Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Những trường ĐH nào đang áp tiêu chuẩn chiều cao với thí sinh?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài Trường Quản trị và Kinh doanh, hiện có nhiều trường khác trong khối dân sự áp tiêu chuẩn chiều cao đối với một số ngành. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có công văn chấn chỉnh chung.

Trường Quản trị và Kinh doanh đã điều chỉnh đề án tuyển sinh

Như đã đưa tin, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn số 2720 cho ĐH Quốc gia Hà Nội yêu cầu đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh, liên quan đến dư luận về việc Trường Quản trị và Kinh doanh HSB (ĐH Quốc gia Hà Nội) đặt ra tiêu chuẩn chiều cao với thí sinh.

Thí sinh đo chiều cao trong vòng sơ tuyển tại Trường Quản trị và Kinh doanh HSB năm 2024. HSB

Sau khi thông tin trên được đăng tải, Phóng viên đã liên hệ với Trường Quản trị và Kinh doanh, được đại diện Phòng Tuyển sinh nhà trường cho biết, hiện nhà trường đã điều chỉnh đề án tuyển sinh ĐH 2024 về như những năm trước.

Theo đó, các ngành quản trị doanh nghiệp và công nghệ, marketing và truyền thông, quản trị nhân lực và nhân tài đã bỏ tiêu chuẩn về chiều cao. Chỉ riêng ngành quản trị và an ninh, trường vẫn giữ yêu cầu chiều cao nữ từ 1,58 m, nam từ 1,65 m; thể lực tốt, thị giác tốt (trừ trường hợp có năng khiếu thì xét tuyển riêng).

Theo lý giải của nhà trường, Viện An ninh phi truyền thống của trường đang cùng chuyên gia các ngành đào tạo các thế hệ sinh viên có đủ điều kiện và có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ bảo đảm an ninh phi truyền thống cho nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp. Đây cũng là một trong các lý do mà trong đề án thiết kế các chương trình đào tạo HSB có tính đến yếu tố chiều cao trong tổng thể các tiêu chí đánh giá và lựa chọn sinh viên đầu vào.

Nhà trường cũng viện dẫn thông tin tuyển sinh của một số trường (trường thuộc khối dân sự), trong đó có yêu cầu về hình thức của thí sinh với một số ngành đặc thù, từ đó cho rằng hoạt động tuyển sinh của mình cũng phù hợp với thông lệ chung.

Nhiều trường đặt tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng

Theo tìm hiểu, yêu cầu về ngoại hình của thí sinh không phải là câu chuyện mới. Lâu nay, các trường nghệ thuật (đặc biệt là những ngành biểu diễn như múa, kịch…) tuyển sinh đặt ra yêu cầu về chiều cao, cân nặng của thí sinh được mặc nhiên xem là hợp lý. 

Nhưng dư luận bắt đầu ồn ào từ khi một số trường sư phạm, tòa án… đặt ra với thí sinh về yêu cầu chiều cao, thậm chí cả cân nặng (năm 2019). Xung quanh vấn đề này, báo chí từng có nhiều bài phản ánh.

Học viện Tòa án cũng là một trong những đơn vị áp tiêu chuẩn chiều cao trong tuyển sinh ĐH. HVTA

Năm 2024, ngoài Trường Quản trị và Kinh doanh, có nhiều trường đặt ra tiêu chuẩn chiều cao đối với thí sinh, dù chỉ là với một số ngành được nhà trường cho là đặc thù. 

Cụ thể, Học viện Báo chí – Tuyên truyền, trang 23 đề án tuyển sinh 2024 của học viện yêu cầu: "Thí sinh dự tuyển chuyên ngành quay phim truyền hình phải có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh dị tật về mắt, ngoại hình phù hợp (nam cao 1,65 m, nữ cao 1,6 m trở lên). Sau khi trúng tuyển, nhà trường tổ chức khám sức khỏe cho sinh viên. Sinh viên trúng tuyển nếu không đáp ứng các quy định nêu trên sẽ được chuyển sang ngành khác của học viện có điểm trúng tuyển tương đương".

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong thông báo về tuyển sinh đăng trên trang thông của nhà trường có đoạn viết: "Các ngành sư phạm không tuyển những thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp. Thí sinh dự thi vào ngành giáo dục quốc phòng và an ninh phải có sức khỏe tốt, thí sinh mắc tật khúc xạ cận hoặc viễn thị không quá 3dp; không có dị tật bẩm sinh, hình xăm phản cảm; nam cao từ 1,6 m trở lên, nữ cao từ 1,55 m trở lên".

Cả 2 đơn vị đào tạo, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội và Học viện Tòa án đều có yêu cầu với tất cả thí sinh ứng tuyển là phải có đủ sức khỏe để học tập, công tác, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện sau: nam chiều cao từ 1,6 m trở lên, nặng 50 kg trở lên (Học viện Tòa án thì chỉ yêu cầu nặng từ 48 kg trở lên); nữ chiều cao từ 1,55 m trở lên, nặng 45 kg trở lên; không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính.

Bộ GD-ĐT sẽ có công văn chấn chỉnh chung

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, luật Giáo dục đã quy định về quyền được bình đẳng cơ hội học tập, bao gồm đặc điểm cá nhân. Quy chế tuyển sinh ĐH mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2022 cũng có một khoản quy định về bình đẳng trong cơ hội dự tuyển: "Không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh".

Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản nhắc nhở chung toàn hệ thống về thực hiện quy định của pháp luật về việc đảm bảo sự bình đẳng trong cơ hội dự tuyển cho thí sinh.

Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)