Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Những vật bất ly thân khi du học Singapore

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nếu bạn có ý định tới đảo quốc xinh đẹp này du học thì đừng quên những vật bất ly thân này nhé!

Sinh sống và học tập tại Singapore – quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về phát triển kinh tế và trình độ xã hội, du học sinh Việt Nam đã có những trải nghiệm rất thú vị. Các bạn ấy còn rút ra cả một "list" các vật bất ly thân khi du học nữa nhé.
Những vật bất ly thân khi du học Singapore
Một chiếc áo khoác mỏng
Lời khuyên hàng đầu của các học sinh hiện đang du học tại đây là: “Hãy luôn mang theo một chiếc áo khoác mỏng khi ra khỏi phòng”.
Mới nghe thì tưởng vô lý vì ở Singapore quanh năm là mùa hè, nhiệt độ khá nóng. Tuy nhiên, do phương tiện di chuyển thông dụng nhất là xe bus, tàu điện ngầm, cộng thêm các văn phòng, nhà hàng, khu công cộng đều sử dụng điều hòa, nên phải mặc áo khoác nếu không muốn bị rét đấy.
Du học sinh tại Singapore
Thẻ đi lại
Học sinh, sinh viên đi chuyển bằng xe bus hoặc tàu điện ngầm nên vật không thể thiếu là thẻ đi lại (EZ link card). Thẻ đi lại này được học sinh trang trí rất đẹp, bằng cách dán hình ngộ nghĩnh.
Du học sinh Việt Nam bao giờ cũng bị choáng ngợp bởi hệ thống tàu điện ngầm bên đó. Hàng ngày, mỗi lần đưa thẻ lên máy Check, các bạn ấy rất ấn tượng và cảm giác thú vị khi nghe tiếng “tít” – một âm thanh ngộ ngộ mà ở nước mình chưa có. Đi tàu điện ngầm quả là sướng vì sự hiện đại, sạch sẽ, an toàn, cực kỳ nhanh chóng và giá lại rẻ.
Bút Highlight và note
Bút Highlight, những tờ giấy màu nhỏ nhỏ vậy mà rất cần thiết. Du học sinh học hoàn toàn bằng chương trình tiếng Anh, vì vậy những vật  dụng để ghi chú là không thể thiếu. Ai cũng có chúng ở trong cặp hay túi xách đấy.
Nói về khó khăn trong học tập ban đầu khó nhất ở rào cản ngôn ngữ. Thường thì tiếng Anh phải ổn thì học sinh mới có thể tiếp thu bài và trao đổi với giáo viên về những điểm chưa rõ. Chương trình học khá nặng nên việc ghi nhớ từ vựng tiếng Anh được du học sinh rất coi trọng.
Cách học ở đây cũng khác nhiều so với các trường ở Việt Nam. Tính tìm tòi của học sinh được đẩy lên mức tối đa. Lớp học thường xuyên có các bài thuyết trình về nhiều chủ đề thuộc chuyên ngành học của mình (trung bình cứ 2 tuần sẽ phải đứng lên thuyết trình một lần).
Tiền xu
Những năm gần đây, tiền xu ở Việt Nam bị rơi vào quên lãng hoàn toàn, nhưng rất nhiều quốc gia khác thì ngược lại. Du học sinh Việt Nam tại Sing luôn dự trữ rất nhiều tiền xu.
Thời tiết nóng bức, đi qua máy bán nước tự động bạn không thể làm ngơ được đâu. Ngoài mua nước, mua kẹo nhiều màu ở các máy bán kẹo, tiền xu còn mua được cả sôcôla nữa. Những lúc thiếu tiền xu khổ lắm, khát nước mà không làm gì được.
Giấy ăn
Ở Singapore không như ở Việt Nam đâu nhé, tại những điểm ăn uống như nhà hàng, quán ăn nhanh họ không phát giấy ăn miễn phí mà phải mất tiền để mua đấy. Vì vậy, cách tốt nhất là mình… tự mang theo. Còn nếu như mua giấy ăn tại nhà hàng ấy thì đắt khủng khiếp, 1 -2 USD cơ, vậy là vào khoảng 17K -30K tiền Việt mình rồi.
Mì tôm
Các bạn ấy còn tâm sự rằng, muốn sống tốt ở đây thì mì tôm là “very important”. Không có mì tôm là đêm đói dài dài, sáng ra mắt mũi phờ phạc. Ở bên này xa gia đình, nên sinh hoạt của du học sinh không được quy củ lắm, thức rất khuya (thường là 2-3h sáng) nên hay bị đói. Ngoài ra, những lúc ngân sách thâm hụt thì phải dùng mì tôm chống đói thôi!
Tại các trường đại học ở Singapore, giờ giấc đi làm thêm của sinh viên được quy định rất rõ ràng. Các trường công lập được đi làm từ 9-16 tiếng/tuần (trường dân lập thì sinh viên không được phép đi làm). Teen nào đi làm thêm về muộn ngại nấu nướng, ăn mỳ tôm cũng vẫn ngon.
Chiêu mỳ tôm này rất giống với “Bài ca mỳ gói” của học sinh, sinh viên Việt chúng mình nhỉ.
Singapore thực sự là một môi trường tuyệt vời để du học. Hãy nhớ những đồ vật “bất ly thân” kể trên nếu bạn có ý định tới đảo quốc xinh đẹp này du học nhé!
Theo Tiin


 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)