Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những trang thơ vương vấn với cuộc đời

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn một năm ngày mất của cố nhà thơ Đoàn Vị Thượng, cuối tuần qua, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi: Tưởng nhớ nhà thơ Đoàn Vị Thượng. Ra mắt tập thơ “Thơ tình và những bài áo trắng”.


Khung cảnh buổi tưởng nhớ

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng (tên thật là Trần Quang Đoàn), sinh năm 1959. Là người gốc Thừa Thiên – Huế, sống ở Quảng Ngãi suốt thời niên thiếu và lập nghiệp tại TP.HCM, Đoàn Vị Thượng sở hữu một vốn liếng văn chương vô cùng phong phú, dồi dào. Không chỉ được biết đến với vai trò là nhà thơ, Đoàn Vị Thượng còn là nhà báo (từng công tác tại Báo Giáo dục & Thời đại), là nhà văn, nhà giáo. Đoàn Vị Thượng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn chương Việt Nam, ông được trao nhiều giải thưởng thơ ở TP.HCM và nhiều địa phương khác. Ngày 16-2-2021, nhà thơ mất sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư. Tháng 12 năm 2021, ông được Hội Nhà văn trao giải Cống hiến.


Nhà văn Trầm Hương phát biểu tại buổi tưởng nhớ

Buổi tưởng nhớ và ra mắt sách của cố nhà thơ Đoàn Vị Thượng diễn ra trong không gian ấm áp, trang trọng với sự tham dự của các thành viên thuộc Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP, các đồng nghiệp như nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, nhà thơ Phan Thị Nguyệt Hồng, nhà thơ Phạm Trung Tín, nhà thơ Nhật Quỳnh… cùng gia đình của ông (nhà thơ Từ Nguyên Thạch và 4 cô em gái).


Nhà thơ Từ Nguyên Thạch – anh trai của cố nhà văn chia sẻ tại buổi tưởng nhớ

Nhắc về người bạn quá cố Đoàn Vị Thượng, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh đã có những chia sẻ hết sức cảm động rằng: “Thác là thể phách, còn là tinh anh” là cụ Nguyễn Du đã dạy chúng ta trong Truyện Kiều và Đoàn Vị Thượng chính là một trong những người tài hoa như thế. Dẫu anh đã rời bỏ mặt đất để bay lên “mặt trăng” rồi nhưng hôm nay – sau hơn một năm ngày mất của anh, ta vẫn thấy như anh còn ở đâu đó quanh đây, ở gần bên chúng ta. Thượng Đế đã ký thác cho những thi sĩ những sứ mệnh, sứ mệnh hạnh phúc nhưng cũng đầy bất hạnh. Đối với Đoàn Vị Thượng, anh rất may mắn khi đã được Thượng Đế trao tặng cho một quãng đời áo trắng đầy trẻ trung, hồn nhiên, trong sáng và ta thật biết ơn Thượng Đế vì điều đó…”

Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm

Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu!

(Lời ru của thầy Đoàn Vị Thượng)

Ngoài bài thơ Bụi phấn thì Lời ru của thầy của cố thi sĩ cũng là một tuyệt tác để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng nhiều thế hệ. Bài thơ như muốn gợi nhắc về đạo nghĩa với người thầy – người truyền lửa và dẫn dắt bao thế hệ học trò cập bến tri thức. Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh chia sẻ, trong một lần công tác ở địa phương nọ, bà đã bắt gặp hình ảnh một giáo viên dạy toán đọc thơ Đoàn Vị Thượng đầy xúc cảm, điều đó càng làm nữ thi nhân cảm thấy sức lan tỏa của thơ ông mạnh mẽ hơn bao giờ hết. “Nếu trong cuộc đời này, trẻ em vẫn còn cắp sách đến trường, thầy giáo còn lên bục giảng thì Lời ru của thầy vẫn còn giá trị và sống mãi” – nhà thơ Đặng Nguyệt Anh khẳng định.


Các nhà văn, nhà thơ chụp hình lưu niệm cuối buổi

Để ra mắt tập thơ Thơ tình và những bài áo trắng của Đoàn Vị Thượng, anh trai của cố nhà thơ là Từ Nguyên Thạch đã góp nhặt lại những tác phẩm thơ từ nhiều nguồn: nhà riêng của nhà thơ Đoàn Vị Thượng, bản thảo tại Báo Giáo dục & Thời đại… Với sự hỗ trợ của Hội Nhà văn TP cùng một số đơn vị khác, tập thơ ra đời giúp người đọc có thêm cái nhìn về sự tài hoa của Đoàn Vị Thượng, đồng thời ghi dấu những đóng góp của ông đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Và tại buổi tưởng nhớ, nhiều bạn bè nhà thơ của Đoàn Vị Thượng bày tỏ niềm thương tiếc cùng sự kính trọng, yêu mến đối với đồng nghiệp quá cố bằng những bài đọc diễn cảm thơ trong tập thơ này. Nhiều nhà thơ thể hiện sự bồi hồi, xúc động khi nghĩ về tài hoa của Đoàn Vị Thượng.

Có thể nói, mỗi nhà văn, nhà thơ đều chọn cho mình một phong cách riêng hình thành từ nhiều yếu tố khách quan cùng với sự sáng tạo, lòng đam mê văn chương, sở thích và cá tính của mình. Nhắc đến thơ Đoàn Vị Thượng, ta nhớ đến ngay đến những bài thơ gắn với thời áo trắng thơ ngây tràn trề sức sống tuổi trẻ. Thơ ông trong trẻo, nhẹ nhàng mà thấm đượm tính nhân văn bởi những câu từ đầy tài hoa cùng chất liệu thơ gần gũi, ấm áp tình người. Dù nhà văn đã đi xa nhưng những trang thơ của ông vẫn còn tồn tại mãi trong lòng người đọc, vương vấn mãi với cuộc đời này.

Hoàng Phương Hồng Mỹ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)