Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những truyền nhân bảo tồn nghệ thuật hát bội

Tạp Chí Giáo Dục

Cả hai đều là con nhà nòi hát bội, dù trải qua biết bao khó khăn, gian nan với nghề nhưng họ vẫn một lòng đam mê, quyết tâm duy trì và gìn giữ bộ môn nghệ thuật cổ truyền này…


Ngh sĩ Đoàn Bo Ngc vào vai Thn N trong v “Thn N dâng Ngũ linh k

“Truyn nhân 4 đi hát bi” Đoàn Bo Ngc

Nghệ sĩ Đoàn Bảo Ngọc sinh năm 1996 trong gia đình có bốn đời theo nghệ thuật hát bội. Cha của Bảo Ngọc nghệ sĩ Vũ Linh Thanh, mẹ là nghệ sĩ Hồng Nhân. Ông bà của Bảo Ngọc là nghệ sĩ hát bội Kiều Loan và nghệ sĩ Bảo Ân nổi tiếng một thời, được khán giả rất yêu mến.

Tuổi thơ cô là những ngày rong ruổi theo đoàn hát bội của gia đình đi hát đình, hát miễu. Hình ảnh cô bé Đoàn Bảo Ngọc luôn ngồi bên cánh gà để theo dõi ông bà cha mẹ biểu diễn ngày ấy là ký ức mà cô không bao giờ quên. Cũng chính vì được tiếp xúc với sân khấu từ rất sớm mà tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật hát bội lớn dần trong cô.

Lớn hơn một chút, cô bé Đoàn Bảo Ngọc bắt đầu được đứng trên sân khấu cùng bố mẹ mình qua các vai quân sĩ, tỳ nữ, vai phụ… Sau một thời gian dài tham gia các vai nhỏ trên sân khấu, cuối cùng Bảo Ngọc cũng được đảm nhận vai đào chánh.

Chấp nhận khó khăn để được sống với tình yêu hát bội nhưng trước đây, Bảo Ngọc từng tủi thân khi nhìn bạn bè cùng trang lứa được học hành đến nơi đến chốn. Tuy nhiên hiện tại, suy nghĩ đó đã không còn, vì Bảo Ngọc nhận ra việc mình vẫn còn được hát, vẫn còn được đứng trên sân khấu là điều vô cùng hạnh phúc.

Đoàn Bảo Ngọc chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ nghề hát bội. Chỉ cần có nơi còn muốn xem hát bội thì cô sẽ đến đó để hát bởi hát bội đã ăn sâu vào máu của cô. Nữ nghệ sĩ cho biết, giới trẻ bây giờ không thích xem hát bội vì họ xem họ không hiểu gì hết: “Mình nói nho, nói văn, hát khách, hát tẩu… các bạn không nghe được và cũng không hiểu. Vì thế, bản thân Bảo Ngọc phải cố gắng làm sao khi biểu diễn phải giúp cho các bạn trẻ nghe được và hiểu được… Từ đó các bạn mới có động lực để xem bộ môn nghệ thuật truyền thống này”.

Bảo Ngọc trăn trở: “Một số khán giả trẻ người nước ngoài là sinh viên nói với Ngọc: “Chúng tôi thích âm nhạc dân tộc Việt Nam, qua Việt Nam được đi xem hát bội giúp chúng tôi phần nào cảm nhận được nghệ thuật độc đáo của các bạn…”. Nhưng những khán giả trẻ tri âm với hát bội như thế vào thời điểm này rất hiếm. Như vậy, hát bội sẽ tồn tại như thế nào trong tương lai, nếu quá ít những người chịu lao vào sống chết với ngành nghệ thuật truyền thống này. Ai sẽ là lớp diễn viên kế thừa cái nghề mà nếu không có “máu truyền thống” sẽ khó lòng mà theo được. Cho đến khi nào các bạn trẻ chúng ta biết trân trọng, quan tâm, giữ gìn vốn quý của sân khấu truyền thống dân tộc thì lúc ấy nghệ thuật hát bội mới sẽ không còn là những nốt nhạc buồn nữa…”.

Ngoài tham gia hát bội, Bảo Ngọc còn biểu diễn thường xuyên cho Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Từng nhận được sự ủng hộ của khán giả khi tham gia chương trình “Sao nối ngôi” 2019, mới đây Bảo Ngọc tiếp tục chinh phục khán giả và Ban giám khảo là NSND Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Hữu Quốc để giành giải á quân cuộc thi “Trăm năm ánh Việt” với trích đoạn “Duyên kiếp”. Thử sức ở tuồng cải lương xã hội, Bảo Ngọc để lại ấn tượng khi tái hiện hình ảnh một phụ nữ ác độc, ghen tuông qua ánh mắt, hình thể.

Xúc động khi được thưởng thức màn trình diễn, NSND Bạch Tuyết nhận xét: “Bạn từng diễn hát bội, tuồng cổ mà giờ chuyển sang diễn tuồng xã hội thì khó trăm lần. Những hình thức, vũ đạo của hát bội, tuồng cổ, bạn có thể học được. Còn cái bao la của xã hội hiện đại này, điều đó bắt buộc người nghệ sĩ đào sâu mới có được nét độc đáo. Tôi ngưỡng mộ bạn trẻ đã rời thánh đường của mình để sang một yếu tố mới”.


Ngh sĩ Đông H vào vai Lê Văn Duyt trong v “Lê Công k án”

Nam ngh sĩ hơn 30 năm gn bó vi ngh thut hát bi

Nghệ sĩ Đông Hồ sinh năm 1970 tại TP.HCM trong gia đình có cha là nghệ sĩ hát bội Hoàng Thung và chị gái là nghệ sĩ hát bội Kim Chi. Anh cho biết: “Ba tôi vốn là nghệ sĩ hát bội và muốn con trai theo nghề nên động viên tôi tham gia khóa đào tạo nghệ sĩ hát bội vào năm 1987. Nhờ có dịp tiếp xúc, tôi thấy bộ môn nghệ thuật này cũng thú vị rồi bắt đầu ấn tượng, yêu thích sau đó tôi chính thức gia nhập sân khấu hát bội rồi gắn bó cho đến hiện tại”.

Đông Hồ hiện là diễn viên gạo cội của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Với hơn 30 năm tuổi nghề, anh đã ghi dấu ấn với những vai tính cách đa dạng: từ tướng, lão, độc, mùi, cho đến trung thần, gian nịnh… Những năm 2000, anh nhận được sự yêu thích của khán giả khi hóa thân thành Trương Phi trong vở Về đất Kinh Châu. Những vai diễn như: Tử Trình trong vở San hậu, Bao Công trong vở Bích Vân Cung kỳ án, Đàm Phục Hổ trong vở Tứ linh hội, Hồng Hiến trong vở Tử hình không án trại, vai Lê Văn Duyệt trong Lê Công kỳ án, vai Triệu Đà trong Chiếc áo thiên nga… góp phần đưa nam nghệ sĩ tài năng này đến gần hơn với khán giả yêu bộ môn hát bội, đồng thời giúp anh được vinh danh tại các sân khấu chuyên nghiệp trong nước. Cùng với đó, Đông Hồ cũng đảm nhận vai trò đạo diễn, phụ trách dàn dựng nhiều vở diễn đáng chú ý: Trần Quốc Tuấn, Bông hồng núi Nưa, Tấm Cám… và gần đây là vở Chiếc áo thiên nga.

Một thực trạng buồn là nghệ sĩ hát bội ngày càng ít đất diễn nên mức thu nhập từ nghề khá khiêm tốn. Vì thế, ngoài hoạt động trên sân khấu hát bội, nam nghệ sĩ còn tham gia một số chương trình biểu diễn bên ngoài và đóng phim để kiếm thêm thu nhập.

Sau hơn nửa đời hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Đông Hồ cảm thấy tự hào khi là một nghệ sĩ hát bội, hoạt động trong loại hình nghệ thuật tuy có kén khán giả nhưng lại được Nhà nước chú trọng bảo tồn và phát huy. Nam nghệ sĩ thấy lạc quan khi các cơ quan quản lý văn hóa đang nỗ lực vực dậy sân khấu nói chung và nghệ thuật hát bội nói riêng. Đông Hồ mong muốn trong tương lai hát bội sẽ có nhiều suất diễn trên sân khấu học đường để khơi dậy sự hứng thú, yêu thích của các bạn trẻ đối với loại hình truyền thống này. Anh cũng mong cơ quan quản lý văn hóa quan tâm, đầu tư kinh phí đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ đồng thời tạo điều kiện để họ có cơ hội phát huy tài năng trên những sân khấu chuyên nghiệp.

Mới đây, nghệ sĩ Đông Hồ gây bất ngờ khi tham gia cuộc thi “Tài năng diễn viên Sân khấu cải lương Trần Hữu Trang” 2022. Dù không đoạt giải cao nhưng nam nghệ sĩ muốn được thử thách bản thân ở bộ môn không phải sở trường, thỏa mãn niềm đam mê ấp ủ từ thời niên thiếu.

Thanh Châu

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)