HS lớp 11A16 Trường THPT Trần Khai Nguyên chơi trò chơi trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Ảnh: N.A
|
Thầy cô chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông nói chung và trường trung học nói riêng, được ví như người cha, người mẹ, anh, chị của học sinh (HS); là linh hồn, là thủ trưởng, thủ lĩnh của lớp học.
Thầy cô chủ nhiệm không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn tâm tình, người tư vấn, hướng dẫn cho HS về nhiều mặt khi các em bối rối, thắc mắc, tìm hiểu. Công tác chủ nhiệm lớp có vai trò hết sức quan trọng, góp phần hình thành nhân cách, trang bị kiến thức, định hướng cho các em vào đời. Do vậy, chất lượng giáo dục, thành quả của sự nghiệp trồng người trong trường trung học có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ thầy cô chủ nhiệm lớp. Trong bài viết này, tôi xin trình bày một số việc mà theo tôi là cần thiết đối với giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trong trường trung học để mang lại hiệu quả cho công tác chủ nhiệm lớp.
1. Trong nhà trường, GVCN lớp chính là người gần gũi nhất, kề cận nhất với HS của mình. Do vậy, đội ngũ GVCN là những người phải luôn biết tạo điều kiện, cơ hội để HS bộc lộ, giãi bày những tâm sự, suy nghĩ, ước muốn… với thầy cô chủ nhiệm. GVCN vừa là người thầy đáng kính, vừa là người bạn thân thiết đáng yêu của học trò. Họ biết vui với niềm vui của trò, lấy niềm vui của trò làm niềm vui của mình; biết sẻ chia với trò những nỗi buồn, trăn trở, suy tư, những va vấp trong học tập, sinh hoạt và cuộc sống. Mỗi bước đi, mỗi thành công, mỗi thất bại của trò trong học tập, rèn luyện đều có hình bóng của thầy cô chủ nhiệm lớp. Sự xa cách, khó gần, khô khan tình cảm của GVCN đối với lớp mình chủ nhiệm sẽ làm cho HS buồn, chán, thụ động, thiếu tự tin, thiếu gắn bó với thầy cô, với bạn trong lớp và trong trường. Do vậy mà quá trình hình thành nhân cách của HS sẽ gặp không ít rào cản, khó khăn.
2. GVCN phải biết kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng. Kiềm chế cảm xúc để hành vi ứng xử của mình với HS không bị chi phối (không nên la mắng lớn tiếng, nặng lời; không nên thóa mạ; không nên xúc phạm; không nên ưu ái em này, phân biệt đối xử với em khác…). Bình tĩnh trước mọi tình huống, hoàn cảnh để có cách xử lý phù hợp, chủ động (lưu ý những hoàn cảnh, những tình huống bất ngờ xuất phát từ những HS cá biệt, chưa ngoan). Kiên trì giáo dục, dạy dỗ, gắn bó, gần gũi, sẻ chia với HS, là điểm tựa tinh thần đáng tin cậy cho các em (dù bất cứ hoàn cảnh nào, GVCN cũng cần thiết phải kiên trì trong công tác chủ nhiệm lớp, bởi công việc này là cả một quá trình, không phải ngày một ngày hai mà thành công như mong muốn). Mềm mỏng, khéo léo, tế nhị trong giải quyết các vấn đề của công tác chủ nhiệm lớp là điều kiện, là đòi hỏi quan trọng đối với GVCN. Từ đó từng bước giải quyết một cách ổn thỏa, rốt ráo các vấn đề của HS trong lớp mà không gặp phải các phản ứng bất lợi nào.
3. Thầy cô chủ nhiệm lớp đừng e ngại, đừng quá lo lắng khi nói với HS của mình là thầy cô không biết về một vấn đề nào đó, cũng như đừng mắc cỡ khi xin lỗi học trò nếu thấy mình sai mà hãy cùng các em tìm cách giải quyết, tìm ra câu trả lời cho vấn đề đó, câu hỏi đó. Quá trình rèn luyện là quá trình lâu dài. Tri thức là mênh mông, vô tận. Sự hiểu biết của thầy cô cũng có giới hạn. Cái quan trọng là ý thức rèn luyện, phải có niềm đam mê khám phá tri thức loài người. Thầy cô phải truyền niềm đam mê ấy cho học trò. Sự khiêm tốn, trung thực của thầy cô sẽ làm cho HS càng thêm yêu quý, kính trọng hơn. Tiếng xin lỗi của thầy cô càng làm tăng uy tín của thầy cô trong mắt các em.
4. GVCN đừng để giờ sinh hoạt chủ nhiệm của lớp quá cứng nhắc, máy móc, rập khuôn. Nhưng GVCN cũng đừng quá khô cứng, độc đoán. Tiết sinh hoạt chủ nhiệm lớp là một phần của quá trình giáo dục và hình thành nhân cách cho HS. Mỗi tiết chủ nhiệm lớp của thầy cô phải là một bước tiến mới trong việc mở rộng sự hiểu biết và từng bước hoàn thiện nhân cách cho các em. Hiệu quả nhất, mong muốn nhất là trong mỗi tiết sinh hoạt chủ nhiệm đều có những cái mới được thể hiện, những vấn đề bức xúc và trăn trở được phát hiện, những cách giải quyết vấn đề được đem ra bàn bạc, trao đổi và thống nhất để thầy và trò cùng làm, cùng thực hiện.
5. Những cuộc gặp gỡ, giao lưu, đối thoại giữa GVCN với phụ huynh học sinh của lớp cần thiết thực, hiệu quả, khéo léo, tế nhị và hết sức chân thành. GVCN phải chủ động tiếp xúc với phụ huynh HS, đặc biệt là những gia đình HS có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, qua đó, GVCN sẽ tạo được sự gần gũi, thân thiện giúp HS tự tin và yên tâm hơn trong việc học tập và rèn luyện. GVCN phải thường xuyên liên hệ với gia đình HS để trao đổi về tình hình sức khỏe và học tập, rèn luyện của các em. Ngoài ra, GVCN cần cung cấp thêm cho phụ huynh những hiểu biết về khoa học sư phạm để có cách dạy và giáo dục con em có hiệu quả hơn; cung cấp những thông tin về quá trình học tập của HS để cha mẹ nắm bắt và có kế hoạch phối hợp một cách hiệu quả nhất với GVCN trong dạy dỗ và giáo dục con em mình.
Tóm lại, trong trường học, GVCN giữ vai trò hết sức quan trọng. Họ có trách nhiệm tổ chức các hoạt động của lớp, quản lí HS, nắm bắt thông tin tình hình HS, chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về thực trạng hoạt động của lớp mình phụ trách.
ThS. Lê Bá Lộc
(Khoa Quản lý giáo dục, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM)
Bình luận (0)