Khuyến học hiểu đơn giản là khuyến khích việc học. Cụ thể, đó là sự khuyên bảo, hướng dẫn, giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân để người ta hứng khởi nghe theo, làm theo, cùng nhau thúc đẩy học tập và vận động các nguồn lực để tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người được học, tự học, theo tinh thần: Học thường xuyên, học suốt đời; học chữ, học nghề, học làm người… góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
Các bài thơ khuyến học dù được viết vào thời nào vẫn là những lời động viên cho chúng ta không quên mỗi ngày đều phải học (ảnh minh họa). Ảnh: Đ.Yến
Nhân dân ta có truyền thống hiếu học và khuyến học. Từ xa xưa ông cha ta đã dạy “Nhân bất học, bất tri lý” (người không học, không hiểu biết) và muốn học phải có thầy “Không thầy đố mày làm nên”. Chính vì vậy, người xưa thường dẫn lại bài thơ “Khuyến học” của nhà thơ Mạnh Giao từ thời nhà Đường để khích lệ tinh thần học tập. Thơ viết: Kích thạch nãi hữu hỏa/ Bất kích nguyên vô yên/ Nhân học thủy tri đạo/ Bất học phi tự nhiên/ Vạn sự tu kỷ vận/ Tha đắc phi ngã hiền/ Thanh xuân tu tảo vi/ Khởi năng trường thiểu niên. Có nghĩa là: Chỉ khi đánh đá thì mới có lửa, nếu như không đánh thì một chút khói cũng không có. Người cũng như vậy, chỉ khi học tập mới có thể nắm được tri thức; nếu không học tập thì tri thức sẽ không từ trên trời rơi xuống. Bất cứ chuyện gì cũng phải tự mình thực hành, tri thức mà người khác có được không thể thay cho năng lực của chính mình. Thời niên thiếu thì nên nỗ lực càng sớm càng tốt, lẽ nào một người có thể mãi mãi ở lại “thời niên thiếu” sao?
Mạnh Giao (751-814) tự Đông Dã, người Vũ Khang, Hồ Châu (nay là huyện Vũ Khang, tỉnh Chiết Giang) thời Trung Đường, cùng thời với Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Giả Đảo, Thường Kiến, Thôi Hộ… Ông công danh khá lận đận, đi thi nhiều lần không đỗ, mãi đến năm 46 tuổi mới đỗ tiến sĩ, 50 tuổi mới được bổ làm huyện úy Lật Dương (tỉnh Giang Tô), một chức quan nhỏ mà ông không lấy gì tha thiết. Cảnh nhà nghèo túng quẫn nên thơ của ông thường châm biếm giới quý tộc quan liêu, bày tỏ niềm ta oán của người trí thức không gặp thời, hoặc nỗi bất công của những người dân nghèo tay lấm chân bùn. Có lẽ vì sự chia sẻ đó mà ông tỏ ra khích lệ mọi người cần học hành nghiêm túc không phải lập công danh mà là để “nắm được tri thức”, từ đó mới “tự mình thực hành” và mỗi người “nên nỗ lực càng sớm càng tốt”… Còn ở nước ta, Nguyễn Khuyến (1835-1909) là một nhân vật hết sức đặc biệt. Từ chỗ nhiều lần thi không đỗ, ông đã đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, Hội, Đình nên thường được gọi là “Tam nguyên Yên Đỗ”. Do xuất thân là một nhà Nho, tư tưởng “nam nhi chí ở bốn phương”, phải trả được nợ công danh để đời, sự học đối với Nguyễn Khuyến mà nói là một điều quan trọng hàng đầu, vì thế mà khi sinh con ra, bắt đầu công việc uốn nắn con cái nên người thì ông phải truyền được cho con cái sự hiếu học, làm cho con hiểu được tầm quan trọng của sự học, của công danh, sự nghiệp. Nhưng Nguyễn Khuyến không bắt ép con mình vào một khuôn khổ nào định sẵn cả, ông khuyên răn con nhẹ nhàng, ta có thể thấy rõ điều đó qua bài “Thơ khuyên học”: Đen thì gần mực, đỏ gần son/ Học lấy cho hay, con hỡi con/ Cái bút, cái nghiên là của quý/ Câu kinh, câu sử, ấy mùi ngon/ Vàng mua chứa để, vàng hay hết/ Chữ bán dư ăn chữ hãy còn/ Nhờ Phật một mai nên đấng cả/ Bõ công cha mẹ mới là khôn.
Bắt đầu bài thơ, tác giả đã biến tấu câu tục ngữ nổi tiếng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” thành “Đen thì gần mực, đỏ gần son”, với màu mực để gần gũi hơn với sự học, tức là theo cái tốt thì sẽ tốt, theo cái xấu ắt sẽ bị lụy. Đến câu thứ hai, cụm từ “con hỡi con” như một lời kêu gọi tha thiết, một sự nhắc nhở khéo léo, nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho người nghe. Bốn câu thơ tiếp theo, tác giả tự mình truyền đạt lại cho con niềm say mê học tập, từ những vật dụng quan trọng, muốn học tốt phải yêu lấy chúng, xem chúng là một phần quan trọng của cuộc sống, xem cái bút, cái nghiên là những thứ quý báu, câu kinh câu sử có mùi ngon. Tiếp đó tác giả so sánh: “Vàng mua chứa để, vàng hay hết/ Chữ bán dư ăn chữ hãy còn”, thể hiện rõ ý, tuy không phủ nhận tầm quan trọng của của cải vật chất mà con người làm ra, thế nhưng tiền vàng dùng mãi cũng hết, chỉ có khi con người ta học hành tới nơi tới chốn, dù không thể giúp người ta giàu, nhưng cũng có thể giúp người ta mở mang được đầu óc, biết được nhiều, áp dụng được nhiều, có thể đủ nuôi sống. Không chỉ vậy, chữ nghĩa không chỉ giúp người học dư ăn mà chữ nghĩa vẫn còn đó, hoàn toàn khác với tiền của, vàng bạc khi dùng thì sẽ hết. Ý nghĩa động viên, khích lệ về việc học thật rõ ràng, thuyết phục!
Sinh sau Nguyễn Khuyến hơn nửa thế kỷ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) lớn lên ở buổi giao thời của Nho học và Tây học. Nhưng trong hoàn cảnh nước mất, cuộc sống của ông có nhiều vất vả. Tình cảnh đó được ông ghi lại trong bài thơ “Cảnh vui của nhà nghèo”: Trong trần thế cảnh nghèo là khổ/ Nỗi sinh nhai khốn khó qua ngày/ Quanh năm gạo chịu tiền vay/ Vợ chồng lo tính hôm rày, hôm mai/ Áo lành rách vá may đắp điếm/ Nhà ở thuê chật hẹp quanh co/ Tạm yên, đủ ấm, vừa no/ Cái buồn khôn xiết, cái lo khôn cùng. Dẫu vậy, cha mẹ vẫn quan tâm cho con cái đi học; đứa con không chỉ học hành chăm chỉ mà còn đỡ đần cho cha mẹ nhiều điều. Tình cảnh ấy được tái hiện trong những câu thơ giàu tình cảm, khiến nhiều người ngày nay đọc vẫn thấy ngùi ngùi: Ăn rồi học, tối qua lại sáng/ Ít tiền tiêu ngày tháng thảnh thơi/ Chiều chiều, tối tối, mai mai/ Miễn sao no đủ, việc đời quản chi!
Con nhà khó nhiều khi vất vả/ Ngoài học đường thư thả được đâu/ Khi thời quẩy nước tưới rau/ Chợ tan đón gánh theo sau mẹ già/ Việc giấy bút vẫn là đi học/ Cảnh gia đình khó nhọc nhường ai/ Ví chăng có chí, có tài/ Khi nên trời cũng cho người làm nên/ Khắp xã hội nghèo hèn ai đó/ Mẹ thương con thời cố công nuôi/ Những con nhà khó kia ơi/ Có thương cha mẹ thời vui học hành/ Cũng chẳng kể thành danh lúc khác/ Trời đã cho bước bước càng hay/ Nghèo mà học được như nay/ Vinh hoa chưa dễ sánh tày cái vui… Bài thơ còn có ý nghĩa động viên đứa trẻ phải học hành siêng năng, không phải chỉ vì để được thành danh hay được vinh hoa mà chính là có được cái vui lớn lao được hiểu biết, được sống hạnh phúc, chan hòa trong cảnh khó khăn của một gia đình biết yêu thương nhau. Không chỉ vậy, trong bài thơ “Khuyên thanh niên học hành”, đăng trên Tạp chí Hữu Thanh vào năm 1921, Tản Đà nêu rõ: Trong thời buổi cạnh tranh, muốn được văn minh thì tuổi trẻ phải cố gắng học hành: Ta sinh ra đời cạnh tranh/ Muốn sinh tồn theo bước văn minh/ Ngày xuân đương độ tuổi xanh/ Ta khuyên nhau cố công học hành/ Giời cho ta sẵn thông minh/ Chí chuyên cần tuổi xanh chẳng phụ/ Làm tài trai vẫy vùng vũ trụ/ Bước đường đời muôn dặm phong vân/ Học đường ta hãy để chân/ Đi xa ta bước tới gần/ Hội gió mây xoay vần mấy lúc/ Bực tài danh ta cố học mà nên/ Thanh niên, hỡi bạn thanh niên/ Cùng nhau ta cố gắng để tiến lên cho kịp người…
Những bài thơ khuyến học đó dù được viết vào thời nào, trong bối cảnh nào thì đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa. Đó vẫn là những lời động viên cho chúng ta hiện nay không quên mỗi ngày đều phải học!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)