Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Nicolas Flammel và lời đồn về hòn đá phù thủy

Tạp Chí Giáo Dục

Nicolas Flammel, một thủ thư người Pháp được cho là chế tạo được đá phù thủy – chất xúc tác có thể biến kim loại bình thường thành vàng với độ tinh khiết gần như tuyệt đối dùng để chế thuốc trường sinh bất lão.

nicolas-flammel-va-loi-don-ve-hon-da-phu-thuy

Mô phỏng nhà giả kim chế tạo ra hòn đá phủ thủy do họa sỹ

Joseph Wright vẽ năm 1771.

Theo Acient Origins, nhân loại luôn bị hấp dẫn với ý tưởng được bất tử, từ đó đến nay, những nỗ lực tìm kiếm phương cách để loại bỏ cái chết và đạt được sự sống vô thời hạn trong cơ thể vật chất đã được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Phương thức nổi bật nhất từng được biết đến là thuật giả kim, với mục tiêu chính là sản xuất ra đá phù thuỷ – Lapis Philosophorum, một vật chất xúc tác huyền thoại có thuộc tính biến kim loại bình thường thành vàng với độ tinh khiết gần như tuyệt đối.

Tinh chất này là thành phần cốt yếu để pha chế thuốc trường sinh bất lão. Người ta tin rằng tinh chất này giúp ngăn chặn cái chết và vì thế, người nào uống thuốc này sẽ có cuộc sống bất tử, trẻ mãi không già. Một số người cho rằng chỉ cần uống thuốc tiên một lần là có thể vĩnh viễn bất tử, trong khi số khác cho rằng phải liên tục uống liều thuốc này ở một lượng nhất định mới có thể duy trì cuộc sống vĩnh hằng của con người.

Hòn đá phù thuỷ

Trong giới nghiên cứu giả kim thuật, hình tượng Hòn đá phù thuỷ thường được thể hiện dưới dạng quả trứng, đôi khi đi kèm với một con rắn biểu tượng của những nhà giả kim. Có vô số các nhà giả kim tuyên bố đã tạo ra được đá phù thuỷ đồng thời chế ra được thuốc trường sinh bất tử, tuy nhiên chưa có ai chứng minh được sự thành công.

Ở châu Á, các vị hoàng đế thời xưa thường xuyên ra lệnh cho tôi tớ tìm kiếm thuốc trường sinh hay người có khả năng chế ra thuốc trường sinh. Tuy nhiên, hầu hết thuốc mang về đều là đồ giả.

Cho dù những nhà giả kim khác luôn gặp thất bại, nhưng trong lịch sử vẫn tồn tại một cái tên gắn liền với một khám phá thực tế về Hòn đá phù thuỷ. Đó là Nicolas Flammel, một thủ thư người Pháp, được ghi nhận là sống từ năm 1330 đến năm 1418 ở Paris, kết hôn với Pernelle năm 1360 và trở thành cặp đôi nổi tiếng nhất trong giới nghiên cứu giả kim thuật.

nicolas-flammel-va-loi-don-ve-hon-da-phu-thuy-1

Chân dung Nicolas Flammel.

Nicolas Flammel tình cờ mua được một cuốn sách cũ đầy những văn tự cổ được viết bởi Abraham, một người Do Thái và những hình ảnh mô tả chi tiết từng bước tiến hành Đại công trình – cách các nhà giả kim gọi quá trình chế tạo ra Đá phù thuỷ. Ban đầu, Nicolas Flammel không thực sự hiểu hết về cuốn sách nên ông đã đến Compostella ở Tây Ban Nha tìm một người Do Thái cải đạo sang Công giáo giúp ông giải thích ý nghĩa trong cuốn sách.

Sau đó, Nicolas Flammel trở lại Paris, bắt tay vào thực hiện những thử nghiệm biến đổi kim loại với sự giúp đỡ của vợ. Họ tuân theo những nguyên tắc căn bản của thuật giả kim từ xưa truyền lại, cộng với những chỉ dẫn chi tiết trong cuốn sách cũ. Thành công ban đầu đem lại cho họ là vàng được tinh chế với chất lượng cao và có độ tinh khiết vượt xa những sản phẩm vàng thời bấy giờ.

Nhưng Nicolas Flammel giữ bí mật về thành công của mình. Khi vua Charles đệ ngũ ra lệnh phá huỷ tất cả những xưởng thí nghiệm thuật giả kim, Nicolas Flammel phản ứng lại bằng cách cung cấp tiền bạc của cải cho rất nhiều nhà thờ, thậm chí còn đặt làm một chiếc cổng lớn chạm khắc những hình biểu trưng cho nhà thờ Saint Jaques la Boucherie ở trong vùng.

Lời đồn về cuộc sống trường tồn

Vào thế kỷ 18, một khách du lịch tên là Paul Lucas tuyên bố rằng ông đã gặp một số người Arab trong sa mạc và những người này cho biết họ đã gặp cặp vợ chồng nhà giả kim nổi tiếng ấy hiện vẫn còn sống.

Alexis Monteiln, trong cuốn sách "Lịch sử nước Pháp từ những vùng đất khác", đã kể về việc tình cờ gặp được một trí tuệ thiên tài người Pháp và người này cũng kể về việc đã gặp Nicolas Flammel, không những còn sống mà vẫn tiến hành rất nhiều những nghiên cứu bí mật dưới lòng đất.

nicolas-flammel-va-loi-don-ve-hon-da-phu-thuy-2

Ngôi nhà của Nicolas Flammel ở Paris. 

Cuối thế kỷ 20, Averroes Secundus, một người Syria cải đạo sang Công giáo, viết cuốn sách "Terra incognita Perpetua" kể về việc ông đã đến thăm hệ thống mê cung bí mật nằm dưới lòng đất Tây Ban Nha, đâu đó bên dưới cao nguyên Sierra Morena.

Ông ta cho biết có rất nhiều lối vào hệ thống mê cung đường hầm từ những toà nhà bỏ hoang và mê cung đường hầm bí ẩn này lớn đến nỗi vươn xa đến tận Castilia, Galicia, Catalunya và xứ Basque – tức là kéo dài hàng trăm km.

Mê cung được mô tả là chứa đầy báu vật của cải quá sức tưởng tượng và là nơi cư trú của cả một dòng tu. Họ được cho là đang nắm giữ những cuốn sách quý giá, những bí ẩn to lớn được canh gác bảo vệ kỹ lưỡng cẩn mật nhất cùng với đó là những gì chưa từng được phát hiện ra vẫn đang được nghiên cứu và thử nghiệm trong những cơ sở bí mật dưới lòng đất.

Averroes Secundus thậm chí tuyên bố rằng ông đã gặp Nicolas Flammel nổi danh bằng xương bằng thịt, đang sống cùng các đạo hữu của dòng tu trong mê cung. Averroes Secundus còn được nghe Nicolas Flammel nói về việc đang tiến hành những nghiên cứu biến vật chất hữu hình thành vô hình, mục đích chính là tìm ra phương thức tối ưu để bảo vệ thế giới ngầm khỏi lòng tham vô đáy của người ngoài.

Đương nhiên là có rất nhiều phương thức bảo vệ hiệu quả được thực thi bởi các đạo hữu của dòng tu trong mê cung, rất nhiều quy tắc và thủ tục phức tạp phải thực hiện. Hệ thống bảo vệ được hình thành bởi những lãnh đạo cao cấp của dòng tu và được đích thân Nicolas Flammel quản lý giám sát. Cách duy nhất mở những cánh cửa bí mật được giấu kín là do những tín hiệu từ bên dưới mê cung và cũng chỉ có một người truy nhập được vào thời điểm đó.

Điều quan trọng hơn tất cả là cho dù có thể đi qua được mọi phương thức bảo vệ, tình cờ xâm nhập được vào hệ thống hầm ngầm với muôn ngàn khó khăn thì việc may mắn hay tình cờ thoát ra khỏi đó là hoàn toàn không thể.

Tuệ Lâm (theo vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)