Sử thi còn được gọi là anh hùng ca. Đây là thể loại tác phẩm tự sự dài (thường là thơ) xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học của các dân tộc nhằm ngợi ca những sự nghiệp anh hùng có tính toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc trong buổi bình minh của lịch sử.
Nhân vật Đam San (ảnh minh họa)
Về kết cấu, sử thi là một câu chuyện được kể lại có đầu có đuôi với quy mô lớn, vì theo Hêghen: “Nội dung và hình thức của nó thực sự là toàn bộ các quan niệm, toàn bộ thế giới và cuộc sống của một dân tộc được trình bày dưới hình thức khách quan của một biến cố thực tại”. Các nhân vật chính của sử thi là những anh hùng – tráng sĩ tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần, cho ý chí và trí thông minh, lòng dũng cảm của cộng đồng được miêu tả khá tỉ mỉ, đầy đủ từ cách ăn mặc, trang bị, đi đứng đến các trận giao chiến với kẻ thù, những chiến công lẫy lừng và đôi khi cả những nét trong sinh hoạt đời thường của họ nữa. Điều đáng chú ý là tất cả những cái này đều được miêu tả trong vẻ đẹp kỳ diệu khác thường. Sở dĩ như vậy vì sử thi ra đời vào thời điểm nối tiếp thần thoại, tức là từ thế giới của các vị thần bắt đầu chuyển qua thế giới của con người. Do đó, cái nhìn đậm màu sắc thần kỳ nói trên đối với các nhân vật trong sử thi là không tránh khỏi. C. Mác từng nhấn mạnh rằng vẻ đẹp đặc thù của sử thi thể hiện trong tính hài hòa đặc biệt của nó vốn có liên quan đến các mối quan hệ xã hội chưa chín muồi lắm (…). Trong sử thi, “mô tả những hành động của nhân vật hơn là những rung động tâm hồn. Nhưng trong những câu chuyện kể, cốt truyện thường được bổ sung thêm những mô tả có tính chất tĩnh tại và những cuộc đối thoại trang trọng có tính nghi thức…” (Từ điển thuật ngữ văn học).
Khảo sát xung đột trong sử thi nhằm tìm hiểu những mối quan hệ giữa các anh hùng, dũng sĩ với bộ tộc; giữa các bộ tộc với các lực lượng tự nhiên. Một khi giữa các bên có mâu thuẫn thì xảy ra xung đột nhằm giải quyết mâu thuẫn với nhau. Và giải quyết mâu thuẫn bằng xung đột sẽ tạo ra sự hấp dẫn của tác phẩm trong quá trình diễn xướng. Đây cũng là một đặc trưng của nhân vật sử thi dân gian. Họ luôn tỏ ra có sức mạnh thể chất, dùng sức mạnh ấy để khuất phục đối phương. Sức mạnh ấy là sức mạnh của cộng đồng, của bộ tộc vì họ là đại diện, là hiện thân của cộng đồng, bộ tộc. Đọc sử thi dân gian, chúng ta sống lại với “thời thơ ấu” một đi không trở lại của loài người. Những ước mơ, khát vọng làm chủ thiên nhiên, làm chủ bầu trời; bắt thiên nhiên phải phủ phục dưới chân mình của người xưa mang khát vọng chung của loài người. Niềm tin chiến thắng thiên nhiên của người xưa đã phần nào trở thành hiện thực, bước chân của lịch sử loài người đã sải những bước dài trên con đường chinh phục thiên nhiên… Xung đột là sự đối lập, sự mâu thuẫn được dùng như một nguyên tắc để xây dựng các mối quan hệ tương tác giữa các hình tượng của tác phẩm nghệ thuật. Là cơ sở và lực thúc đẩy của hành động, xung đột quy định những giai đoạn chính của sự phát triển cốt truyện, trình bày, khai đoạn, thắt nút, phát triển, đỉnh điểm (cao trào), kết thúc (mở nút). Các xung đột thường xuất hiện dưới dạng những va chạm, tức là những đụng độ trực tiếp, sự chống đối giữa các thế lực hoạt động được mô tả trong tác phẩm: giữa tính cách với hoàn cảnh, giữa các tính cách khác nhau, giữa những phương diện khác nhau của một tính cách… Đặc điểm thẩm mỹ của xung đột và cảm hứng chủ đạo của nó phụ thuộc vào tính chất của các lực lượng tương quan. Xung đột giữa cái cao cả với cái cao cả làm nảy sinh cảm hứng bi kịch, xung đột giữa cái thấp hèn với cái thấp hèn tạo nên cảm hứng hài kịch, xung đột giữa cái cao cả với cái thấp hèn thì tạo nên cảm hứng anh hùng… (Từ điển thuật ngữ văn học).
Xung đột trong sử thi là những cuộc giao chiến sống còn giữa các anh hùng, dũng sĩ với nhau hoặc giữa các anh hùng, dũng sĩ với các lực lượng siêu nhiên. Những anh hùng, dũng sĩ này có sức mạnh siêu phàm (sức mạnh thể chất của hàng trăm người cộng lại), có tầm vóc vũ trụ, có khát vọng lớn lao (chinh phục cả Trời, chinh phục cả thiên nhiên, không sợ bất cứ điều gì, kể cả cái chết). Bởi sức mạnh, tầm vóc và khát vọng đó không phải của cá nhân nào mà là của cộng đồng, bộ tộc. Họ chiến đấu để bảo vệ quyền lợi vật chất, quyền lợi tinh thần hoặc mở rộng, bảo vệ lãnh thổ của mình; họ trực tiếp đối đầu với mọi hiểm nguy, chỉ có tiến không bao giờ lùi bước và đạp bằng mọi trở ngại trên đường đi để thực hiện sứ mạng thiêng liêng, cao cả…
Sử thi Đam San thuộc loại hình khan (sử thi dân gian) bằng tiếng Ê-Đê, phổ biến ở vùng người Ê-Đê sinh sống (Tây Nguyên). Tác phẩm gồm trên 2.000 câu có vần và nhịp, xen lẫn lời nói thường, kể lại (dưới dạng lời thuật chuyện và các đoạn đối thoại mang tính chất tái hiện) sự tích chàng Đam San, một tù trưởng trẻ tuổi, tài giỏi, hùng mạnh. Theo tập tục chuê nuê (nghĩa là nối nòi, nối dây, chỉ việc truyền nối và duy trì quan hệ hôn nhân giữa hai thị tộc), chàng Đam San phải lấy hai chị em H’nhí và H’bhí, tuy chàng thích cô gái khác. Chàng tìm mọi cách phá vỡ cuộc hôn nhân, đến nỗi ông Trời phải can thiệp: lấy ống điếu đánh bảy lần vào đầu đến chết đi sống lại, chàng mới miễn cưỡng nghe theo. Do chịu làm chồng H’bhí và H’nhí, chàng trở thành một tù trưởng giàu mạnh, chỉ huy tôi tớ và cả dân làng đi làm rẫy, bắt cá, bắt voi… Nghe nói chị em H’nhí đẹp, các tù trưởng trong vùng là M’tao Grư (tù trưởng “chim ó”) và M’tao Mxây (tù trưởng “sắt”) lừa khi Đam San mải chơi hoặc đi săn vắng nhà, bèn đến cướp H’nhí. Đam San đánh bại cả hai giành lại vợ, lại đoạt được nhiều của cải, tôi tớ, trở nên một tù trưởng giàu mạnh nhất vùng. Sau đó, Đam San đi đến chỗ cây smuk – cây thần, cây tổ tiên mà linh hồn của cây đã sinh ra H’nhí và H’bhí – cố sức chặt gãy cây. Cây thần đổ, hai chị em cùng chết. Đam San thương tiếc, hối hận, bèn lên xin ông Trời cho hai chị em sống lại. Nhưng Đam San vẫn không thích sống ở nhà với hai nàng. Chàng cưỡi ngựa đi lên Trời, toan bắt Nữ thần Mặt Trời về làm vợ nhưng không được. Trên đường về, cả người lẫn ngựa bị lún xuống bùn, chết ngập trong rừng Sáp Đen, hồn chàng hóa thành con ruồi bay vào miệng người chị ruột là H’âng, đầu thai vào Đam San – cháu. Cảnh kết thúc thiên sử thi là lặp lại cảnh đầu: họ hàng nhà H’nhí đến nhà H’âng (chị ruột Đam San – cậu) để hỏi Đam San – cháu về làm chồng H’nhí, tiếp tục ngôi vị một tù trưởng giàu mạnh.
Nhân vật Đam San trong thiên sử thi dân gian này thuộc kiểu anh hùng thị tộc – bộ lạc. Sự tích của nhân vật có thể được xây dựng bởi sự hợp nhất những nét của các thủ lĩnh có uy tín và công tích – những nét được giữ lại trong ký ức tập thể bộ lạc. Sức mạnh thể chất, sự quả cảm được mô tả như là nét nổi bật, là vẻ đẹp chủ yếu của người anh hùng. Những biến cố chiến tranh và kỳ tích của nhân vật trong chiến đấu là nội dung chính của hành động anh hùng. Bên cạnh đó, nhân vật cũng được miêu tả với những nét của kiểu anh hùng văn hóa (chỉ huy làm rẫy, bắt cá, săn voi…). Khan Đam San được coi là tiêu biểu và ưu tú nhất trong số các thiên sử thi sưu tầm được ở các sắc tộc Tây Nguyên. Tác phẩm tồn tại ở dạng diễn xướng của nghệ nhân (những người có tài ăn nói, có một vốn liếng thành ngữ, thơ ca, tích truyện khá phong phú). Ngôn bản tác phẩm đồng thời là nơi chứa đựng vốn ngôn ngữ bản tộc. Ngôn từ kể chuyện ở đây được thực hiện theo thủ pháp liệt kê và lặp lại; lối diễn tả là ước lệ, tượng trưng. Trong các hình dung về nhân vật, không chỉ nhân vật chính mà hết thảy các con người trong nội bộ cộng đồng đều được xem là tốt đẹp…
Lê Đức Đồng
Tài liệu tham khảo: Từ điển thuật ngữ văn học – Chủ biên: Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi – NXB Giáo dục – Hà Nội – 1992. Từ điển văn học Việt Nam – Tập 1 – NXB Giáo dục – Hà Nội – 1995. Văn học, Lớp 10, Tập 1 – NXB Giáo dục – 2001.
Bình luận (0)