Ông bà Ngô Văn Sính hạnh phúc bên con cháu lúc về già |
Dù tuổi đã trên “thất thập cổ lai hy” nhưng mỗi khi ra đường, người dân khu phố vẫn thấy họ tay trong tay tình tứ như “cái thuở ban đầu” và “hộ tống” theo sau là đàn cháu đông đúc. Đó là gia đình của ông bà Ngô Văn Sính – một gia đình văn hóa cấp thành phố liên tục nhiều năm qua của quận Phú Nhuận, TP.HCM.
“Cái thuở ban đầu”
Khi tôi đến nhà, ông Sính (Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ khu phố 2) cùng người bạn đời đang loay hoay cầm bút tập cho đứa cháu nhỏ viết chữ. Chỉ tay vào mấy đứa cháu đang học bài, ông khoe: “Đây là cháu nội, đó là cháu ngoại, chúng nó rất hiếu động. Mình đã có tuổi, không làm được gì nữa thì giúp ba mẹ các cháu dạy dỗ cháu, giúp các cháu học bài, đó cũng là niềm vui của vợ chồng chúng tôi lúc về già”. Tốt nghiệp Trường Nam Việt (nay là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) năm 1957, cũng là lúc anh nông dân xứ dừa tên Sính nên duyên vợ chồng với người con gái cùng quê. Đôi vợ chồng trẻ xây dựng gia đình bằng “nghiệp sư phạm” trong những ngày đầu thật khó khăn. Sau khoảng thời gian công tác tại tỉnh, họ chuyển lên Sài Gòn dạy học. Ngôi trường đầu tiên in bóng thầy giáo họ Ngô ở mảnh đất Sài thành là Trường Tiểu học Lê Văn Duyệt (nay là Trần Văn Ơn quận 1). Thế rồi trải qua nhiều ngôi trường với nhiều cương vị khác nhau, “bến đỗ” cuối cùng của thầy giáo Ngô Văn Sính là Trường Cấp II Văn Lang (Q.1) với cương vị là hiệu trưởng từ năm 1986, đến năm 1993 thì về hưu. Nhớ lại những năm tháng đã qua, thầy Sính xúc động: “Thời điểm khó khăn nhất là giai đoạn khi tôi còn đương chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai vợ chồng chỉ có một chiếc xe đạp đi làm, tôi nhường xe cho vợ – giáo viên Nguyễn Thị Kim Túy đi để còn kịp về nhà chợ búa lo cơm nước cho các con. Riêng tôi phải lội bộ từ sáng sớm, gần 1 giờ đồng hồ thầy mới đến trường thì chiếc áo cũng ướt đẫm mồ hôi. Tối về trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, hai vợ chồng vừa giúp con học bài vừa nhận hàng gia công về làm tại nhà kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống. Khó khăn là thế, nhưng vợ chồng tôi chưa một lần “tiếng to tiếng nhỏ” với nhau, luôn đồng lòng trong vấn đề giáo dục con cái cũng như chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống gia đình vượt qua mọi khó khăn của đời sống thường nhật”.
Hạnh phúc tuổi xế chiều
Nói đến công tác khuyến học, công tác Hội Chữ thập đỏ ở khu phố 2 (phường 11 quận Phú Nhuận) nhiều người thường nhắc đến gia đình ông bà. Họ biết đến gia đình ông không chỉ về trách nhiệm công tác trong hội mà còn nhắc đến là một gia đình gương mẫu của nhiều gia đình. Dù đã qua tuổi 70 nhưng ông bà Ngô Văn Sính vẫn là “trụ cột” trong đại gia đình 3 thế hệ với 14 người con (dâu và rể) và 13 đứa cháu khi luôn ở cạnh động viên các con. Ông chia sẻ: “Làm sao gia đình phải thực sự là một tổ ấm đúng nghĩa, bởi những áp lực cuộc sống bên ngoài đã rất nhiều, thì khi về “tổ ấm” phải làm sao giải tỏa được căng thẳng và quan trọng là mọi người hòa thuận tương trợ lẫn nhau trong gia đình. Và để làm được điều đó, cha mẹ phải làm gương là điều tất yếu”. Ông bà luôn cùng chung một quan điểm “không áp đặt con cái bất cứ việc gì, luôn chia sẻ động viên và nhất là tạo cho con tính tự lập và niềm tin tương lai”. Và chính nhờ điều đó mà trong suốt những năm qua, bà con hàng xóm chưa một lần nghe “tiếng to tiếng nhỏ” xảy ra trong đại gia đình ông. Chỉ thấy những buổi chiều, ngày cuối tuần ông dẫn các cháu nhỏ dạo phố, thăm hỏi bà con hàng xóm. Đó cũng là yếu tố giúp ông bà liên tục đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa cấp thành phố” trong nhiều năm qua. Hiện, ngoài việc vui đùa với con cháu, giúp các con trong nhà, ông còn tham gia Chi hội trưởng Chi hội Chữ Thập đỏ ở khu phố; bà là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học và trong nhiều năm qua ông bà còn nhận được niềm tin yêu và sự tín nhiệm của người dân khi tham gia các công tác khác trong phường.
Bài, ảnh: Thái Khuê
“Nếu có thể làm được thì hãy nỗ lực hết mình để phục vụ xã hội, bù đắp những ngày gian khó đã qua, công tác xã hội không chỉ giúp mình khuây khỏa mà còn làm gương cho con cháu” – ông bà Sính tâm sự. |
Bình luận (0)