Khả năng chữa bệnh từ phong cảnh hữu tình của thiên nhiên vốn được con người biết từ lâu, giờ đây đã được khoa học chứng minh
Những nghiên cứu khoa học mới danh chính ngôn thuận đã khẳng định năng lực diệu kỳ của thiên nhiên trong việc chữa bệnh.
Có trong toa thuốc của bác sĩ
Trong một thế giới đầy ô nhiễm của thời đại hôm nay, các bác sĩ đã vinh danh cho sự cống hiến của thiên nhiên đối với sức khỏe con người bằng một cái tên mỹ miều: “Những viên thuốc màu xanh”. Tại Úc, các bác sĩ cũng đã kê toa cho một số bệnh nhân bằng “những viên thuốc màu xanh” và những công viên cây xanh tại nước này được xem là “nguồn sức khỏe quốc gia”.
Trong một nghiên cứu mới nhất của PGS-TS Mardie Townsend tại ĐH Deakin (Melbourne) về vai trò của thiên nhiên đối với sức khỏe con người, những người tiếp xúc với thiên nhiên thường có sức khỏe tổng quát tốt hơn và đa số hài lòng với cuộc sống cá nhân của họ. Thiên nhiên giúp con người gia tăng các hoạt động thể chất, không bị kích động, giảm stress, thậm chí giảm cholesterol.
Trong suốt 2 thập niên 1980 và 1990, hàng loạt nghiên cứu từng chứng minh rằng phong cảnh hữu tình của thiên nhiên đã hiến tặng cho con người những lợi ích vô cùng to lớn. Từ bệnh nhân đang nằm viện, nhân viên văn phòng, tù nhân, người lái xe…, tất cả đều được hưởng lợi ích từ thiên nhiên.
Thiên nhiên có tác dụng như những liều thuốc chữa bệnh. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Anh cho thấy trên 75% người sống ở khu vực thành thị không tiếp cận với thiên nhiên nhiều dễ mắc phải các chứng bệnh tâm thần. Nghiên cứu này chứng minh rằng những bệnh nhân sau phẫu thuật sẽ phục hồi một cách mau chóng nếu được ngắm cảnh thiên nhiên ngay từ trên giường bệnh. Những nghiên cứu thuộc lĩnh vực này cũng cho thấy trạng thái tinh thần, mức độ tâm lý, mức độ stress bị lệ thuộc rất nhiều vào môi trường thiên nhiên xung quanh
Theo một nghiên cứu khác nữa được thực hiện tại Hà Lan và Nhật, những người ở gần vùng có nhiều cây xanh sống thọ hơn và có một cuộc sống lạc quan hơn. Trong khi đó, một nghiên cứu thực hiện tại Thụy Điển chứng minh những nhân viên văn phòng chịu khó ngắm cảnh thiên nhiên từ chính cửa sổ văn phòng mình đang làm việc thì sự căng thẳng trong công việc sẽ giảm một cách đáng kể.
Thiếu thiên nhiên gây rối loạn thể chất
Một nghiên cứu được thực hiện tại Úc cho thấy cây xanh có vai trò trong việc làm ổn định tinh thần, đồng thời làm trong sạch nguồn không khí. Các nhà nghiên cứu đã xem xét vai trò của cây xanh trong phòng thi. Họ tổ chức cho thí sinh thi trong những phòng có thiết kế cây xanh trên máy tính. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những thí sinh này có huyếp áp tâm thu thấp hơn và khả năng phản ứng với bài thi cao hơn thí sinh ở những phòng thi khác.
“Rối loạn do thiếu tiếp xúc với thiên nhiên” (nature deficit disorder) là một thuật ngữ do phóng viên Mỹ Ricard Louv đặt ra. Trong quyển sách Last Child In the Woods: Saving Our Children From Nature Deficit Disorder của mình, Louv đã gây sự chú ý cho giới khoa học và y học khi đề cập những rối loạn về thể chất và tinh thần ở trẻ em khi chúng phải sống ở những nơi quá cách biệt với thiên nhiên.
Hiện nay, các nhà xã hội học đang “la làng” vì chuyện quá bận rộn của các bậc cha mẹ, thời khóa biểu học quá nặng nề khiến trẻ em ít có điều kiện tiếp cận thiên nhiên. Bên cạnh đó, những thành tựu kỹ thuật số, internet… càng làm cho trẻ con xa lánh thiên nhiên.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trên toàn cầu như hiện nay, diện tích cây xanh ngày càng bị thu hẹp. Những công viên cây xanh ngay giữa lòng thành phố là tài sản vô giá mà mỗi chúng ta phải biết giữ gìn và hãy tận hưởng những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Con người tiếp xúc, sống hài hòa với thiên nhiên có thể giảm stress, giảm cholesterol
theo NLĐ
Bình luận (0)