻo, nhiều chỗ giống như những trang bút ký hay tùy bút về thơ. Nếu đi tìm ở đây một lý thuyết chặt chẽ, những phát hiện mới mẻ về thơ, chúng ta dễ thất vọng. Có nghĩa đây không phải là một công trình học thuật hàn lâm về lý luận, lịch sử hay phê bình. Nhưng tất cả các yếu tố học thuật đó đều có trong tập sách, kèm theo đó là cái mà tác giả đã nói, đó là “niềm vui cùng thơ ca” tức cũng là tình yêu đối với thơ, điều quan trọng nhất khi tiếp xúc với thơ. Niềm vui và tình yêu đó trước hết và trực tiếp là do chính thơ tạo ra, từ cái hay, vẻ đẹp của nó, cũng đồng thời từ sự suy nghĩ, hiểu biết về nó, đôi khi chưa cần có hệ thống vội mà cần tươi tắn, hồn nhiên, say mê. Nhận định và thưởng thức thơ, đó là điều mà các trang sách của Trần Mai Châu muốn tạo ra được nơi người đọc. Dù có thể có những chỗ chưa thỏa mãn với các lập luận của tác giả song tuy chưa đồng ý vẫn có thể đồng tình. Viết về thơ, nhận định và thưởng thức nó. Trần Mai Châu đã dẫn dắt người đọc vào cái mà người ta thường nói, đó là “thế giới thơ”, mà Panl Valéry gọi đó là “vũ trụ thơ”, (univers poétique), ở đây là thơ Việt Nam cổ điển và hiện đại và một phần thơ thế giới.
Tóm lại, tôi cho rằng tập sách của Trần Mai Châu thuộc một thể loại mà các nhà phê bình thơ ở Việt Nam và Trung Quốc xưa nay từng viết, đó là: “thi thoại” (nói chuyện về thơ). Trung Quốc từng có Thương Lang thi thoại của Nghiêm Vũ đời Tống, Tùy Viên thi thoại của Viên Mai đời Thanh. Việt Nam ta có Chương Dân thi thoại của Phan Khối… Chính các tác giả “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh và Hoài Chân, cũng không muốn gọi các ông là nhà phê bình mà chỉ là những essayistes (người viết các essais tức là các bút ký ngắn). Đối với Hoài Thanh, điều này càng rõ hơn khi ông viết: “Nói chuyện thơ kháng chiến” về sau (1950). Có lẽ do đặc trưng của thơ thường mông lung, mơ hồ, “thi tại ngôn ngoại”, khó nắm bắt cái hay, vẻ đẹp của nó, cho nên các người đọc thơ, bình thơ thường chọn thể loại “thi thoại” để thích hợp với thơ. Trong văn học Pháp, nhà phê bình nổi tiếng Sainte – Beuve cũng thường sử dụng thể loại tương tự. Tuy Trần Mai Châu không xác định rõ thể loại đó khi viết, song khi đọc tác phẩm của ông, tôi nghĩ ông đã đi theo con đường đó của các nhà phê bình tiền bối, và người đọc nếu chú ý điều đó sẽ cảm nhận tác phẩm của ông một cách thuận lợi hơn, phù hợp với phong cách của ông.
Nói chuyện về thơ, Trần Mai Châu chú ý nhiều đến thơ Việt hiện đại, nhất là thơ của các nhà thơ lãng mạn trong phong trào “Thơ mới” (1930-1945), tức là cùng thế hệ với ông trong tư cách nhà thơ. Song ông cũng liên hệ nhiều đến thơ Đường và nhất là thơ Pháp mà ông vốn quen thuộc và thông thuộc nhiều. Tầm nhìn và ngòi bút của ông cũng mở rộng đến thơ cổ điển, thơ cách mạng và kháng chiến, cũng như các dòng thơ hậu lãng mạn, các trường phái hiện đại và đương đại phương Tây như thơ tượng trưng, siêu thực, thơ tự do, thơ văn xuôi… Mặc dù rất rõ rệt là ông thiên trọng về thi pháp và thi luật cổ điển và lãng mạn song cảm thức về thơ của ông khá bao dung, rộng rãi, không hẹp hòi, cố chấp ở một xu hướng, trường phái thơ nào. Ở các dòng thơ, điều quan trọng ông muốn tìm kiếm và phô bày đó là những câu thơ, tứ thơ mà ông cho là hay về tư tưởng và nghệ thuật. Ở điểm này, tuy sử dụng thể loại thi thoại, không muốn làm nhà lý luận hay phê bình song ông có những tư chất của nhà phê bình và nhà lý luận về thơ mà nhà văn Lại Nguyên Ân cho là đáng kính nể và trân trọng.
Xuất phát từ thể loại “thi thoại”, có thể tiếp nhận qua tập sách những đóng góp đáng quý của Trần Mai Châu về lý luận, phê bình thơ. Ở tuổi 85, dù rất cố gắng, ông cũng không tiếp cận được đầy đủ với các trào lưu lý luận, phê bình cũng như sáng tác thơ đương đại, nhất là các trường phái của chủ nghĩa câu trúc, hậu câu trúc, chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại. Đó là điều bất cập của ông mà cũng là điều may mắn cho ông. Trong các nhận định và thưởng thức về thơ của ông, ta thấy dù ông vẫn là nhà thi học có xu hướng hiện đại song vẫn rất trân trọng thi học truyền thống, dù tiếp cận thơ Việt Nam hay thơ nước ngoài.
Nhìn từ quan điểm thi học, đó là ưu điểm của ông hơn là hạn chế của ông, khi ông chưa sa chân vào “mê cung” của thi học và sáng tác thơ của “chủ nghĩa hiện đại” đương thịnh hành ngày nay.
Bởi vì, như tôi đã nói từ đầu, ông là nhà thơ đồng thời là nhà giáo, là người đã từng làm thơ, dịch thơ, học thơ và dạy thơ, cho nên tập sách của ông thuộc loại sách mà các nhà giáo dạy thơ và các học sinh học thơ nên tìm đọc vì nó rất bổ ích cho học thức và nghề nghiệp của các bạn. Theo tôi biết, được các nhà giáo và học sinh tìm đọc, đó cũng là nguyện vọng thiết tha nhất của nhà thơ, nhà giáo lão thành Trần Mai Châu khi viết các trang sách này. Cũng vì vậy, tôi là người được đọc nó từ trong bản thảo và giờ đây muốn giới thiệu đôi dòng với các bạn đọc báo Giáo Dục TP.HCM.
GS.Trần Thanh Đạm
10- 6-2008
1. Trần Mai Châu. Tuyển tập dịch thơ Pháp thế kỷ XIX. Nhà xuất bản Trẻ, TP.HCM, 1996.
2. Trần Mai Châu – Thơ, nhận định và thưởng thức. Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2008 (450 trang)
3. Lại Nguyên Ân. Trần Mai Châu – Duyên nợ với thơ. Báo Thể thao và Văn hóa số 152 – 31/5/2008
Bình luận (0)