Chọn cho mình một ngành nghề phù hợp là đã tạo nền tảng cho thành công trong tương lai. Và trong cuộc sống có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình định hướng hay chọn nghề của bất kỳ một học sinh nào. Những yếu tố đó có thể liệt kê như sau:
Bản thân
Điều tệ nhất bạn có thể làm là chọn nghề nghiệp cho mình chỉ để làm hài lòng ai đó. Không ai hiểu rõ bản thân bạn hơn chính bạn, trước khi quyết định chọn một hướng đi cho riêng mình, bạn hãy dành ít phút nhìn lại bản thân xem chúng ta có những gì, những yếu tố đó có phù hợp với nghề mình chọn hay không.
Sức khỏe
Đây là yếu tố ảnh hưởng đầu tiên khi bạn muốn chọn cho mình bất kể nghề gì. Nếu không biết tự lượng sức mình thì cho dù bạn có đi hết con đường học sau này cũng không giúp bạn bám trụ lâu với nghề. Có những ngành nghề đòi hỏi cao về sức khoẻ, đơn cử nếu bạn muốn làm phi công, thuyền trưởng thì nhất thiết bạn không được mắc các bệnh về tim mạch… muốn đi vào nghề hội họa, lái xe, nhuộm vải thì tối kỵ bệnh mù màu (không phân biệt được các màu sắc).
Năng lực
Các chỉ số IQ, EQ… giúp các bạn xác định được năng lực và khả năng của mình tới đâu. Nếu IQ của bạn dưới 100 thì hãy cân nhắc kỹ trước khi đăng ký ngành công nghệ thông tin. Trường hợp bạn không có điều kiện để thực hiện các bài test về chỉ số thông minh, cảm xúc thì hãy xem mình có thể hợp với công việc gì, khả năng của mình được thể hiện tốt nhất khi nào.
Tố chất
Bạn muốn trở thành bác sĩ, điểm số trong lớp của bạn thuộc dạng "top" nhưng khi nghe mùi thuốc kháng sinh trong bệnh viện bạn không chịu được, hay khi nhìn thấy máu là bạn cảm thấy buồn nôn. Bạn muốn làm kiến trúc sư? Tại sao không? Bạn học giỏi các môn tự nhiên, vẽ đẹp, có nhiều ý tưởng táo bạo nhưng bạn không thể nào kiên nhẫn nổi với những con số chi chít trên một bản vẽ thì bạn nên xem lại mình trước khi quyết định thực hiện mong muốn. Có thể bạn dễ dàng vượt vũ môn nhưng không thể hóa rồng … Cá nhân phải biết mình là người có tính cách như: kiềm chế, trung thực, bảo mật, gan dạ, dũng cảm, cẩn thận … để hướng đến những nghề nghiệp phù hợp.
Thiên hướng
Lúc nhỏ bạn từng lãnh đạo, cầm "cờ lau xông pha trận mạc" thì có thể bạn hợp với vai trò người lãnh đạo. Những nét vẽ "màu mè hoa lá hẹ” của bạn khi chưa thể cầm viết đúng cách có thể bạn sẽ là một Picaso tương lai. Những thiên hướng này là nền tảng cho quyết định của bạn. Đừng bỏ qua những chi tiết nhỏ này, có thể nó là bản chất năng khiếu của bạn mà bạn chưa khám phá hoặc bỏ quên. Nó ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào lĩnh vực nào của bạn sau này.
Ngoại hình
Không phải chúng ta coi trọng vấn đề hình thức, nhưng có một số ngành nghề đòi hỏi ngoại hình cao như diễn viên, tiếp viên hàng không, người mẫu, MC… Khi bạn có ngoại hình không chuẩn thì nên xem lại ước muốn ngành nghề của mình.
Năng khiếu
Năng khiếu của mỗi người là khác nhau và cùng bộc lộ một cách khác nhau. Đây có thể coi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chọn trường, chọn nghề của bạn. Một số ngành nghề như: kiến trúc, hội họa, sân khấu… đòi hỏi khá cao về phần thể hiện năng khiếu của bạn ngay trong đề thi tuyển sinh. Bạn phải xác định được năng khiếu của mình trước khi đặt bút ghi tên vào hồ sơ.
Gia đình
Điều đầu tiên ảnh hưởng đến quyết định của không ít học sinh đó là điều kiện kinh tế gia đình. Đây là vấn đề có thể nói là làm cho học sinh phân vân nhiều nhất khi chọn nghề, nhất là các em học sinh ở tỉnh lẻ, vùng nông thôn. Nhiều em có ước muốn thi vào ngành công nghệ thông tin nhưng nghĩ đến việc phải trang bị máy tính ngay năm học đầu tiên thì hơi e ngại. Nhiều ngành như du lịch, thiết kế thời trang, y… khá tốn kém cũng làm "chùn bước" không ít sĩ tử khi đăng ký dự thi
Mặc khác, truyền thống gia đình luôn quan trọng với người dân Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung. Chúng ta luôn bị ảnh hưởng của gia đình khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào. Nhiều ông bố, bà mẹ ép con học theo những ngành nghề mà cha ông mình từ trước đến giờ theo đuổi. Nếu sinh ra trong một gia đình có bố, mẹ, anh, chị làm bác sĩ, giáo viên, công an… thì học sinh thường bị "gò” phải thi vào cái "khuôn" ấy của gia đình.
Một bạn trẻ phương Tây, tuy chỉ mới học phổ thông khi muốn vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền thì luôn được cha mẹ ủng hộ, khuyến khích vì đấy là quyết định của chính bản thân bạn trẻ đó. Nhưng cũng trường hợp đó mà ở trong một gia đình Việt Nam thì sao? "Lo học cho giỏi để sau này thi đậu ĐH, ra trường thì muốn kiếm bao nhiêu tiền mà chẳng được", là câu nói của đa số phụ huynh hay những thành viên trong gia đình học sinh đó. Và điều phải làm của học sinh đó là chấp nhận, không có một thái độ gì cả, có thể là do "thói quen" vâng lời người lớn trong mọi quyết định.
Tương lai các bạn phải do chính bạn quyết định, bố mẹ là người đi trước, hiểu thế nào là tốt cho bạn nhưng không thể là người quyết định cho bạn được vì đơn giản bố mẹ không thể theo bạn đến suốt cuộc đời…
Tuy nhiên, mọi chuyện đều có hai mặt của nó. Gia đình cũng chính là nhà tư vấn cho những dự định của bạn vì hơn ai hết họ hiểu những tính cách, phẩm chất của bạn hơn bất kỳ một người nào khác. Hãy tham vấn ý kiến của họ khi bạn muốn đưa ra một quyết định nào cho tương lai của mình. Những câu hỏi như: con muốn trở thành nhà thiết kế thời trang, bố mẹ thấy thế nào? Chắc chắn bố mẹ bạn sẽ phân tích những điều được và không được của bạn khi chọn nghề ấy. Những lời khuyên, nhận xét từ bậc tiền nhân là không bao giờ thừa. Điều này tránh cho bạn sự lệch lạc trong định hướng nghề của mình.
Bạn bè
Lứa tuổi học trò là lứa tuổi thích chứng tỏ mình, khẳng định mình. Khi thấy bạn bè đăng ký thi vào những ngành nghề thời thượng thì nhiều em học sinh tự hỏi tại sao mình không thi vào đó trong khi khả năng của mình không thua kém bạn bè. Đây có thể là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều bạn chọn sai hướng đi của mình.
Theo thống kê cho thấy, nếu trong lớp học có nhiều em chọn thi vào một trường nào đó thì những học sinh còn phân vân lưỡng lự thường "a dua" thi theo bạn bè. Cũng có trường hợp vì "thằng bạn nối khố” thi vào ĐH Bách khoa nên cũng thi vô Bách khoa cho có bạn có bè, hai thằng cứ kè kè nhau quen rồi giờ bơ vơ mỗi đứa một nơi thấy "tủi tủi". Tôi có anh bạn cũng khá thân, học khá giỏi nhưng năm nào chàng ta cũng đăng ký thi ĐH mặc dù đang là sinh viên của một trường không phải tồi. Hỏi ra mới biết vì người yêu của chàng thích những anh chàng phong lưu, tài hoa theo phong cách kiến trúc, thế là anh chàng quyết định sẽ là một trong những anh chàng "phong lưu" ấy cho cô nàng cảm phục.
Có thể nói bạn bè ảnh hưởng đến cuộc sống của ta không ít, nhưng tương lai thì phải do chính chúng ta quyết định. Nếu cùng sở thích, chí hướng thì khi đi cùng con đường bạn sẽ có người chia sẻ, cùng nhau tiến bộ như thời xưa, nhưng khi thấy không thể đi cùng đường thì bạn hãy mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình, đừng gò ép theo bạn bè. Bạn cũng nên góp những ý kiến có thể quan trọng với một người bạn khi người này còn đang phân vân hay đang chọn hướng sai. Và nên nhớ chỉ khuyên thôi còn quyết định thì là của bạn mình.
Xã hội
Sau khi rời ghế nhà trường THPT, cả một chân trời tương lai đang hiện ra trước mắt các bạn. Cơ hội để nâng cao tri thức, kỹ năng của thanh niên chúng ta chưa bao giờ nhiều như bây giờ. Học ngành gì đây, ngành nào đang "hot", ngành nào đang hái ra tiền và ngành nào bảo đảm ra trường không thất nghiệp. Học đại học, cao đẳng hay học nghề… Xã hội đang phát triển, thay đổi từng ngày nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của cá nhân học sinh khi đăng ký chọn trường.
"Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa…" là quan điểm chọn trường của những sĩ tử cách đây 10 năm. Nhưng trong xu hướng hiện nay, những ngành nghề mang tính kinh tế cao như: quản trị kinh doanh, du lịch, công nghệ thông tin… hay những nghề mới lên như PR, Event, chuyên viên quảng cáo… đang thu hút khá đông bạn trẻ đăng ký học. Và tương lai còn những ngành nghề nào mới, thời thượng hơn thì chưa thể đoán trước được. Xã hội đòi hỏi chúng ta phải phát triển cho kịp tốc độ, nếu không sẽ bị đào thải nhanh chóng và điều này cũng đang gây cho những học sinh thời công nghệ số không ít băn khoăn.
Không ai hiểu bạn hơn chính bản thân bạn, người đã can đảm chọn đúng mục tiêu đời mình. Bạn sẽ không bao giờ thất vọng với việc học nếu các bạn đã xác định được mục tiêu của mình là học cái gì và học để làm gì. Trên đây là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình định hướng nghề nghiệp của học sinh. Có thể có những yếu tố khách quan, chủ quan khác mang tính bất ngờ không lường trước được, điều quan trọng là bạn phải thật bình tĩnh, luôn là chính mình trong mọi quyết định thì chúng tôi tin bạn sẽ đi đúng hướng.
Bình luận (0)