Cô Hạnh (thứ 2 từ trái sang) cùng với gia đình |
Sau 24 năm theo đuổi nghề giáo, tuy gia đình cô chưa phải khá giả về mặt kinh tế, nhưng theo thời gian năm tháng, có biết bao niềm hạnh phúc đã đến với căn nhà nhỏ này. Nhất là khi hai đứa con của vợ chồng cô ngày một khôn lớn và luôn là niềm tự hào của bố mẹ. Cô là Đinh Thị Mỹ Hạnh – giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM.
Cô gái Hà thành “mê” dạy học
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà thành, ngay từ bé, Mỹ Hạnh đã mê đọc sách và thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật. Đất Hà Nội ngàn năm văn hiến đã bồi đắp trong tâm hồn cô bé tình yêu văn học. Sau những giờ trả bài tập làm văn, Mỹ Hạnh rất vui sướng vì luôn được điểm cao. Năm lớp 9, Hạnh đã đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh (HS) giỏi toàn miền Bắc. Lên cấp 3, được chọn vào lớp chuyên văn của Trường THPT Việt – Đức, mỗi giờ học Mỹ Hạnh như được tắm mình trong những câu thơ hay, lời giảng cuốn hút lòng người của các thầy cô. Ngưỡng mộ thầy cô của mình, Hạnh ước mơ sau này trở thành cô giáo dạy văn. Năm 1982, Mỹ Hạnh trở thành cô sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Một năm sau, do gia đình chuyển vào Nam nên cô vào Sài Gòn học tiếp năm thứ 2 tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Sau 4 năm chăm chỉ luyện rèn, Mỹ Hạnh ra trường và xin về vùng sâu công tác. Chỉ đến khi có gia đình, cô mới về dạy tại Trường THPT Trần Khai Nguyên.
Vốn năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động đoàn thể nên cô được nhà trường tin tưởng giao cho trách nhiệm trợ lý Đoàn Thanh niên. Chẳng khác gì một sinh viên mới ra trường, cô đem hết nhiệt tâm của mình xây dựng các phong trào đoàn hội tràn đầy sức trẻ. Ngoài những buổi lên lớp, cô tranh thủ lên kế hoạch và tổ chức cho các chi đoàn tham gia những hoạt động bổ ích của nhà trường. Nhiều thầy cô vẫn nhớ như in hình ảnh một cô giáo mang bầu nhưng không bao giờ nề hà bất cứ công việc nào trong các hoạt động của Đoàn Thanh niên. Ông xã của cô, anh Trần Minh Đức – một kỹ sư ngành xây dựng – không những luôn tạo cơ hội để vợ có thể tham gia hầu hết các hoạt động trong nhà trường mà còn sắp xếp thời gian cho vợ đi học tiếp. Vất vả của đôi vợ chồng trẻ ngày càng vơi đi khi con cái của họ học tập chăm chỉ và đạt nhiều thành tích xuất sắc ngay từ những năm đầu cấp. Từ một HS giỏi của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, cô con gái đầu lòng Trần Nam Phương Bảo Ngọc đã đoạt giải nhì trong kỳ thi HS giỏi cấp TP năm lớp 5. Đó cũng là bước đệm để sau này Bảo Ngọc thi đậu vào Trường PT Năng khiếu. Không lâu sau, Bảo Ngọc đã đem lại vẻ vang cho nhà trường khi giành giải nhất trong kỳ thi HS giỏi cấp TP. Năm 2009, em có được một suất học bổng du học tại Mỹ sau khi tốt nghiệp THPT. Khá nhiều trường ĐH ngỏ lời nhưng cuối cùng Ngọc đã chọn Trường Ohio Wesleyan để theo học ngành kinh tế. Cậu em trai Trần Nhật Tuấn cũng tiếp nối con đường của chị. Trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm nay, Nhật Tuấn đã đạt số điểm rất cao và Trường PT Năng khiếu là sự lựa chọn cuối cùng của em.
Điều khâm phục hơn ở cô Đinh Thị Mỹ Hạnh là cùng trong một thời gian vừa nuôi con ăn học thành tài cô lại vừa theo học các lớp nâng cao. Không ít người nhận xét cô giáo Hạnh là một người mẹ rất chịu học. Có ngày vừa ra khỏi lớp cử nhân chính trị tại chức cô lại vội chạy xe đến lớp cán bộ quản lý cho kịp giờ. Có người tự thắc mắc, không biết trong gia đình cô Hạnh, con noi gương mẹ hay mẹ theo gương con để thi đua học giỏi?
Niềm hạnh phúc giản đơn!
Nói về bí quyết nuôi dạy con thành tài, cô Hạnh bật mí, trước hết cha mẹ phải làm gương và tạo điều kiện cho con học tập. Cô còn nhớ thời kỳ kinh tế khó khăn nhất mà hai vợ chồng vẫn tìm cách dành dụm tiền để mua máy vi tính, từ điển đắt tiền không ngoài mục đích phục vụ cho nhu cầu học tập của con cái. Là một giáo viên văn “nghiện” đọc sách, người mẹ này đã truyền cho con niềm say mê vô tận đó. Có thể nói, sách là người bạn thân thiết trong gia đình cô giáo Mỹ Hạnh. Lúc rảnh rỗi, vợ chồng thay nhau đưa con đi nhà sách và chọn mua những ấn phẩm hay làm món ăn tinh thần cho cả gia đình. Phần thưởng mà bố mẹ dành cho các con cũng là những cuốn sách quý giá để bổ sung thêm kiến thức chưa đủ trong các lĩnh vực. Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Mỹ Hạnh đã đem về cho mình không ít những bài học kinh nghiệm đáng quý. “Ngoài trách nhiệm và nghĩa vụ, người thầy cần phải có sự đồng cảm, thương yêu đối với HS bởi có vậy họ mới thấu hiểu học trò của mình và ngược lại”, cô trải lòng. Cùng với lòng yêu nghề, từng bài học của cô đã thấm vào tâm hồn của nhiều thế hệ HS. Với vai trò tổ trưởng chuyên môn bộ môn văn, cô Mỹ Hạnh đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy từng khối lớp, đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn, xây dựng khối đoàn kết trong một tập thể nhỏ.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Lớp 11B4 do cô Hạnh làm chủ nhiệm 20 năm về trước, sau khi ra trường, năm nào cũng tổ chức ngày sinh nhật lớp để về thăm cô. Trong ngày vui đó, có nhiều em đã là cán bộ, kỹ sư thành đạt dẫn cả gia đình, con cái đến để thầy trò cùng ôn lại kỷ niệm một thời gắn bó với mái trường Trần Khai Nguyên. Đó là hạnh phúc mà cô có được từ những tháng ngày tận tụy dìu dắt các em. |
Bình luận (0)